Trả lời phỏng vấn độc quyền của Sputnik, ông đã nói về kế hoạch đánh bại «chủ nghĩa khủng bố hàng không» của Hoa Kỳ, về các loại vũ khí của Iran và Tehran đang chuẩn bị xuất khẩu cho những nước nào vào tháng 11 này.
Bộ trưởng cũng cho biết những đổi mới quân sự nào sẽ khiến Israel và Hoa Kỳ phải lo sợ, cũng như lý do tại sao một số nước lại e ngại trước những kế hoạch mới trong hợp tác kỹ thuật-quân sự của LB Nga và Iran.
Sputnik: Ông đánh giá thế nào về tương lai hợp tác Nga-Iran trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, có tính đến thất bại của Hoa Kỳ hòng gia hạn lệnh cấm vận vũ khí?
Ông Hatami: Hợp tác quân sự giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và Liên bang Nga dựa trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, hướng đến đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực và quốc tế, vốn đang bị đe dọa bởi hành động gây hấn và bá quyền của một số quốc gia. Đó là sự hợp tác cùng có lợi dựa trên lợi ích chung đang phát triển tốt đẹp những năm gần đây và đặc biệt là trong thập kỷ vừa qua. Một trong những hướng hợp tác là quân sự-công nghiệp, đã phải đối mặt với hàng loạt trở ngại gắn với các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ trước khi Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA được ký kết và việc duy trì một số thoả thuận trong đó sau khi ký kết hiệp định hạt nhân. Nhưng chúng tôi không buông xuôi thụ động và tiếp tục phát triển lực lượng vũ trang của mình. Cụ thể, sau khi Nga ngừng cung cấp các hệ thống phòng không S-300, chúng tôi đã tập trung vào chủ động phát triển các phương tiện phòng không và hiện giờ Iran đã có những hệ thống chắc chắn, đáng tin cậy, đủ khả năng triệt hạ mục tiêu ở độ cao thấp, trung bình và cao. Công việc theo hướng này vẫn đang được tiếp nối.
Về hợp tác quân sự Nga-Iran, chúng ta có tiềm năng lớn cả về mua sắm trang thiết bị quân sự và những lĩnh vực khác.
Sputnik: Trong những năm gần đây, Iran đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc phát triển công nghiệp tên lửa. Liệu tên lửa Iran có thể đảm bảo an ninh và bảo vệ đất nước trước mối đe dọa từ bên ngoài?
Ông Hatami: Trong khuôn khổ chính sách kiềm chế ngăn chặn, chúng tôi đã phát triển hàng loạt chương trình quốc phòng, gồm cả phát triển vũ khí. Có chương trình tên lửa, được xúc tiến chỉ thuần tuý với mục đích răn đe và tính đến tất cả những mối đe dọa hiện hữu và tiềm tàng. Khi Hoa Kỳ trong những năm gần đây liên tục nhắc đi nhắc lại về kịch bản quân sự tiềm năng chống Iran, còn chế độ Israel ngang nhiên vi phạm mọi chuẩn mực và thỏa thuận quốc tế, dự kiến mở rộng sự chiếm đóng của họ, chúng tôi cần phải sẵn sàng đáp trả mọi hành động hiếu chiến có thể xảy ra. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã nhiều lần bắt vấp phải những hành động như vậy và lập tức phản ứng. Đó là cuộc xâm nhập của UAV Mỹ vào không phận Iran ở eo biển Hormuz, bị phòng không của chúng tôi bắn rơi; cuộc tấn công khủng bố Yves Akhvaze mà chúng tôi đã đáp trả bằng đòn đánh chính xác vào hang ổ chiến binh ở Syria; và cuối cùng là cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ Mỹ Ein al-Assad để đáp trả vụ ám sát Tướng Soleimani.
Tôi nhắc lại một lần nữa rằng tên lửa chỉ cần thiết để răn đe Hoa Kỳ và chế độ Israel gắn với phía Mỹ, và chúng tôi không sửa soạn dùng tiềm lực tên lửa của mình vào bất kỳ mục đích nào khác.
Sputnik: Gần đây ông tuyên bố Iran sẵn sàng xuất khẩu vũ khí trong trường hợp dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Xin hỏi, đó là những loại vũ khí gì vậy? Và khách mua hàng tiềm năng là những nước nào?
Ông Hatami: Chúng tôi sản xuất mọi thứ cần thiết dành cho tất cả các binh chủng và loại hình của lực lượng vũ trang nước tôi. Một phần sản phẩm này rơi vào hạn chế: một số loại vũ khí bị xử phạt trong thời hạn 5 năm tương ứng với nghị quyết 2231 của HĐBA Liên Hợp Quốc. Nghĩa là, để bán được vũ khí, chúng tôi phải được Hội đồng Bảo an cấp phép, nhưng vốn biết quá rõ lập trường thù địch của Hoa Kỳ nên chúng tôi không đề nghị cấp phép này mà tìm cách xuất khẩu những sản phẩm khác. Mọi thứ mà chúng tôi sản xuất đều là vũ khí thông thường (tất cả các loại vũ khí hoả lực, phản lực, rốc-két, bom, mìn, súng phun lửa, vũ khí gây cháy, ngư lôi), và trong trường hợp dỡ bỏ lệnh trừng phạt, mà điều này chắc chắn sẽ đến, thì các doanh nghiệp quốc phòng của chúng tôi sẵn sàng khôi phục hoạt động cung cấp hàng xuất khẩu là các loại vũ khí này. Sản phẩm của chúng tôi đã được yêu cầu tại thị trường châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ. Nếu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, tôi tin chắc rằng chúng tôi không chỉ có thể quay trở lại mà còn đủ sức mở rộng những thị trường này cho chính mình.
Sputnik: Iran có kế hoạch mua vũ khí gì để phòng thủ trước các mối đe dọa khu vực và liên khu vực, nếu tính đến quan hệ căng thẳng với UAE và đặc biệt là với Hoa Kỳ? Iran có kế hoạch mua vũ khí từ Liên bang Nga hay chăng?
Ông Hatami: Chính sách của lực lượng vũ trang nước tôi về vũ khí có hướng tự cung tự cấp và nội địa hóa [các vũ khí hiện đại], nhưng như thế không có nghĩa là chúng tôi có thể đáp ứng 100% toàn bộ nhu cầu vũ khí của mình. Nhưng khác với nhiều nước trong khu vực, chúng tôi không định biến cả nước thành kho vũ khí. Trong chừng mực tất cả quyết định về vũ khí được thông qua thuần tuý ở cấp nội bộ và không có áp lực từ nước ngoài, chương trình vũ trang của chúng tôi hoàn toàn hợp lý và dựa trên cơ sở đảm bảo khả năng phòng thủ và tự vệ chắc chắn vững vàng, có tính đến nhu cầu của chúng tôi và với chi phí ở mức tối thiểu.
Kể từ chiến thắng của Cách mạng Hồi giáo (năm 1979), chế độ Hoa Kỳ và chư hầu khu vực của họ là Israel đã ra sức chống quốc gia Iran và bị coi là kẻ thù của chúng tôi, vì vậy chúng tôi đã thực thi một số chương trình hiệu quả về các phương tiện kiềm chế họ. Hôm nay chúng tôi đã cho họ những vũ khí là phương tiện răn đe chủ động. Trạng thái căng thẳng mà những nước này tạo ra không phải là cái gì mới mẻ với chúng tôi. Bạn đã đề cập đến UAE, những người Hồi giáo của quốc gia này, cũng như các nước khác, đều là anh em của chúng tôi. Và chỉ những nhà cầm quyền của họ mới mắc sai lầm, trong đó sai lầm gần đây nhất là cho phép «chế độ Zion» của chủ nghĩa phục quốc Do Thái tiếp cận một khu vực nhạy cảm như Vịnh Ba Tư. Hiển nhiên, một chế độ luôn cố nhằm gây mất ổn định khu vực thì cho dù ở đâu chăng nữa cũng sẽ là nguồn gốc u tối và hỗn loạn.
Trong quá khứ chúng tôi đã có quan hệ hợp tác tốt với Liên bang Nga trên bình diện công nghệ-quốc phòng, và sự hợp tác này vẫn được tiếp nối, một phần gắn với việc cung cấp vũ khí và trang bị mới.
Sputnik: Iran có kế hoạch chống lại «chủ nghĩa khủng bố đường không» của Hoa Kỳ hay chăng, cụ thể là Iran sẽ phản ứng thế nào về sự cố gần đây với chiếc máy bay chở khách Mahan Airlines ở Syria?
Ông Hatami: Không một hành động nào của bọn khủng bố Mỹ chống lại lợi ích của Iran mà không bị trừng phạt, hơn nữa, chúng đã nhận được những đáp trả nhiều mặt, mà chúng chọn cách im lặng giữ thể diện. Không cần nghi ngờ gì, chúng tôi sẽ không hành động theo cách tương tự và đáp trả bằng hành động đối xứng chống bọn khủng bố đã bộc lộ thói hèn nhát và thực hiện hành động tội ác chống dân thường và những hành khách không thể tự bảo vệ đang yên lành hưởng sự phục vụ từ hãng hàng không của chúng tôi.
Sputnik: Iran đã đạt thành tựu gì ở lĩnh vực công nghiệp quốc phòng-quân sự trong năm qua?
Ông Hatami: Ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi đã hoàn toàn nội địa hóa, đang phát triển năng động và liên tục, đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong mọi lĩnh vực, nhưng các ưu tiên của chúng tôi về tiến bộ trong các lĩnh vực khác nhau tương ứng với kế hoạch dành cho những thời gian khác nhau.
Trong kế hoạch bốn năm gần nhất của Bộ Quốc phòng, ưu tiên là nâng cao khả năng phòng thủ chiến lược, nhưng không theo nghĩa là chúng tôi ngừng phát triển những lĩnh vực phi chiến lược. Năm ngoái, chúng tôi đã có thành quả sáng giá về chế tạo tên lửa, được giới thiệu cách đây vài ngày, vào Ngày hội của ngành Công nghiệp Quốc phòng Iran: chế tạo tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn với sức mạnh chiến thuật cao, chế tạo tên lửa hành trình hải quân với tầm bắn xa trên 1.000 km.
Lĩnh vực chế tạo thiết bị phòng không vẫn đang phát triển không ngừng. Chúng tôi đã thành công trong việc chủ động phát triển hệ thống bảo vệ chống tên lửa hành trình và hệ thống phòng không cơ động, cũng như ngay tới đây sẽ sớm giới thiệu những sản phẩm mới về thiết bị phòng không trên tàu ngầm.
Chúng tôi cũng đạt thành tựu trong việc phát triển tên lửa chống tăng. Việc tạo ra đạn thông minh thuộc một chương trình khác trong ngành công nghiệp quốc phòng mà chúng tôi cũng đạt kết quả xuất sắc. Chúng tôi đã thu xếp ổn thoả chu trình sản xuất nội địa những thiết bị kỹ thuật và xe bọc thép khác nhau: xe tăng, xe bọc thép chở quân, cũng như các loại xe chuyên dụng và chiến thuật.
Trong ngành hàng không, chúng tôi đã thiết kế và tạo ra máy bay huấn luyện-chiến đấu «Yasin», đã nội địa hóa hoàn toàn việc sản xuất máy bay huấn luyện-chiến đấu. Hiện giờ chúng tôi có cả máy bay chiến đấu hạng nhẹ và trực thăng nội địa.
Trong lĩnh vực chế tạo động cơ máy bay, chúng tôi đã khởi động dây chuyền sản xuất động cơ turbin đầu tiên, đồng thời nội địa hóa hoàn toàn chu trình sản xuất động cơ turbin cánh quạt hạng nhẹ thế hệ thứ 4 đầu tiên của Iran (sử dụng trong các phương tiện bay không người lái hiện đại). Chúng tôi đã có thể đạt được tiến bộ tốt trong sản xuất máy bay không người lái và hôm nay Iran là một trong những cường quốc thành công nhất trong lĩnh vực này.
Trong ngành hàng hải, chúng tôi đã thiết kế và chế tạo các loại tàu nổi và tàu ngầm, đồng thời thực hiện những bước đi nghiêm túc về trang bị cho các chiến hạm những vũ khí hiện đại nhất, chẳng hạn như tên lửa hành trình Abu Mahdi với tầm bắn xa đạt hơn 1.000 km.