Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Kinh được tổ chức từ năm 1990. Nhưng suốt trong thời gian dài, sự kiện này không thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà sản xuất xe, các chuyên gia và nhà báo từ khắp thế giới. Ví dụ, ngay vào đầu những năm 2000, các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã đưa tới Bắc Kinh chủ yếu là những mẫu xe cao cấp đang được yêu cầu nhiều ở thị trường Trung Quốc, chẳng hạn như Audi A8L. Nhìn chung, chiếm vị thế chủ đạo tại Triển lãm vẫn là các mẫu xe của ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc, mà vào thời điểm đó, các nhà sản xuất nội địa đang dành chú ý nhiều hơn cho dòng xe hơi giá rẻ, thường sao chép không mấy thành công từ những mẫu xe nổi tiếng nhưng đã lỗi mốt trên thế giới. Những chiếc xe như vậy được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của phân khúc nhất định trên thị trường nội địa.
Sau 12 năm, mọi thứ thay đổi đến không nhận ra
Do đại dịch coronavirus, Geneva, Detroit, Los Angeles, São Paulo đã hủy các sự kiện của năm nay. Chỉ còn lại Bắc Kinh: Trung Quốc là một trong số ít đất nước có thể kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh. Và Triển lãm ô tô Bắc Kinh hiện được coi như biểu tượng duy nhất còn sót lại của thị trường trong thời đại khủng hoảng vì coronavirus. Về nguyên tắc thì quả là như vậy: theo dự báo của IMF, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất có nền kinh tế tăng trưởng theo kết quả của năm 2020.
Hôm nay, Bắc Kinh trông đã giống như một địa điểm thu hút những thành tựu mới nhất của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. BMW giới thiệu tại Bắc Kinh mẫu mới sedan M3 và coupe M4 thế hệ thứ sáu, concept i4 và xe điện iX3. Còn Porsche mang đến đây các mẫu xe Taycan Turbo S, Cayenne E-Hybrid Coupe, 911 Targa và 99X Electric Formula E. Tại Triển lãm Bắc Kinh, lần đầu tiên Maserati quyết định trình làng siêu xe MC20. Hiện vật từ các nhà sản xuất Trung Quốc cũng không còn bị coi là «bản sao giá rẻ» mà là đối thủ cạnh tranh chính thức của ngành sản xuất ô tô thế giới.
Chiếc xe sedan cao cấp Hongqi H9 (Hồng Kỳ H9) cạnh tranh nghiêm túc với Mercedes-Maybach. Xe ô tô điện HiPhi X là hiện thân tổng hợp tất cả các công nghệ tiên tiến nhất: đó là chiếc xe tự học lái, được trang bị nhận dạng khuôn mặt, lái tự động, có khả năng kết nối với mạng 5G để liên lạc giữa các phương tiện và cải thiện công việc của hệ thống lái tự động. Xe ô tô điện Polestar Percept của Geely ngoài tính năng kỹ thuật vượt trội còn đáng tự hào về vật liệu có thể tái chế cũng như ứng nghiệm tổng hợp. Như đùa mà làm thật, nhà sản xuất Xpeng Motors đã chế tạo chiếc ô tô không có bánh xe – đó là cỗ xe bay Kiwigogo có khả năng nâng lên độ cao 25 mét. Quả thật, các nhà đầu tư đã rót 1,7 tỷ USD vào dự án tối tân đáng nể này.
Xe thông minh
Trong năm nay, chiếm vị thế thống lĩnh ở Bắc Kinh rõ ràng là khái niệm «chiếc xe thông minh» cũng như ô tô với nguồn năng lượng mới.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Sergey Ivanov TBT phiên bản tiếng Nga của ấn phẩm trực tuyến quốc tế lớn nhất về xe điện InsideEVs.ru cho biết:
«Triển lãm ô tô Bắc Kinh thực sự là một trong những cuộc trưng bày ô tô đầu tiên kể từ mùa đông năm 2020. Tuy nhiên, kỷ nguyên coronavirus một lần nữa cho thấy rằng các diễn đàn xe hơi như vậy phần nào đã mất đi tính thời sự: cả nhà sản xuất ô tô và các khách mua xe tiềm năng đều ưa cách «tìm hiểu nhau» trực tuyến. Nếu nhìn vào những chiếc xe được giới thiệu, thì trong số những cuộc ra mắt quan trọng tầm cỡ thế giới, ta chỉ có thể lưu ý đến chiếc xe crossover chạy điện của hãng Honda. Nhưng những tuyên bố được đưa ra ở Bắc Kinh có ý nghĩa hơn thế. Volkswagen hứa hẹn chi 17 tỷ USD cho việc sản xuất xe điện ở CHND Trung Hoa. Tập đoàn ô tô lớn nhất của Trung Quốc là SAIC cam đoan tăng số lượng mẫu xe có thể sạc lại lên đến 100 vào năm 2025. Cho đến nay Trung Quốc vẫn là chiến địa chính để giao đấu chiếm cảm tình của người mua xe điện. Và bây giờ có những mẫu xe hoàn toàn khác nhau đang thi tài ở đó: từ Wuling Hong Guang Mini (Vũ Lăng Hồng Quảng Mini) khá hầm hố mà giá cả vừa tầm cho đến Tesla Model 3 sản xuất nội địa».
Bất chấp cơn khủng hoảng do đại dịch gây ra và sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ chung trong nước, các nhà sản xuất ô tô hạng Lux như Porsche và BMW vẫn kỳ vọng là doanh số bán hàng sẽ tăng ở Trung Quốc. Porsche dự đoán đến cuối năm, doanh số bán ra ít nhất sẽ tương đương với năm 2019, thậm chí có thể lập kỷ lục mới. Năm 2019, hãng xe sang này đã bán được 86.000 chiếc ô tô tại Trung Quốc. Bây giờ nhu cầu trả chậm đóng vai trò nhất định - trong thời đại dịch, mọi người đều ở nhà và không thể đáp ứng ngay tất cả nhu cầu. Ngoài ra, vẫn bảo lưu như trước các hạn chế đối với du lịch quốc tế. Theo đó, mọi người phải xét lại sở thích của cá nhân cũng như gia đình và mua nhiều ô tô hơn, hơn thế nữa, đây là phương tiện di chuyển riêng, trong cảnh đại dịch thì chạy xe của mình dường như đảm bảo vệ sinh và an toàn hơn. Do đó, có thể nói rằng đại dịch không ảnh hưởng nhiều lắm đến nhu cầu về xe ô tô, đặc biệt là với phân khúc giá cao, - như chuyên gia Vương Hoàng Dung, Giám đốc về phân tích hạng mục sản phẩm của hãng Mintel nói với Sputnik.
«Đại dịch chỉ ảnh hưởng tương đối nhỏ với những người có thu nhập cao. Nhu cầu mua xe mới vẫn được bảo lưu. Thêm nữa, các nhà sản xuất xe sang đang giảm giá, động tác này hóa ra lại là xung lực kích thích thêm. Theo một nghiên cứu của Mintel, trong thời gian đại dịch có đến 36% người tiêu dùng tăng hoặc duy trì nhu cầu về xe hơi hạng sang với mức giá trên 400.000 nhân dân tệ. Trong số các hộ gia đình có thu nhập hàng tháng vượt quá 18.000 nhân dân tệ, tỷ lệ này tăng 43%. Như vậy có nghĩa là người tiêu dùng vẫn tiếp tục cố gắng cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, song hành hỗ trợ cho đà phát triển bền vững của thị trường xe hơi hạng sang. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có ba yếu tố quan trọng phân định mong muốn mua xe hơi hạng Lux sang trọng. Thứ nhất là tin vào chất lượng (47%), rồi đến nhu cầu xã hội (34%) và mong muốn được thoả nguyện (19%). Trong khi đó, một nửa số người tiêu dùng Mỹ cho rằng việc mua một chiếc xe hơi sang trọng trước hết là để làm hài lòng bản thân. Tức là, người tiêu dùng Trung Quốc chú ý nhiều hơn đến đặc tính của xe, sự an toàn và tiện nghi của phương tiện. Cũng điều này tạo ra nhu cầu ổn định đối với dòng ô tô hạng sang trên thị trường Trung Quốc».
Trung Quốc vẫn là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Năm 2019 đã bán ra hơn 21 triệu chiếc xe ở đây. Để so sánh, xin nêu số liệu: tại thị trường lớn thứ hai trên thế giới là Hoa Kỳ, chỉ tiêu thụ được 16 triệu ô tô mới trong năm ngoái. Chính quyền CHND Trung Hoa tạo điều kiện hấp dẫn để thử nghiệm và phát triển những công nghệ mới. Ví dụ, xe điện được hưởng nhiều trợ giá và ưu đãi, kích thích nhu cầu tiêu dùng. Ngoài ra, ở nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc đã không ngừng mở rộng những khu vực thử nghiệm dành cho xe tự lái. Chỉ riêng tại Bắc Kinh đã có hơn 200 con đường với tổng chiều dài 700 km dành thử nghiệm các công nghệ giao thông mới nhất, còn đến năm 2022, theo kế hoạch của chính quyền, xe không người lái ở khu vực thủ đô sẽ có thể lăn bánh trên những con đường có tổng chiều dài 2.000 km. Tất cả yếu tố đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và ứng nghiệm công nghệ mới trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc và thúc đẩy hình thành sở thích của người tiêu dùng hiện đại, - chuyên gia Vương Hoàng Dung cho biết.
«Với sự phát triển của công nghệ, các chủ sở hữu xe không còn coi chiếc ô tô chỉ là phương tiện di chuyển đơn thuần. Họ trông đợi rằng chiếc xe sẽ là một phần của «nếp sống thông minh». Theo nghiên cứu của chúng tôi, các tính năng an toàn chủ động như hỗ trợ phanh và camera quan sát giúp người lái tránh được va chạm. Người tiêu dùng ngày nay cho rằng đây là những đặc tính quan trọng nhất của một chiếc xe. Còn các chức năng khác như điều khiển bằng giọng nói, kiểm soát dòng đường, kết nối với mạng viễn thông … thì những chức năng này được ưa chuộng hơn ở giới phụ nữ. Trong tương lai, sự tích hợp giữa internet của ô tô, điện thoại thông minh, ngôi nhà thông minh và những thiết bị tiện ích khác sẽ cho phép mọi người có những trải nghiệm dùng xe hoàn toàn mới mẻ».