Liên quan vụ sở hữu hai quốc tịch của ông Phạm Phú Quốc, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy khẳng định, sẽ báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có quyết định liên quan đến việc ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp.
Nhiều ĐBQH Việt Nam bức xúc vì cho rằng, việc một quan chức, đại biểu Quốc hội Việt Nam như trường hợp ông Phạm Phú Quốc mà lại mang quốc tịch nước ngoài là không thể chấp nhận được. Đó là hành vi gian dối, không trung thực, cần bị bãi nhiệm, xử lý nghiêm để làm gương và cảnh tỉnh.
Ông Phạm Phú Quốc thừa nhận có quốc tịch Síp (Cyprus)
Trước cáo buộc một lúc có hai quốc tịch Việt Nam và Cyprus, bỏ ít nhất 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu vàng Cộng hòa Síp, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ĐBQH Việt Nam (thuộc Đoàn TP.HCM), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận đã lên tiếng trả lời.
Cụ thể, chiều 25/8, ĐBQH Phạm Phú Quốc đã có một số trao đổi xung quanh thông tin ông có quốc tịch Cộng hòa Síp (Cyprus) và điều này được thực hiện như thế nào.
Về vấn đề sở hữu quốc tịch Cộng hòa Síp, đồng nghĩa với tấm hộ chiếu EU đang gây chấn động dư luận, Đại biểu Phạm Phú Quốc khẳng định trên Tuổi Trẻ cho biết, bản thân có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, khác với thông tin được hãng tin Qatar Al Jazeera đăng tải là ông “mua quốc tịch”, ĐBQH Phạm Phú Quốc nhấn mạnh, ông có quốc tịch này do “gia đình bảo lãnh”.
EXCLUSIVE: A leak of thousands of documents obtained by @AJIunit reveals how Cyprus sold passports to criminals and fugitives who are under police investigation.
— Al Jazeera English (@AJEnglish) August 23, 2020
The I-Unit discovered serious flaws in the island’s lucrative so-called ‘golden passport’ scheme.#CyprusPapers pic.twitter.com/AFFDXuJvKb
Theo đại biểu Quốc, khi ứng cử ĐBQH vào tháng 5 năm 2016, ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, vì lý do có một số thay đổi trong công việc và hoàn cảnh cá nhân nên năm 2018, ông Quốc đã hai lần làm đơn trình bày nguyện vọng xin thôi nhiệm vụ công tác (ở thời điểm đó ông đang là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), để chuyển đến Thành ủy, UBND TP.HCM.
“Khi biết tôi có làm đơn xin thôi nhiệm vụ, giữa năm 2018 gia đình tôi (vợ và con tôi đã có quốc tịch Síp trước đó) đã đề nghị với tôi và thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Síp cho tôi để tương lai khi tôi được nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình”, ông Quốc cho hay.
Đại biểu Phạm Phú Quốc một lần nữa khẳng định việc mình có quốc tịch Cyprus là do “gia đình bảo lãnh”, chứ không có chuyện “mua quốc tịch” với giá 2,5 triệu USD như một số thông tin lan truyền trong dư luận.
Cũng theo ông Quốc, cả vợ và con trai ông đều làm trong lĩnh vực kinh doanh. Con trai ông đã học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, đã có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài tại đây.
“Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus”, ông Quốc phân trần.
Sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét vụ ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp
Ông Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải thích và có quyết định liên quan đến việc ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp.
Liên quan đến việc đại biểu Phạm Phú Quốc thừa nhận trong năm 2018, gia đình thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Síp cho ông để tạo điều kiện thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình, tuy nhiên vị Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội phủ nhận hoàn toàn chuyện mua quốc tịch Cyprus với giá 2,5 triệu USD, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy khẳng địn, việc ông Phạm Phú Quốc trả lời trên báo chí như thế nào là quyền cá nhân của ông Quốc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm việc bằng hồ sơ, dựa theo hồ sơ và xác minh để đưa ra kết luận.
“Thông tin về đại biểu Phạm Phú Quốc chưa phải là thông tin chính thống nên cần phải chờ kết quả của cơ quan chức năng. Đại biểu Phạm Phú Quốc thuộc đoàn ĐBQH TPHCM nên do Đoàn TP.HCM quản lý. Đây là đại biểu của dân, do dân bầu, cho nên rất tôn trọng và cần phải xác minh. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thông tin, khi có thông tin, Ban công tác đại biểu sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định”, ông Trần Văn Túy cho biết.
Theo ông Túy, trước hết Ban công tác đại biểu sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan xác minh việc ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ hai (Cộng hòa Síp). Tiếp đến, các cơ quan của Quốc hội sẽ làm theo quy trình, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa ra quyết định cuối cùng.
“Ban Công tác đại biểu trong ngày 25/8 mới nắm được thông tin. Dự kiến ngày 26/8, chúng tôi làm việc với cá nhân đại biểu Phạm Phú Quốc và đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về vấn đề này”, ông Túy khẳng định.
Như Sputnik đã đưa tin hôm qua, về phần mình, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Thường vụ Quốc hội đang đợi báo cáo của Ban công tác đại biểu và sẽ xem xét theo quy định.
Trả lời cho câu hỏi, liệu “việc ông Phạm Phú Quốc mang quốc tịch Síp có kê khai trong hồ sơ đại biểu” hay không, ông Trần Văn Túy cho biết ông Quốc trúng cử Quốc hội năm 2016. Tuy nhiên, nếu thông tin ông Quốc trả lời trên báo chí là đúng, đến 2018 ông mới có quốc tịch Síp thì việc này không được kê khai trong hồ sơ đại biểu.
“Tất nhiên chúng tôi sẽ xác minh thêm. Nếu xác định việc đại biểu Phạm Phú Quốc không báo cáo kịp thời thì đó là một tình tiết để cơ quan chức năng xem xét”, ông Túy khẳng định.
Còn về Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 thì không có đề cập cụ thể quy định về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội. Do đó, đối với vấn đề này còn nhiều cách hiểu khác nhau.
“Đại biểu mang 2 quốc tịch như ông Phạm Phú Quốc có vi phạm hay không? Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải thích rõ quy định và quyết định trường hợp này”, ông Trần Văn Túy khẳng định.
Vụ sở hữu hai quốc tịch như ĐBQH Phạm Phú Quốc là không thể chấp nhận
Về vụ việc của cá nhân ông Phạm Phú Quốc, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc một ĐBQH Việt Nam mà lại mang quốc tịch nước ngoài là không thể chấp nhận được.
“ĐBQH mà có quốc tịch nước ngoài thì theo tôi không đủ tư cách đại biểu. Không thể nào Quốc hội Việt Nam lại có người có quốc tịch nước ngoài, dù người đó vẫn còn cả quốc tịch Việt Nam và dù người đó có mua hay nhập quốc tịch nước ngoài bằng cách nào đi nữa”, ông Hòa khẳng định.
Chia sẻ thêm ý kiến liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, theo thông tin ông Quốc phát biểu trên báo chí, thì ở thời điểm năm 2016 khi ứng cử vào Quốc hội, ông Quốc chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Trường hợp này vẫn phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
“Ông Quốc trả lời báo chí là đến năm 2018, ông mới có hai quốc tịch. Lúc đó Luật tổ chức Quốc hội chưa được sửa đổi và chưa bổ sung quy định về quốc tịch của đại biểu. Nhưng theo quan điểm của tôi, đại biểu Quốc hội chỉ nên có một quốc tịch vì anh là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước”, ông Phạm Văn Hòa cho biết.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng, Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật cũng như xem xét sự việc cụ thể liên quan đến đại biểu.
Cũng như Trưởng Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy đã khẳng định ở trên, vào tháng 6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, quy định đại biểu Quốc hội chỉ được “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Tuy nhiên, luật này đến đầu năm 2021 mới có hiệu lực.
“Vấn đề ở đây là đại biểu Phạm Phú Quốc có trách nhiệm báo cáo trung thực với tổ chức. Bất cứ ai ở tư cách là cán bộ nhà nước và đại biểu Quốc hội, khi thay đổi lý lịch cũng như sở hữu hộ chiếu thứ hai đều phải giải trình”, ông Phạm Văn Hòa chia sẻ.
“Việc ông Quốc giấu, không hề báo cáo là hành vi gian dối. Khi đã có quốc tịch nước ngoài rồi thì trách nhiệm của ông phải báo cáo trước tiên với Đoàn ĐBQH của TP.HCM để Đoàn ĐBQH TP.HCM báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến mới đúng”, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu rõ.
Ông Phạm Văn Hòa còn cho rằng, trên thực tế, khi đã có ý định nhập quốc tịch nước khác thì suy nghĩ, tư tưởng, nhận thức của người đại biểu đó cần phải xem xét lại. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng phải xem xét kỹ trường hợp này, nên “động viên” cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH giống như trường hợp nữ đại biểu trước đây cũng nhập quốc tịch nước ngoài.
“Với tư cách một ĐBQH, tôi không thể nào chấp nhận trường hợp một ĐBQH của Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài, dù đó có là quốc tịch của nước nào”, ông Hòa thẳng thắn.
Đối với trường hợp như ông Phạm Phú Quốc, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, nhất thiết phải xử lý nghiêm khắc.
“Theo tôi nên cho nghỉ, dù rằng đã sắp hết nhiệm kỳ”, ông Phạm Văn Hòa thẳng thắn.
Nhanh chóng bãi nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc làm bài học cảnh tỉnh?
Liên quan đến vụ ồn ào quốc tịch của ông Phạm Phú Quốc, đồng tình với ĐBQH Phạm Văn Hòa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ông Lê Như Tiến chia sẻ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải xem xét kỹ lưỡng và xử lý thật nhanh vấn đề này.
“Việc ông Phạm Phú Quốc nhập quốc tịch Cộng hoà Síp từ năm 2018 mà không báo cáo Quốc hội là vi phạm quy định của Việt Nam. Nếu trước khi nhập quốc tịch nước ngoài, ông ta xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và được chấp thuận thì sẽ không có vấn đề gì, nhưng ông còn đang là đại biểu mà có quốc tịch nước khác là vi phạm”, ông Lê Như Tiến khẳng định trên VTC cho hay.
Vị chuyên gia nhận định, những người giữ trọng trách là ĐBQH (như bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Phạm Phú Quốc) nhưng lại có những hành động nhập quốc tịch nước ngoài cho thấy sự thiếu hiểu biết về pháp luật của những vị đại biểu này.
“Hơn nữa, việc các đại biểu này âm thầm nhập quốc tịch mà không báo cáo còn là hành vi thiếu trung thực và việc này cần phải xử lý nghiêm”, ông Lê Như Tiến khẳng định.
Ông Tiến cũng cho rằng, Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội nên nhanh chóng bãi nhiệm chức vụ đối với vị đại biểu này và xem đây là bài học cảnh tỉnh cho các vị ĐBQH đương nhiệm cũng như các vị ĐBQH nhiệm kỳ tới khi còn muốn “nhăm nhe” hai quốc tịch, đứng núi này, trông núi nọ.
“Sáng 25/8, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác ĐB đã giao Vụ Công tác ĐB kiểm tra thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách các chính trị gia “mua” hộ chiếu châu Âu”, vị lãnh đạo Đoàn ĐBQH TP.HCM cho hay.
Theo đó, phía Đoàn ĐBQH TP.HCM hiện không thể trả lời về vấn đề này, bởi theo quy chế đã phân công, đồng thời cũng không đủ thẩm quyền để yêu cầu ĐBQH giải trình về vấn đề báo nước ngoài đăng có hộ chiếu Cộng hòa Síp, mà phải chờ thông tin thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền.
“Ban Công tác Đại biểu có thể đề nghị ĐBQH Phạm Phú Quốc giải trình hoặc xác minh theo hướng khác, trong trường hợp đại biểu giải trình thì sẽ gửi cho Đoàn ĐBQH TP.HCM một bản, khi đó Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ có thông tin chính thức”, vị lãnh đạo khẳng định.
Những ĐBQH Việt Nam dính ồn ào mang quốc tịch nước ngoài
Trước trường hợp của ông Phạm Phú Quốc được báo chí Qatar tiết lộ đã mua hộ chiếu vàng của Cộng hòa Síp, năm 2016, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng phát hiện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH khóa XII, XIII, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quốc tịch Malta.
Theo đó, bà Hường và gia đình đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta nhưng lại không kê khai trong hồ sơ ứng cử ĐBQH.
Cụ thể, hôm 17/7/2016 Hội đồng bầu cử quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu kín không xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Về phần mình, bà Nguyệt Hường xác nhận sự việc này và có đơn xin rút, không tham gia ĐBQH khoá XIV.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là doanh nhân thành đạt khi giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội, Phó trưởng Ban Đối ngoại của Hội đồng Nữ doanh nhân thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, bà Hường còn là Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam.