Nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Houston Methodist cho biết, kết quả phân tích cấu trúc của loại biến chủng coronavirus mới được phát hiện, - tác nhân dẫn đến hai đợt bùng phát dịch bệnh lớn ở thành phố này của Mỹ, cho thấy biến chủng virus lây nhiễm mạnh hơn chiếm ưu thế.
Hãng Reuters đưa tin, các nhà khoa học đã phân tích hơn 5.000 bộ gen virus thu được trong giai đoạn đầu tiên của đại dịch, cũng như trong làn sóng bùng phát gần đây ở Houston, vốn là một thành phố đa dạng về sắc tộc với dân số bảy triệu người.
Sự đột biến của coronavirus
Nghiên cứu cho thấy gần như tất cả các chủng virus trong làn sóng dịch bệnh thứ hai đều có biến chủng được gọi là D614G, biến chủng mà các nhà khoa học cho rằng nó làm tăng số lượng “gai” trên coronavirus. Những gai này giúp virus xâm nhập vào các tế bào, làm biến chủng này có khả năng lây nhiễm cao hơn. Các nhà nghiên cứu từ Houston cho biết những bệnh nhân bị nhiễm biến chủng virus này có số lượng tế bào nhiễm virus cao hơn đáng kể. Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng trong một số vùng tập trung protein gai,- mục tiêu chính của vaccine ngừa coronavirus đang phát triển hiện nay, cũng phát hiện thấy có một vài biến chủng này. Theo ý kiến các chuyên gia, từ đó cho thấy virus có thể biến đổi để tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy đột biến của virus khiến tỷ lệ tử vong tăng hơn. Họ lưu ý rằng mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý cơ bản và di truyền của bệnh nhân nhiều hơn. Các nghiên cứu trước đây được thực hiện tại các phòng thí nghiệm khoa học hàng đầu thế giới đã chỉ ra rằng coronavirus có khả năng đột biến và tiến hóa để thích nghi với cơ thể con người.