Ngày 21/10, Quốc hội nghe tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và thảo luận về Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý là việc có bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hay không?
Chủ nhiệm Ủy ban (UB) Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói: UB Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đa số ĐBQH đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ.
Tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Theo giải trình của UB Thường vụ Quốc hội, khi thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31-12-2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú.
Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi đó không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.
Nguyên do của đề xuất này là vì có thể tại thời điểm 1-7-2021 và sau đó là giai đoạn đầu thực thi luật, điều kiện kỹ thuật kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu về dân cư vẫn đang trong quá trình triển khai, hoàn thiện.
Nếu vậy thì việc thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong. Người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh nơi cư trú.
“Việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ tránh được việc làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành” - ông Tùng nói.
Ở những nơi đã hoàn thành việc kết nối liên thông, khai thác, sử dụng chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú.
Đồng thời, cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Cuối cùng, có ý kiến vẫn còn lo ngại rằng thời điểm 31-12-2022 có thể vẫn chưa bảo đảm để hoàn tất việc kết nối liên thông, chuyển đổi số đối với quản lý thông tin về cư trú trong toàn xã hội, nên cần kéo dài hơn nữa thời hạn này.
Theo UB Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đồng ý Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ hết giá trị cùng thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, tức là từ 1-7-2021. Các ý kiến này cho rằng phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ.
“Quy định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử” - ông Tùng trình bày.
Đối với gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ và hàng chục thủ tục ở các cấp chính quyền địa phương đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan sẽ khẩn trương rà soát… để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, bảo đảm có thể thực hiện thông suốt, thống nhất ngay từ ngày 1-7-2021.
Do ý kiến còn khác nhau nên UB Thường vụ Quốc hội thiết kế thành hai phương án để Quốc hội tiếp tục thảo luận.
Thấm thía mong ước của người dân
Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết có 3 mục tiêu xây dựng Luật Cư trú sửa đổi. Mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo yêu cầu không cản trở, ngăn trở quyền tự do cư trú của cư dân. Xác định vị trí pháp lý của công dân, người dân trên lãnh thổ Việt Nam. Việc đăng ký để các cơ quan nhà nước quản lý hoạt động cứ trú của người dân, công dân.
Theo Bộ trưởng, tất cả vấn đề đó được quán triệt trong mục tiêu: có quản lý nhưng không để quy định làm nhũng nhiễu, phiền hà, phức tạp cho người dân.
Giải đáp băn khoăn của nhiều ĐBQH về thời điểm áp dụng phương thức quản lý cư trú mới, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nếu không dứt khoát được thời điểm thì sẽ rất phiền phức cho người dân cũng như hoạt động quản lý của các cơ quan.
“Bỏ sổ hộ khẩu, như Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại UB Thường vụ Quốc hội, chúng tôi rất thấm thía, đây là điều mong ước của người dân. Trước đây một số quy định sổ này, sổ kia, khi bỏ được, thay đổi phương thức quản lý, mang lại sự phấn khởi cho người dân. Chủ tịch Quốc hội nói đây là mong ước của người dân, bây giờ làm được việc này cũng chính là mong đợi của người dân. Đây là điều chúng tôi quán triệt”, Bộ trưởng Công an khẳng định.
Đại tướng Tô Lâm cũng nhìn nhận, đúng là sổ hộ khẩu hiện nay có rất nhiều điều khoản khác quy định đi theo, do đó, thay đổi phương thức quản lý đòi hỏi cả hệ thống thay đổi chứ không chỉ sổ hộ khẩu.
Trong báo cáo đánh giá tác động, kế hoạch triển khai, Bộ đề nghị từ nay cho tới 1/7/2021 vận động người dân, đăng ký chỗ ở theo giấy tờ pháp lý theo CMND, giấy hộ khẩu phải có thời gian như thế để chuyển đổi, bằng căn cước công dân.
Đồng thời, Luật Cứ trú là triển khai dự án căn cước công dân của Luật Căn cước cũng có hiệu lực từ 1/7/2021.
“Hiện nay, thông tin cơ sở dữ liệu dân cư 90% thu thập được, chỉ thẩm định, phúc tra lại đưa vào hệ thống máy. Còn 10% sẽ cố gắng trong năm 2020 hoàn thành. Nên chúng tôi mạnh dạn đề nghị thực hiện áp dụng phương thức quản lý cư trú theo Luật ngay khi có hiệu lực”, Bộ trưởng Công an nói.
Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng thống nhất không cần kéo thời gian cấp căn cước công dân để nỗ lực hoàn thành đến đích 1/7/2021 để văn bản có hiệu lực, kể cả căn cước công dân, kể cả dữ liệu dân cư, cư trú.
Ông nhấn mạnh: “Chính phủ điện tử hiện nay đang rất thúc đẩy, đã có quy định của Chính phủ để làm. Chúng tôi nghĩ, Quốc hội giới hạn thời gian 1/7/2021, bắt buộc cơ quan quản lý đều phải phối hợp với nhau thực hiện theo đúng phải có lộ trình”.