Hơn 65.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đường sắt từ Văn Cao đến Hòa Lạc
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình số 151 gửi Thủ tướng Chính phủ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án metro số 5 tuyến Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.
Theo đó, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án vào kỳ họp cuối năm 2020.
Để đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ về công nghệ áp dụng, hiệu quả trong đầu tư, vận hành, bảo dưỡng công trình, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến trong một giai đoạn và điều chỉnh số lượng ga trên tuyến từ 17 lên 21 ga.
Hà Nội mong muốn được đầu tư tuyến đường sắt bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia).
UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép thành phố lập Dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và chế tạo toa xe phục vụ công tác phát triển hệ thống đường sắt đô thị và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ và chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực để hỗ trợ quá trình phát triển ngành công nghiệp đường sắt, từng bước chủ động và giảm dần sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.
Tuyến metro số 5 đi qua 7 quận huyện (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất) là tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất.
Theo quy hoạch, tuyến được bắt đầu tại khu vực đường Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám. Tuyến đi ngầm hai ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, tuyến bắt đầu chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của giải phân cách Đại lộ Thăng Long.
Tại các vị trí giao với đường Lê Quang Đạo, đường sắt quốc gia vành đai phía Tây, nút giao Hòa Lạc tuyến được bố trí đi trên cao cục bộ để vượt qua các nút giao này. Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến (thôn Thạch Bình, xã Yên Bình) tuyến đi trên mặt đất vào giải phân cách giữa của tuyến đường bộ cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, toàn tuyến có 21 ga, gồm: 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao. Được biết, tuyến được bố trí 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng 18 ha và tại xã Yên Bình, Thạch Thất rộng 7 ha.
UBND TP Hà Nội dự kiến toàn tuyến sẽ khai thác khoảng 25-40 đoàn tàu gồm 4-6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.
Theo đề xuất của Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng. Dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách thành phố gồm: vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021-2025, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (18.000-20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Hà Nội dự kiến khởi công dự án vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Tuyến metro số 3 ga Hà Nội – Hoàng Mai trị giá hơn 40.000 tỷ đồng
Cuối tháng 7/2020, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai (tuyến metro số 3).
Theo tờ trình của Hà Nội, quy mô, năng lực phục vụ của dự án đường sắt đô thị số 3 cơ bản phù hợp với quy hoạch, tương đồng với quy mô tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn – ga Hà Nội đang được xây dựng. Tuyến này khi đi vào hoạt động, sẽ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác.
Trong phương án được đưa ra, các điểm tuyến bao gồm tuyến đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Kim Ngưu – Tam Trinh. Ngoài ra còn ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác, Mai Động và kết thúc phía sau vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở).
Dự án còn 1 khu lập tàu (phía sau, sát trạm bơm Yên Sở). Tuyến đường sắt này dự kiến đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.
Đoạn tuyến chính của dự án có tổng chiều dài 8,786 km, với 8,13 km ngầm, 0,57 km hở và 0,086 km đi trên mặt đất. Diện tích đất xây dựng vào khoảng 34,25 ha.
Về hệ thống vé, tuyến metro số 3 sử dụng chung hệ thống với đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Khi vận hành sẽ trở thành một tuyến thống nhất từ Nhổn đến Hoàng Mai. Dự kiến năm 2030 sẽ phục vụ khoảng 124.000 khách/ngày; sau năm 2040 phục vụ khoảng 295.000 khách/ngày.
UBND TP Hà Nội dự kiến tiến độ đầu tư dự án bảo đảm thực hiện trong giai đoạn 2020-2030 theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng.
Cụ thể, cuối năm 2020 dự kiến được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án; từ cuối 2020 đến 2021 có báo cáo nghiên cứu khả thi; trong năm 2021 chuẩn bị nguồn vốn vay đàm phán ký hiệp định; đến năm 2021-2022 hoàn thành thiết kế kỹ thuật; tiến hành chọn nhà thầu, thi công lắp đặt thiết bị trong giai đoạn 2022-2027; kiểm tra vận hành chạy thử vào cuối năm 2027 và vận hành từ tháng 1/2028.
Tổng vốn đầu tư dự kiến vào khoảng 1,75 tỷ USD, tương đương 40.577 tỷ đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của nhà tài trợ.