Diễn biến mới về sức khỏe 4 bệnh nhân ngộ độc Pate Minh Chay tại Quảng Nam
Ngày 13/9, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam xác nhận 2 trường hợp ngộ độc nghi nhiễm vi khuẩn Botulinum sau khi ăn Pate Minh Chay được xuất viện.
Cụ thể, 2 trường hợp xuất viện là sư cô N.A.T. (61 tuổi, trú xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) và bà V.T.H. (65 tuổi, trú phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn).
Trong 4 ca mà bệnh viện trên tiếp nhận trước đó, ngoài sư cô T. và bà H., 2 trường hợp còn lại đã chuyển ra Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng để tiếp tục điều trị là chị L.T.V.K. (30 tuổi, trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và em N.T.N. (15 tuổi, phường Thanh Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức tiếp nhận lần lượt 4 bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn Pate Minh Chay. Các bệnh nhân nhập viện đều có cảm giác mệt, khó thở, nhìn mờ.
Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và chủ động thu hồi Pate Minh Chay cùng 12 sản phẩm khác của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (Hà Nội). Đồng thời, đề nghị các địa phương cảnh báo khẩn cấp cho người tiêu dùng tạm thời không mua và không sử dụng các sản phẩm của công ty trên.
Sáu lọ thuốc kháng độc tố Botulinum đã được điều phối cho bệnh nhân ngộ độc Pate Minh Chay
Liên quan tới vụ ngộ độc Pate Minh Chay, báo Sức Khỏe và Đời Sống cho biết, ngày 13/9, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết vừa tổ chức hội chẩn với các bệnh viện, nhằm điều phối thuốc kháng độc tố Botulium từ Hà Nội vào các tỉnh, thành phía Nam.
Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ 10 lọ thuốc kháng độc tố Botulium vào ngày 8/9, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi lọ thuốc giải độc độc tố Botulinum có giá tới 8.000 USD/lọ. Đây là thuốc rất hiếm do ít nhà sản xuất vì không sử dụng phổ biến, nên còn được gọi là “thuốc mồ côi”.
Trong tổng số 11 bệnh nhân ở các tỉnh miền Nam, 6 lọ thuốc đã được điều phối cho 6 bệnh nhân nặng phải thở máy ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Khánh Hòa, Bệnh viện Đồng Nai.
Các bệnh viện hiện đã có phác đồ, được hướng dẫn theo dõi đánh giá bệnh nhân khi sử dụng. Các bệnh nhân nhẹ hơn hiện không phải dùng thuốc. Số thuốc còn lại sẽ được dự trù cho các bệnh nhân sắp tới.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 3875/QĐ-KCB về việc ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulinum. Theo hướng dẫn này, ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục.
Các biến chứng chính: Nhiễm trùng bệnh viện, đặc biệt viêm phổi và các biến chứng của thở máy; Các biến chứng do bất động, nằm kéo dài, loét; Liệt ruột, táo bón, trào ngược, sặc phổi.