Liên minh với ASEAN
Ngày 8 tháng 9, phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại An ninh Châu Á-Thái Bình Dương 2020 ở Đài Bắc, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã kêu gọi thành lập một liên minh dân chủ chống "các hành động hiếu chiến". Theo truyền thông phương Tây và Đài Loan, lời kêu gọi thảo luận nỗ lực phối hợp nhằm kiềm chế "các hành động gây hấn đơn phương" đã được gửi tới "các nước bạn bè trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và bên ngoài khu vực".
Người đứng đầu chính quyền Đài Loan không đề cập đến Trung Quốc đại lục, mà nói rằng khu vực này bị mất ổn định bởi các yếu tố như "quân sự hóa Biển Đông, tạo ra các vùng xám ở eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông, cũng như ngoại giao cưỡng bức".
Người đứng đầu chính quyền Đài Loan công bố "sáng kiến" của mình trước một loạt sự kiện của ASEAN với sự tham gia của các đối tác đối thoại. Các hoạt động này sẽ được tổ chức từ thứ Tư đến thứ Bảy.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Phó Giám đốc IMEMO RAS Alexander Lomanov lưu ý rằng khi hạn chế quan hệ kinh tế với Trung Quốc đại lục, bà Thái Anh Văn quyết định chuyển phương thức hợp tác kinh tế và đầu tư cho các nước ASEAN, đồng thời cố gắng lôi kéo họ vào liên minh chống Trung Quốc:
"Đài Bắc hy vọng rằng dưới ảnh hưởng sức ép của Mỹ và sự kích động của Đài Loan, một số quốc gia này sẽ đột ngột từ bỏ lập trường chính sách đối ngoại của mình và bắt đầu tiến hành thảo luận vấn đề an ninh với đảo. Nếu có một số quốc gia như vậy và liên minh như vậy xuất hiện, thì tất nhiên Trung Quốc sẽ phải phản ứng với điều này. Trong khi đó, rõ ràng là những quốc gia cố gắng tạo ra một liên minh như vậy sẽ phải đối mặt với mạnh hơn áp lực từ Bắc Kinh, so với áp lực của Đài Bắc. Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ ai thay đổi hiện trạng đối với Đài Loan trên thế giới. Hiện tại, Đài Loan không được đa số các nước công nhận. Hơn nữa, nhờ những nỗ lực ngoại giao Trung Quốc, trong vài năm qua, số lượng đồng minh vốn đã không đáng kể của Đài Loan ngày càng giảm dần".
Liên minh với Nhật Bản và Ấn Độ
Tuy nhiên, không thể loại trừ rằng trong tình hình khu vực hiện tại, Đài Bắc đang dựa vào liên minh với Nhật Bản và Ấn Độ. Giả định này đã được chuyên gia Trung Quốc Bi Dianlong thể hiện trong cuộc phỏng vấn với Sputnik về quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan:
"Lần này, Đài Loan không chỉ đang nhắm tới Mỹ, mà còn hướng tới các nước châu Á-Thái Bình Dương khác như Nhật Bản và Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang căng thẳng. Đài Loan đang quảng bá cái gọi là “các giá trị phổ quát” và “dân chủ” trong nỗ lực tìm kiếm thêm những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc".
Đồng thời, vì một số lý do, Đài Bắc hiện rất không chắc chắn về hiệu quả hỗ trợ của đồng minh truyền thống của mình là Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống ở nước này, chuyên gia Bi Dianlong bình luận.
Đối tác ở Châu Âu
Nỗ lực thành lập liên minh do bà Thái Anh Văn tuyên bố rất giống với sự tiếp đón nồng nhiệt gần đây của phía Đài Loan đối với phái đoàn gần 90 người từ Cộng hòa Séc, dẫn đầu bởi Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrchil. Theo chuyên gia Alexander Lomanov, "trò chơi chính trị" này là vô ích:
"Sẽ không có việc triển khai thực tế sáng kiến của bà Thái Anh Văn do vị thế quốc tế đặc biệt của Đài Loan. Việc tuyên bố thành lập một liên minh như vậy ở cấp độ chính thức không đảm bảo an ninh cho chính Đài Loan, cũng như gây áp lực chính trị lên Trung Quốc. Chuyến đi gần đây của Chủ tịch Thượng viện Séc là một ví dụ cho điều này. Sự kiện gây ra căng thẳng không cần thiết trong quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Trung Quốc và Séc, cũng không có khả năng làm gián đoạn hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Cộng hòa Séc về lâu dài, mặc dù Bắc Kinh chắc chắn sẽ phản ứng với những bước đi không thân thiện này. Đài Loan đã đạt được một số hiệu quả tuyên truyền, nhưng điều đó sẽ không dẫn đến bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc chính trị nào cho hòn đảo".
Tổng thống Séc Milos Zeman phản đối chuyến thăm của người đứng đầu Thượng viện Séc tới Đài Loan, coi đây là một "hành động khiêu khích trẻ con".