Bộ Y tế Việt Nam chiều 10 tháng 9 thông tin cho biết, hôm nay cả nước không ghi nhận ca mắc SARS-CoV-2 mới. Số ca nhiễm coronavirus của Việt Nam vẫn là 1.059 bệnh nhân, số ca khỏi là 893 và số ca mắc Covid-19 đã tử vong là 35.
Ngành Y tế Hà Nội hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm coronavirus của nữ du học sinh Hà Nội Đ.Q (25 tuổi, ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) được xác định mắc Covid-19 khi sang Pháp.
Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 11/9, cho phép kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại nhưng vẫn ngưng các hoạt động dịch vụ không cần thiết.
Việt Nam không có thêm ca mắc coronavirus mới
Bản tin lúc 19h của Bộ Y tế Việt Nam cho hay, ngày 10/9 Việt Nam không có thêm bệnh nhân mắc Covid-19 mới. Số ca nhiễm nCoV của cả nước vẫn là 1.059 trường hợp, trong đó hôm nay có thêm ba ca mắc SARS-CoV-2 được chữa khỏi và xuất viện.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 thông tin cho hay, tính đến 18 giờ chiều nay, Việt Nam đã có 691 ca mắc nCoV do lây nhiễm cộng đồng trong nước. Số ca nhiễm coronavirus sau đợt tái bùng phát dịch ở Đà Nẵng từ 25/7 đến nay là 551 ca.
Về tình hình điều trị, Tiểu Ban Điều trị thông báo cho biết, trong ngày 10/9 đã có ba bệnh nhân Covid-19 bình phục.
Cụ thể, tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có hai bệnh nhân được ra viện – các ca bệnh số 443 và 868. Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh 2, bệnh nhân 969 cũng được công bố khỏi bệnh.
Tiểu Ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, các bệnh nhân sau khi được công bố khỏi bệnh sẽ tiếp tục được cách ly tại nhà và thực hiện theo dõi sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, tính đến ngày 10/9, Việt Nam đã chữa khỏi bệnh cho 893/ 1.059 bệnh nhân nhiễm coronavirus.
Hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 36.126 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 621 người, tại các cơ sở tập trung khác là 15.874 người, tại nhà và nơi lưu trú là 19.631 người.
Đặc biệt, trong thông báo của Bộ Y tế chiều nay còn có thêm thông tin về một ca “vượt cạn” của sản phụ nhiễm coronavirus.
Cụ thể, lúc 8h25 sáng 10/9, tại phòng Cấp Cứu, Khoa Virus - Ký sinh trùng, đội ngũ bác sĩ của Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (gồm Bác sĩ Cao Văn Dũng và Cử nhân Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng) đã đỡ đẻ thành công cho sản phụ dương tính với nCoV sinh thường một bé trai 3,8 kg an toàn.
Sản phụ sinh bé trai trong điều kiện đặc biệt hôm nay là bệnh nhân nhiễm coronavirus số 411, 30 tuổi, có địa chỉ tại Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ.
Về nữ bệnh nhân này, Bộ Y tế cho biết, người phụ nữ về từ Liên bang Nga ngày 17/7/2020. Bệnh nhân được cách ly ngay khi nhập cảnh và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.
Đáng chú ý, vì bệnh nhân đã từng có tiền sử đẻ non, do đó, để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, theo dõi.
Tiểu Ban Điều trị cũng cho biết, tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với coronavirus là 16 trường hợp. Số ca âm tính lần 2 là 13 ca và số ca âm tính lần 3 là 21 người.
Về tình hình điều trị các ca bệnh nặng, hiện có 4 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong. Trong đó số tiên lượng rất nặng là 3/4 trường hợp và tiên lượng tử vong là một trường hợp. Đến thời điểm này số ca tử vong ở Việt Nam vẫn là 35 ca.
Chưa xác định được nguồn lây của du học sinh Hà Nội mắc Covid-19 khi qua Pháp
Hôm 3/9 vừa qua, nữ du học sinh ở Thạch Thất, Hà Nội bay đến Pháp và được lấy mẫu xét nghiệm coronavirus hôm 4/9, đến ngày 8/9 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên tính đến nay, ngành y tế Việt Nam vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm nCoV liên quan đến trường hợp này.
Theo thông báo của Bộ Y tế, nữ du học sinh Đ.Q. 25 tuổi, quê ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội, là học viên cao học chuyên hóa.
Bệnh nhân từ Hàn Quốc về Việt Nam ngày 25/5 và được cách ly tại khu cách ly tập trung ở Hòa Vang. Trong thời gian theo dõi sức khỏe tại đây, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm coronavirus và cả hai lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Ngày 10/6 bệnh nhân về nhà ở xã Bình Phú, huyện Thạch Thất. Trong khoảng thời gian ở nhà, cô gái được xác nhận là không đi du lịch, không tiếp xúc với người mắc SARS-CoV-2.
Qua trao đổi về lịch sử dịch tễ với nữ bệnh nhân, ngành Y tế Hà Nội xác định, khoảng giữa tháng 8 bệnh nhân có đến tầng 8, tòa nhà Facific Place, 83B đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để làm thủ tục cấp visa.
Sau đó, bệnh nhân có đi chỉnh răng tại Bệnh viện Nha khoa quốc tế Việt Đức (84 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm). Lần cuối đi chỉnh răng là ngày 27/8. Các lần di chuyển ra Hà Nội, bệnh nhân đều đi xe bus.
Đến khoảng 14 giờ ngày 3/9, bệnh nhân đi taxi từ nhà ra sân bay Nội Bài. Khoảng 15 giờ 35 phút ngày 3/9, bệnh nhân lên máy bay sang Pháp. Trên đường đi có quá cảnh tại sân bay Quốc tế Doha, Quatar hai tiếng.
Ngày 4/9, bệnh nhân đến sân bay Pháp và được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 8/9, bệnh nhân được trả kết quả dương tính với coronavirus.
Tại Pháp, hiện tại, sức khỏe bệnh nhân bình thường, không có biểu hiện sốt và đang tự cách ly tại ký túc xá tại Đại học Paris IV, Pháp. Đến nay, ngành y tế chưa xác định được yếu tố dịch tễ liên quan đến cô gái này,
Tại Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông tin nữ du học sinh Đ.Q. nhập cảnh tại Pháp có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra những trường hợp liên quan đến bệnh nhân này tại Việt Nam để tiến hành giám sát, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Đến sáng nay, ngày 10/9, ông Trịnh Duy Ưng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thạch Thất cho biết đã xác định được 14 người tiếp xúc gần (F1) với nữ bệnh nhân. Trong đó, 12 người ở huyện Thạch Thất, một người ở Quốc Oai và một người tạm trú tại quận Cầu Giấy.
Ông Ưng thông tin, 11 trường hợp F1 cách ly tại bệnh viện đã có kết quả xét nghiệm âm tính, 175 trường hợp F2 đang được cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, thực hiện đúng quy trình của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế huyện đã phun hóa chất khử khuẩn hộ gia đình có các trường hợp F1, F2, toàn bộ các trường học công lập và tư thục trên địa bàn xã Bình Phú.
Theo Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thạch Thất, qua điều tra dịch tễ, thời gian ở trong nước bệnh nhân không đi du lịch ở vùng dịch, không tiếp xúc với người nghi mắc. Hiện ngành y tế chưa xác định nguồn lây nhiễm của nữ du học sinh này.
Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội
Như vậy, sau 14 ngày không còn phát hiện ca lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng, kể từ 0h ngày 11/9, TP Đà Nẵng cho phép nới lỏng giãn cách xã hội. Theo đó, thành phố cho phép các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại chỗ được hoạt động trở lại.
Tuy vậy, chính quyền Đà Nẵng vẫn khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu một mét khi tiếp xúc.
Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân không được tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.
“Không tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, đám hỉ, tiệc liên hoan, tân gia...) tập trung quá 30 người, khuyến khích người dân tổ chức đơn giản, gọn, không tập trung đông người”, thành phố khuyến cáo.
Mặc dù nới lỏng giãn cách xã hội, tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp phim, các điểm vui chơi, giải trí có thưởng, điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng, trò chơi điện tử.
Tương tự các hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động bơi lội tại các bể bơi trong nhà, ngoài trời, hoạt động thể thao võ thuật tiếp xúc trực tiếp vẫn tiếp tục tạm dừng.
Hiện tại, Đà Nẵng vẫn tiếp tục áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân theo “Thẻ đi chợ” (3 ngày một lần).
Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh tại thành phố Đà Nẵng cũng đã được kiểm soát. Ban chỉ đạo phòng chống Covid 19 thành phố Đà Nẵng quyết định, thành phố cho phép người dân tắm biển trở lại.
“Thành phố cho phép các Trung tâm thể thao, cơ sở đào tạo vận động viên chuyen nghiệp hoạt đông trở lại, triển khai tập huấn nhưng phải đảm bảo các qui định về phòng chống dịch. Các cơ sở ăn uống phải đảm bảo việc bố trí giãn cách bàn ghế, người cách người một mét. Tất cả những hoạt động không cấm khi hoạt động trở lại đều phải có cam kết”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh thông tin cho biết.
Trưởng đại diện WHO nêu yếu tố giúp Việt Nam chống Covid-19 thành công
Thông tin và bình luận về đợt tái bùng phát dịch coronavirus tại Việt Nam, nhất là những yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19, Tiến sĩ (TS.) Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh đến sự đoàn kết, đồng lòng – “nỗ lực tập thể” của cả hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch lần này.
TS. Kidong Park cho rằng, đợt dịch COVID-19 lần này bắt đầu từ cuối tháng 7 tại Đà Nẵng đã đem đến nhiều thử thách khó khăn cho Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tuần nỗ lực, Việt Nam đã kiểm soát được dịch.
Trả lời TTXVN, Trưởng Đại diện WHO đã nêu rõ những “điểm cốt tử” tạo nên thành công của Việt Nam, theo đó, quốc gia Đông Nam Á nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19 lần này là nhờ 3 yếu tố chính.
Theo ông Park thứ nhất, phải kể đến việc kích hoạt sớm hệ thống đáp ứng. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Việt Nam đã nhanh chóng kích hoạt các hệ thống đáp ứng nhanh trên toàn quốc. Nhờ đó, Việt Nam đã phát hiện và cách ly kịp thời các ca nghi mắc COVID-19, những người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; nhóm đối tượng khách từ các vùng lãnh thổ đang có dịch đến Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
Thứ hai, theo TS. Kidong Park, cùng với năng lực hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, Chính phủ Việt Nam nhanh chóng cử các nhóm chuyên gia trung ương trong lĩnh vực điều tra dịch bệnh, quản lý lâm sàng và xét nghiệm đến hỗ trợ các địa phương.
Qua đó, Việt Nam đã cung ứng các dịch vụ chăm sóc lâm sàng và y tế công cộng chất lượng cao cho người bệnh, giảm thiểu số lượng người tử vong.
Đặc biệt, theo Trưởng đại WHO, Việt Nam tiếp tục thực hiện chia sẻ thông tin minh bạch và truyền thông thông điệp rõ ràng về nguy cơ dịch bệnh. Qua đó, người dân đã tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của các cơ sở y tế về phòng ngừa lây nhiễm, góp phần quan trọng kiểm soát và chặn đứng đà lây của virus corona.
“Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ đến các địa phương với những cam kết cấp cao được thể hiện rõ ràng ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện. Người dân Việt Nam đã tham gia và ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như người thân. Sự thành công trong công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực tập thể này”, TS. Kidong Park nhấn mạnh.
WHO nói gì về năng lực nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 của Việt Nam?
Chia sẻ về năng lực nghiên cứu, sản xuất và phát triển vắc-xin chống Covid-19 (vaccine Covid-19) của Việt Nam, TS. Kidong Park nêu rõ, WHO hoan nghênh tất cả các chương trình phát triển vắc-xin chống coronavirus trên toàn cầu trong đó có các chương trình của Việt Nam.
Tính đến ngày 8/9, thế giới có khoảng 179 “ứng viên vắc-xin” đang được phát triển, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, trong số đó có 34 vaccine đang ở giai đoạn đánh giá lâm sàng.
Chúng tôi rất mong một số vắc-xin sớm được chứng minh là có hiệu quả và an toàn. WHO đang hợp tác với các đối tác trên toàn cầu nhằm hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, phê duyệt, sản xuất số lượng lớn và phân bổ công bằng các vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả”, ông Park nói.
Phân tích thêm về vấn đề này, vị chuyên gia cho biết, có ba tình huống có thể xảy ra cho Việt Nam trong việc tiếp cận vắc-xin COVID-19. Cụ thể, tình huống thứ nhất là hỗ trợ quốc tế có điều phối thông qua cơ chế COVAX do WHO đồng chủ trì với Liên minh Vaccine Gavi và CEPI.
Tình huống thứ hai là thông qua hợp đồng mua bán song phương. Tình huống thứ ba, Việt Nam tự phát triển thành công vắc-xin COVID-19.
“Chúng tôi lạc quan với các nỗ lực hiện nay, tuy nhiên cần rất cẩn trọng trong từng bước phát triển vắc-xin”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam lưu ý.
Thông tin về khuyến cáo của WHO nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn trước diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, TS. Kidong Park cho rằng, đại dịch còn kéo dài và mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức cảnh giác.
Theo vị chuyên gia, hiện tại, WHO đang hợp tác với Bộ Y tế cùng khuyến khích cách tiếp cận “chung sống an toàn với dịch COVID-19” nhằm tiến tới đạt được hai mục tiêu kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
TS. Kidong Park nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn, sức khỏe, WHO khuyến nghị người dân thường xuyên vệ sinh tay bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng; thực hiện nghiêm quy tắc che miệng khi ho.
Theo đó, người dân nên tránh những khu vực đã phát hiện các ca mắc bệnh, hạn chế hoặc tránh đến những môi trường như: Nơi có không gian kín, thông gió kém, nơi tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc gần nhau, chẳng hạn như giao tiếp hoặc trò chuyện trong khoảng cách gần.