Tuy nhiên, như chính người dùng và các quan chức thừa nhận với báo Izvestia, còn quá sớm để nói về hiệu quả của những ứng dụng như vậy - vấn đề là người dân không mấy tin tưởng vào các hệ thống kiểu này. Nhiều người lo sợ rằng chính phủ sử dụng những công nghệ này để theo dõi người dùng.
Ví dụ như ở Đức, nơi chính phủ chi 68 triệu euro cho một chương trình tương tự, ứng dụng Corona-Warn-App đã được tải xuống 18,6 triệu lần trên các thiết bị. Tuy nhiên, chỉ có 5 nghìn người chia sẻ kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính, ông Harald Lindlar, phát ngôn viên của một trong những công ty phát triển ứng dụng này là Deutsche Telekom nói với Izvestia.
Trong khi đó, kể từ khi ứng dụng ra mắt vào ngày 16 tháng 7, ở Đức có gần 70 nghìn người nhiễm bệnh. Như vậy, trên thực tế chỉ có khoảng 22% trong số 83 triệu người ở Đức tải chương trình này. Hơn nữa, hầu hết người dùng cài đặt ứng dụng đồng thời trên nhiều thiết bị của mình, thêm vào đó, có nhiều người sau khi tải xuống chỉ vào xem có một lần rồi thôi.
Vào đầu tháng 9, Đại học Kỹ thuật Munich đã công bố kết quả thăm dò cho thấy có một nửa số người được hỏi đánh giá ứng dụng này không thay đổi được bất cứ điều gì trong đại dịch.
Các nhà chức trách gặp phải những vấn đề tương tự ở Thụy Sĩ, Phần Lan và Anh, nơi các ứng dụng di động cũng được tung ra để chống COVID-19. Ở mọi nơi, hiệu quả tiềm năng của chương trình bị suy giảm ít hay nhiều tùy theo việc người dân mất niềm tin vào đó đến đâu.