Tuy nhiên, trên thị trường Trung Quốc đã xuất hiện các đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng, và giờ đây, Apple phải hết sức cố gắng để thu hút khách hàng và giữ lại ít nhất một phần trên thị trường smartphone cao cấp.
Kể từ khi chiếc iPhone đời đầu ra mắt và cho đến gần đây, các sản phẩm của Apple được xem là hàng hóa cao cấp. Trước hết bởi vì iPhone thường đắt hơn các mẫu flagship của các nhà sản xuất khác. Nhưng, cùng với mức giá cao, người tiêu dùng đã nhận được nhiều công nghệ tiên tiến nhất. Ví dụ, bộ vi xử lý mạnh nhất trong iPhone hàng đầu mới. Chiếc iPhone mới có máy ảnh tốt nhất. Sạc không dây, AirPods, hệ thống quét dấu vân tay để mở khóa điện thoại và cả Face ID - đây là những cải tiến mà chủ sở hữu iPhone mới nhận được. Không chỉ những người tiêu dùng mà cả các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác cũng đã chờ đợi sự ra mắt của smartphone hàng đầu tiếp theo của Apple. Các nhà sản xuất khác đã điều chỉnh sản phẩm của họ theo "tiêu chuẩn vàng" của iPhone bằng cách thay đổi chức năng và đặc tính kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, sau khi mở ra kỷ nguyên 5G, những người hâm mộ Apple đã bị “bỏ lại phía sau” trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Hầu như tất cả các nhà sản xuất, từ Samsung đến Oppo, từ lâu cung cấp điện thoại thông minh thế hệ thứ năm phù hợp với những sở thích và túi tiền khác nhau. Và Apple đã trì hoãn sự kiện ra mắt iPhone 5G và đưa ra những lý do khá lạ: được cho là trước hết cần phải đợi cho đến khi các tiêu chuẩn 5G được phát triển, sau đó sẽ phát hành một điện thoại thông minh mới hỗ trợ chức năng này.
Kết quả là, thị phần của Apple trên thị trường Trung Quốc bắt đầu giảm. Trong năm 2017, tập đoàn Apple đã chiếm 86% thị phần smartphone cao cấp, còn nhà sản xuất Trung Quốc Huawei - chỉ có 5%. Nhưng, đến năm 2020 Huawei chiếm được khoảng 50% và Apple - 42%. Trong nửa đầu năm nay, doanh số của Apple tại Trung Quốc đã giảm 3,1% xuống còn 18,8 tỷ USD. Theo tờ The Wall Street Journal, sau sự ra mắt của điện thoại thông minh 5G mới, Apple hy vọng sẽ lấy lại vị trí của mình trên thị trường quan trọng nhất của họ.
Nhưng, chúng tôi có thể đưa ra câu hỏi: liệu Apple có chậm trễ với sản phẩm mới hay không, trong khi ở một số quốc gia, mạng 5G đã được đưa vào cuộc sống hàng ngày? Tại Trung Quốc, vẫn là thị trường lớn thứ hai cho các sản phẩm của Apple, hiện có hơn 500 nghìn trạm gốc 5G. Hiện có hơn 110 triệu người (hơn 2/3 dân số của toàn nước Nga) dùng mạng thế hệ thứ năm. Cuối cùng, Apple cũng chính thức trình làng iPhone 12. Nhưng, các đặc điểm của nó không còn mang tính đột phá nào nữa. Chỉ có chip Apple A14 Bionic xây dựng trên tiến trình 5 nm do TSMC sản xuất là tiên tiến nhất. Và mức giá vẫn phù hợp với tham vọng của nhà lãnh đạo công nghệ. Nói về phần còn lại, những đổi mới do Apple trình bày đã có sẵn ở mức độ này hoặc mức độ khác trong các mẫu điện thoại thông minh hàng đầu của các nhà sản xuất khác. Do đó, không nên chờ đợi doanh số của Apple tăng mạnh trên thị trường Trung Quốc, - nhà nghiên cứu Mei Xinyu của một tổ chức tư vấn thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết:
“Cá nhân tôi không thấy lý do để lạc quan về triển vọng bán hàng của Apple tại Trung Quốc. Thị phần của tập đoàn này sẽ thấp hơn trước. Trước đây, Apple đã chiếm được cảm tình của người dùng bằng những cải tiến và công nghệ đột phá. Huawei, ZTE, Xiaomi và các nhà sản xuất khác đã tung ra các dòng điện thoại thông minh hỗ trợ 5G sớm hơn nhiều. Có thể nói rằng, các tính năng mới của điện thoại thông minh hàng đầu của Apple bị tụt hậu 1-2 năm so với các đối thủ. Nếu họ tiếp tục tuân thủ mô hình kinh doanh này, Apple sẽ vô cùng khó khăn trong việc duy trì hình ảnh thương hiệu của một công ty công nghệ tiên tiến”.
Tất nhiên, vị trí của Huawei trên thị trường Trung Quốc đã được củng cố nhờ những bất đồng về công nghệ với Hoa Kỳ. Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty Trung Quốc. Trên thực tế, Huawei đã cắt đứt hợp tác với các đối tác Mỹ. Bây giờ Huawei không thể tiếp cận các bản cập nhật hệ điều hành Android mới nhất, nhiều thành phần công nghệ cao mà công ty đã mua ở nước ngoài. Tuy nhiên, Huawei đã nhanh chóng tạo ra hệ điều hành di động Harmony và hệ sinh thái HMS của riêng mình, và bất chấp mọi thứ, vẫn tiếp tục phát hành các mặt hàng mới. Cuộc đấu tranh của Huawei với hệ thống của Mỹ đã đánh thức tình cảm yêu nước trong nhiều người dùng Trung Quốc, họ trở nên trung thành hơn với các sản phẩm của Huawei và muốn hỗ trợ nhà sản xuất trong nước.
Mặt khác, ở Trung Quốc vẫn có rất nhiều người hâm mộ Apple, và tình cảm yêu nước không phải là yếu tố quyết định đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, iPhone cũng được sản xuất tại Trung Quốc, và hàng nghìn công nhân Trung Quốc đang tham gia vào quá trình này. Vì vậy, việc tẩy chay sản phẩm của Apple là không hợp lý vì điều này sẽ ảnh hưởng đến các đồng bào. Thứ hai, Apple duy trì hệ sinh thái của riêng mình mà nhiều người dùng rất thích. Do đó, các sản phẩm của Apple sẽ duy trì một phân khúc nhất định trên thị trường Trung Quốc, chuyên gia về công nghệ Internet của Trung Quốc Liu Xingliang nhận xét.
“Tôi nghĩ, người bình thường không nên mang trong lòng cảm giác ghét bỏ bất cứ sản phẩm nào chỉ vì nó là của Mỹ. Sự lựa chọn của những người bình thường nên được xác định bởi giá trị sử dụng chứ không phải bới lý do chính trị. Và nếu chúng tôi thực sự muốn tẩy chay hàng hóa của Mỹ, thì chúng tôi chỉ đơn giản không thể tồn tại. Ở Trung Quốc có rất nhiều người dùng thích sản phẩm của Apple. Tập đoàn này vẫn đang mang lại trải nghiệm rất tốt với hệ sinh thái riêng của mình và được người dùng đánh giá cao. Họ có cả máy tính và iPad, và chúng rất thuận tiện để kết hợp với nhau trong hệ sinh thái này. Trong mọi trường hợp, Apple sẽ duy trì 15% -20% thị phần ở Trung Quốc. Phần này được tính theo doanh số. Và điện thoại thông minh của Apple vẫn có tỷ suất lợi nhuận cao nhất”.