Bài báo lưu ý đối với Israel, ký kết các hiệp định đồng nghĩa với việc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước này, và là thành công ngoại giao đầu tiên tầm cỡ này kể từ các hiệp ước hòa bình với Ai Cập và Jordan năm 1979 và 1994. Theo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, những thỏa thuận này "có thể chấm dứt xung đột Ả Rập - Israel" và thể hiện một "bước ngoặt trong lịch sử" khu vực.
"Bước ngoặt lịch sử" của khu vực
Về phần mình, Donald Trump nói "sau nhiều thập kỷ xung đột và chiến tranh, chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một Trung Đông mới". Ngoài ra, Tổng thống Mỹ thông báo "7 hoặc 8 nước (Ả Rập)", bao gồm cả những nước "lớn", cũng đang chuẩn bị để "sớm" ký kết các hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Israel.
“Tôi nghĩ Israel không còn bị cô lập nữa”, - Trump gợi ý và sau đó nói thêm trong cuộc trò chuyện với ông, Quốc vương Ả Rập Xê Út cũng bày tỏ mong muốn noi gương các nước láng giềng “trong thời gian thích hợp”.
Bất chấp đại dịch COVID-19, Mỹ đã hỗ trợ cuộc đàm phán với Israel, và người đứng đầu chính phủ nước này đã không tiếc lời khen ngợi "người bạn" Donald Trump, tờ báo Pháp ghi nhận. Đồng thời, ông không đề cập một lời nào đến việc người Palestine vắng mặt trong buổi lễ, mặc dù bộ trưởng các nước khác đã nhắc đến tình hình của họ. Bộ trưởng Ngoại giao UAE Abdullah bin Zaib Al Nahyan hoan nghênh “những thay đổi ở giữa Trung Đông” và cá nhân cảm ơn Benjamin Netanyahu vì đã “lựa chọn hòa bình và xóa bỏ việc sáp nhập các vùng lãnh thổ Palestine”, mặc dù thủ tướng Israel chỉ nói về sự trì hoãn. Đến lượt mình, người đứng đầu đoàn ngoại giao Bahrain, Abdullatif bin Rashid Al Zayani, lên tiếng rõ ràng về một "giải pháp giữa 2 nhà nước" để chấm dứt xung đột Palestine-Israel.
Người Palestine lên án hành động "đâm sau lưng" từ UAE và Bahrain, đồng thời cáo buộc họ đồng ý với Israel mà không đợi đến khi nhà nước Palestine ra đời. Chủ tịch chính quyền Quốc gia Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố sẽ "không có hòa bình" ở Trung Đông nếu không chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và tôn trọng tất cả các quyền của người dân Palestine.
Tại Dải Gaza dưới sự phong tỏa của Israel và ở Bờ Tây, hàng trăm nhà hoạt động xuống đường phản đối các hiệp ước được ký kết ở Washington. Người đứng đầu nhóm thánh chiến Hồi giáo có vũ trang ở Dải Gaza, Ajmad Al Medalal, gọi việc bình thường hóa quan hệ với Israel là "sự phản bội hoàn toàn đối với chính nghĩa của người Palestine và hy vọng của người dân Ả Rập". Người phát ngôn lực lượng kháng chiến Palestine Abu Mujahid nói "người dân Palestine đoàn kết phản đối các hiệp định, điều này sẽ chỉ mang lại (cho UAE và Bahrain) các vấn đề", Le Monde viết.