Tạp chí này đưa ra giả thuyết rằng với sự xuất hiện của SLRC ở Mỹ, một lớp tàu chiến cũng có thể được hồi sinh, tương tự như các thiết giáp hạm kiểu Montana suýt nữa thì được chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới II.
"Từ Biển Bắc, Montana có thể bắn vào các mục tiêu ở phía tây nước Nga và thậm chí tới cả Moskva. Một chiếc Montana ở Ấn Độ Dương có thể nhằm vào phần lớn lãnh thổ các nước như Pakistan, Afghanistan, Iran, Yemen và Somalia. Ở Thái Bình Dương, Montana có thể nằm an toàn phía sau Nhật Bản mà bao trùm lưới lửa khắp cả Bắc Triều Tiên, thậm chí bắn đến cả Bắc Kinh và Thượng Hải", - tạp chí viết.
Dự án chế tạo loại vũ khí triển vọng Strategic Long Range Cannon (SLRC) được biết đến vào năm 2019. Nguyên mẫu của nó được đặt tại khu huấn luyện quân sự Yuma ở bang Arizona - một loạt thử nghiệm sẽ được thực hiện tại đây cho đến năm 2023. Với sự trợ giúp của siêu đại bác này quân đội Mỹ dự định sẽ đột phá hệ thống phòng thủ của đối phương để mở đường cho lực lượng bộ binh tiến công. Cứ điểm để đại bác nhả đạn sẽ là những vị trí "chiến lược" mà kẻ địch không thể tiếp cận được để tấn công trả đũa.
Theo các chuyên gia, mục tiêu tiềm năng của loại pháo tấn công mới có tầm bắn siêu xa này có thể là các hạng mục ở Nga hoặc Trung Quốc. Không loại trừ người Mỹ sẽ triển khai loại siêu đại bác này ở Ba Lan, các nước Baltic hoặc Hàn Quốc.
Theo chuyên gia quân sự Alexei Leonkov, dự án SLRC không gì khác hơn là cố gắng tạo ra một loại vũ khí có giá thành rẻ đến mức tối đa, tương tự như các hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander và Tochka-U của Nga (tiếng Nga viết tắt là OTRK). Loại pháo đa cỡ nòng quân đội Mỹ đang trang bị hiện nay dựa trên hệ thống pháo phản lực bắn loạt HIMARS, tỏ ra kém thế hơn đáng kể so với chúng về tầm bắn và độ chính xác.