Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có chủ trương kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại và đánh giá cao hợp tác với các cơ quan chức năng của Mỹ trong giải quyết các vụ việc gian lận.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng tiết lộ thông tin cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mê Kông – Lan Thương lần thứ ba và có bài phát biểu quan trọng.
Liên quan đến việc Trung Quốc xả lũ, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay, do chưa nắm được thông tin cụ thể lưu lượng xả lũ nên các cơ quan chức năng Việt Nam chưa thể tính toán chính xác được khả năng ảnh hưởng từ việc này tới khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
Việt Nam sớm đưa công dân từ Uzbekistnan về nước
Chiều nay, 20/8, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin về việc tổ chức chuyến bay nhân đạo đưa công dân Việt Nam từ Uzbekistan về nước.
“Hiện các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, kiêm nhiệm Uzbekistan đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại xây dựng kế hoạch đưa công dân Việt Nam tại Uzbekistan về nước trong thời gian sớm nhất, phù hợp với nguyện vọng của công dân, tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Trước đó, theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 226 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Uzbekistan. Đây là những đối tượng công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng cung ứng lao động.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhóm lao động này đã ngừng làm việc ở công trường và được cách ly tại chỗ sau khi một số trường hợp được xác định dương tính với coronavirus.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Uzbekistan liên hệ với người lao động để tìm hiểu thông tin, kịp thời động viên thăm hỏi, yêu cầu chính quyền địa phương bảo đảm các biện pháp cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho những người lao động này.
Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga trước đó, đã nhận được đơn thư của đại diện 226 công nhân Việt Nam đang làm việc tại Công ty China Petroleum Jili Chemical Engineering and Construction Co.,Ltd (JCC) tại thành phố Karshi, Uzbekistan.
Những công dân này cho biết hiện đang gặp khó khăn trong sinh hoạt, làm việc và phòng chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia này.
Việt Nam đánh giá cao hợp tác với Mỹ điều tra gian lận thương mại
Trong buổi họp báo chiều nay, liên quan đến việc cơ quan chức năng Việt Nam và Hoa Kỳ vừa qua đã phối hợp điều tra, bắt giữ một số cá nhân là công dân Việt Nam có hành vi gian lận thương mại, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng đã có phản hồi liên quan.
“Theo thông tin từ Bộ Công an, căn cứ theo thông tin phía Hoa Kỳ cung cấp, Công an thành phố Hà Nội và các cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam bốn người về chiếm đoạt tài sản. Hiện các cơ quan chức năng Việt Nam đang mở rộng điều tra và sẽ xử lý vụ việc theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam”, bà Hằng cho biết.
“Chính phủ Việt Nam chủ trương kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại. Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ trong vụ việc này”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Theo thông tin mà Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cung cấp, ngày 18/8, Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ (HSI, thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ) đã hợp tác điều tra vụ lừa đảo liên quan đến đại dịch do coronavirus (Covid-19).
Cuộc điều tra này bắt nguồn từ thành phố Tampa, bang Florida từ hồi tháng 3/2020. Văn phòng của Cục Điều tra An ninh Nội địa Mỹ tại TP.HCM đã chuyển thông tin cho phía cơ quan chức năng, Bộ Công an Việt Nam. Theo đó, sau quá trình tìm hiểu làm rõ, giới chức trách Việt Nam đã tiến hành cuộc điều tra riêng và cuối cùng bắt giữ ba nghi phạm.
Ba đối tượng bị bắt giữ bao gồm Phan Đình Thư, Trần Quốc Khánh và Nguyễn Duy Toản, đều là công dân Việt Nam, bị cáo buộc đã tham gia vào kế hoạch lừa đảo nhằm thu lợi bất chính lợi dụng đại dịch Covid-19.
Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, các nghi phạm này điều hành hơn 300 trang website với mục đích lừa đảo, bán các sản phẩm gồm nước rửa tay khô, khăn ướt diệt khuẩn, mặt hàng vệ sinh cá nhân chống coronavirus phổ biến.
Điều đáng nói là có hơn 7.000 nạn nhân từ tất cả 50 bang của Mỹ đã đặt mua sản phẩm từ các trang bán hàng của ba nghi phạm. Khách hàng – các nạn nhân dù đã thanh toán tiền đầy đủ nhưng không hề nhận được hàng, sản phẩm đã đặt hàng nên nhiều người sau đó đã đâm đơn kiện.
Phan Đình Thư, Trần Quốc Khánh và Nguyễn Duy Toả đồng thời cung cấp các thông tin sai lệch về địa chỉ và số điện thoại liên lạc lên trang web của mình, dẫn đến hiểu lầm cho các cá nhân và doanh nghiệp không liên quan đến vụ việc phải nhận các cuộc gọi phản ánh và than phiền từ khách hàng phát sinh do các hoạt động lừa đảo này. Đã có gần 40.000 giao dịch lừa đảo trị giá xấp xỉ 975.000 USD được phát hiện.
Phát biểu về việc hợp tác điều tra và bắt giữ các nghi can trong vụ lừa đảo này giữa Cục Điều tra An ninh Nội địa Mỹ và Bộ Công an Việt Nam, Đại sứ Daniel J.Kritenbrink nhấn mạnh đến quyết tâm đấu tranh nghiêm túc với tội phạm, đặc biệt là những kẻ lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đê trục lợi của Bộ Công an và Chính phủ Việt Nam.
“Việc Bộ Công an Việt Nam bắt giữ các nghi phạm này đã chứng minh rõ ràng rằng Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến Covid-19. Cuộc điều tra này cho thấy các nạn nhân đã mất mát số tiền rất lớn dù họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn khác do đại dịch Covid-19 gây ra”, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.
Ông Kritenbrink khẳng định “tự hào” khi Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ đang hợp tác cùng nhau để điều tra vụ lừa đảo xuyên quốc gia rất phức tạp này.
Trung Quốc xả lũ, Việt Nam ảnh hưởng gì?
Cũng tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 20/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã giải đáp một số vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc xả lũ về sông Hồng, đe doạ khu vực hạ nguồn của Việt Nam.
Trước câu hỏi Việt Nam có cơ chế nào để trao đổi ngoại giao với Trung Quốc về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, cơ quan ngoại vụ địa phương của phía Trung Quốc đã có thông báo cho cơ quan ngoại vụ địa phương của Việt Nam.
Trước đó, Sở Ngoại vụ, UBND tỉnh Lào Cai ban hành công văn số 362/SNV-LS thông báo Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) dự kiến xả lũ từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 20/8/2020.
Công văn cho biết, hiện chưa nắm được lưu lượng xả lũ của nhà máy thủy điện này. Thêm vào đó, chưa có thông tin xả lũ từ phía Trung Quốc trên các lưu vực sông khác trong những ngày tới.
“Do chưa có thông tin cụ thể về lưu lượng xả lũ từ các hồ chứa trên thượng lưu sông Thao nên Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cơ quan chức năng Việt Nam chưa tính được chính xác khả năng ảnh hưởng từ việc xả lũ từ phía Trung Quốc tới khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Theo số liệu quan trắc, trong 24 giờ qua, mực nước tại trạm Mạn Hảo trên lãnh thổ Trung Quốc (cách biên giới Việt Trung khoảng 80 km) đang có khuynh hướng tăng chậm (50cm/24 giờ).
Đến khoảng 13 giờ ngày 20/8, mực nước trạm Lào Cai đang xuống nhanh và ở mức dưới báo động 1 là 0,10m.
Đặt giả thiết lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc tăng thêm khoảng 1000-1500 m3/s (theo mức độ gia tăng lưu lượng tại trạm Nguyên Giang của Trung Quốc) thì mực nước sông Thao tại Lào Cai có khả năng lên nhanh và đạt mức báo động 2 đến trên báo động 2 khoảng 1,0m (tăng lên so với hiện nay khoảng 2,0-2,5m).
Trong khi đó, mực nước tại Yên Bái trong 36 giờ tới sẽ tăng lại và đạt mức báo động 2 đến báo động 3.
Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi và thường xuyên cung cấp thông tin về việc xã lũ và các bản tin dự báo diễn biến lũ trong những ngày tới cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các địa phương liên quan.
Báo cáo mới nhất của Đài khí tượng thủy văn Lào Cai cho biết, mực nước trên sông Hồng tại trạm thủy văn Lào Cai hiện đang đứng, lúc 9h ngày 20/8 là 80,20m trên BĐI là 0,20m. Tại trạm thủy văn Bảo Yên trên sông Chảy, mực nước lúc 9h ngày 20/08 là 71,25m trên BĐI là 0,25m.
Trong 12 giờ tới, mực nước trên sông Hồng tại Lào Cai tiếp tục ở mức cao trên BĐI; trong 12- 24h tiếp theo trên sông Hồng tại Lào Cai có khả năng xuất hiện lũ với biên độ 2,0-3,0m; đỉnh lũ ở mức (BĐII-trên BĐII là 1,0m).
Từ chiều nay đến ngày 22/8 ở khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông (phổ biến 50-100mm/24h, có nơi trên 120mm/24h); các khu vực khác ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (phổ biến 20- 40mm/24h, có nơi trên 50mm/24h).
Do mưa lớn, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ tăng trở lại và xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m.
Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc bộ, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng.
Ngoài ra, còn có nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như Lào Cai, Yên Bái.
Thủ tướng sẽ dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 3
Cũng tại buổi họp báo, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 3 và có bài phát biểu quan trọng.
Theo bà Hằng, đây là hội nghị mang tính chất định kỳ, được tổ chức 2 năm/lần với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao 6 nước thành viên Mekong-Lan Thương, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Hội nghị năm nay được tổ chức vào ngày 24/8 theo hình thức trực tuyến.
Đồng chủ trì hội nghị lần này là Lào và Trung Quốc. Chủ đề của hội nghị là “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung”. Các đại biểu sẽ tập trung đánh giá tình hình hợp tác kể từ Hội nghị Cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ 2 và thảo luận về định hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.
Dự kiến, một số nội dung sẽ được lãnh đạo các nước thảo luận bao gồm: Hợp tác y tế cộng đồng tăng cường khả năng phòng chống dịch bệnh, hợp tác phục hồi phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.