Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh
"Tham gia vào các cuộc chiến chống lại người dân của chúng tôi không chỉ có quân đội Azerbaijan do các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu. Còn có lính đánh thuê và binh sĩ từ Syria do Thổ Nhĩ Kỳ tuyển mộ", - ông Pashinyan nói tại một cuộc họp của hội đồng liên chính phủ EAEU.
Theo ông, sự tham gia của lính đánh thuê trong các cuộc chiến đã được "xác nhận bởi các tuyên bố đặc biệt của các nhà lãnh đạo của các nước đồng chủ trì nhóm Minsk OSCE, cũng như nhiều bài đăng của các ấn phẩm quốc tế uy tín."
"Các hành động tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ gây mất ổn định hoàn toàn tình hình không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới và gây ra mối quan ngại đặc biệt", - Thủ tướng Armenia lưu ý. Ông gọi các hành động chiến sự trên tuyến giáp ranh là "cuộc xâm lược của Azerbaijan-Thổ Nhĩ Kỳ chống lại nhân dân Armenia”.
Tình hình ở Karabakh
Đụng độ ở Nagorno-Karabakh trở nên nghiêm trọng vào sáng ngày 27/9. Cả Baku lẫn Yerevan đều lên tiếng cáo buộc lẫn nhau. Armenia đã ban bố thiết quân luật và lệnh tổng động viên. Nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 55 bị cấm rời khỏi đất nước. Ở Azerbaijan cũng ban hành lệnh giới nghiêm và huy động nhập ngũ cục bộ.
Tình hình càng trở nên phức tạp do Baku nhận được sự hậu thuẫn tích cực từ Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO). Trong khi đó, Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO).
Lãnh đạo ba nước Nga, Mỹ và Pháp - đồng chủ tịch Nhóm OSCE Minsk về Karabakh - đã kêu gọi các bên đối đầu nhau chấm dứt đụng độ và tiến hành đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết. Các nhà lãnh đạo lên án sự leo thang xung đột và bày tỏ lời chia buồn tới thân nhân của những người thiệt mạng.