Đoạn video quảng cáo về Cao Sao Vàng khiến người Việt Nam xúc động và thích thú khi vừa gợi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, vừa càng thêm tự hào khi một sản phẩm “thần thánh” của Việt Nam lại được ưa chuộng như thế ở Nga, Liên Xô cũ, các nước Đông Âu và nhiều nơi trên thế giới.
Video quảng cáo về Cao Sao Vàng “gây sốt” ở Nga
Vừa qua, Cao Sao Vàng, loại dầu xoa nổi tiếng của Việt Nam chuyên trị nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm, chóng mặt, say tàu xe, muỗi và côn trùng đốt, bất ngờ xuất hiện trong một quảng cáo khá hoành tráng tại Liên bang Nga.
Sau khi video quảng cáo về Cao Sao Vàng của Việt Nam xuất hiện và lan truyền rộng rãi, nhiều người Việt ở trong và ngoài nước, đặc biệt là ở Nga tỏ ra vô cùng thích thú, tự hào khi những sản phẩm quen thuộc của tuổi thơ, đất nước, quê hương Việt Nam thân yêu một lần nữa “sống lại”.
Trước đó, đoạn quảng cáo sản phẩm Cao Sao Vàng tại Nga được cư dân mạng Việt Nam chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Đoạn clip dài chưa đầy một phút nhưng cũng đủ khiến người Việt tự hào khi có một sản phẩm thuần Việt được người dùng ở Nga yêu mến và quan tâm nhiều đến thế.
Theo đó, kênh Youtube tại Nga đăng tải đoạn video được dàn dựng hết sức công phu, hình ảnh đẹp, phông nền gợi nhớ đến những mảng màu “vang bóng một thời” của Liên Xô cũ, màu sắc phim theo phong cách cổ điển như một đoạn phim Hollywood “chất lừ”, trong đó, hình ảnh Cao Sao Vàng của Việt Nam xuất hiện xuyên suốt và là “nhân vật chính” của sản phẩm video đậm chất sáng tạo của các bạn trẻ Nga.
Cao Sao Vàng trong tâm thức của các bạn trẻ Nga qua đoạn quảng cáo
Được biết, đoạn video được Gromkiye Ryby (tạm dịch Đại Ngư) phát hành vào tháng 7 năm 2020, có tựa đề “Cao Sao Vàng – liệu pháp trị liệu mát lành sảng khoái” được miêu tả trong video như một trong những ký ức đẹp đẽ gắn liền với tuổi thơ của giới trẻ Nga.
“Cổ điển, quen thuộc gần gũi với tất cả mọi người – mùi hương của Cao Sao Vàng là sự giao quyện giữa những trạng thái đối lập” khiến bạn lập tức cảm nhận được ranh giới mong manh giữa hơi lạnh và sự quyến rũ”, đoạn video miêu tả về mùi hương đặc trưng “thần thánh của Cao Sao Vàng Việt Nam.
“Tất cả chúng ta đều nhớ về mùi cay nồng, thơm lạnh phả ra ra từ chiếc hộp sắt nhỏ. Những ký ức này đưa mỗi người trở về với ngôi nhà tuổi thơ bên người bà thân yêu, nơi lưu giữ giấu chân bao kỷ niệm, nơi chôn giấu những ký ức chẳng bao giờ phai nhòa khi cả rượu whisky cũng trở thành thứ thuốc chữa bách bệnh từ đau đầu, sổ mũi đến viêm phế quản”, nội dung ghi chú phía dưới video chia sẻ.
Có thể thấy rõ trong đoạn video dài 40 giây, các bạn trẻ Nga thay nhau mở nắp và cảm nhận mùi hương đặc trưng tỏa ra từ chiếc hộp nhỏ Cao Sao Vàng trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Mỗi cảnh quay đều rất nghệ thuật, gợi lại nhiều quãng ký ức và đầy tự hào khi nhìn lại tuổi thơ đã qua gắn với thứ cao “thần thánh” của Việt Nam.
Đoạn video hiện đã được hơn 42.144 lượt xem và được cộng đồng mạng Việt Nam đặc biệt quan tâm, thích thú.
Cao Sao Vàng nổi tiếng của Việt Nam
Ngoài nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như diêm Thống Nhất, giày Thượng Đình hay phích nước Rạng Đông, Cao Sao Vàng đã quá quen thuộc với người Việt Nam những năm 60-70 của Thế kỷ XX, thậm chí, đối với nhiều người nước ngoài, Cao Sao Vàng còn là “thương hiệu quốc dân”.
Cao Sao Vàng vốn là một loại cao xoa phổ biến của Việt Nam (cùng với cao Con Hổ - Tiger Balm). Cao có tác dụng làm nóng, trị nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm, chóng mặt, say tàu xe.
Từ năm 1975, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận xuất khẩu sản phẩm Cao Sao Vàng sang Liên Xô. Do phải đảm bảo đủ số lượng nghĩa vụ xuất khẩu nên có tới 5 nhà máy dược phẩm sản xuất mặt hàng này. Trong thời điểm kỷ lục, năm 1983, một xí nghiệp ở Đà Nẵng được giao sản xuất lên đến 20 triệu hộp cao.
Thành phần của Cao Sao Vàng gồm long não, sáp ong (chất kết dính) và các loại tinh dầu quý như bạc hà, quế, tràm, hương nhu.
Dù hiện nay, Cao Sao Vàng đang “ba chìm bảy nổi” ở quê nhà ở Việt Nam, tuy nhiên, thời gian gần đây, Cao Sao Vàng lại được nhắc tới khi trở thành mặt hàng bán chạy trên thị trường quốc tế.
Trên các trang bán hàng trực tuyến hàng đầu như eBay hay Amazon, sản phẩm này có giá cao gấp đến hàng chục lần so với giá gốc tại Việt Nam và được người dân các nước ưa chuộng.