Mùa thu làm trầm trọng thêm “cơn cuồng loạn” chống Trung Quốc ở Mỹ
Hoa Kỳ đã giáng đòn thứ ba trong năm nay vào các cơ quan truyền thông Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Vào tháng 2, năm cơ quan truyền thông thuộc nhà nước Trung Quốc đã bị chỉ định là phái bộ nước ngoài. Vào mùa hè đã có thêm bốn cơ quan truyền thông Trung Quốc bị liệt vào danh sách này.
Mới đây, Hoa Kỳ liệt thêm 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc là phái bộ nước ngoài. Các cơ quan truyền thông này bao gồm: Yicai Global, Jiefang Daily, Xinmin Evening News, Social Sciences in China Press, Beijing Review và Economic Daily. Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giải thích quyết định này bằng ý muốn đảm bảo rằng người dân Mỹ, những người tiếp nhận thông tin, "nên phân biệt giữa tin tức do báo chí tự do viết và tin tức tuyên truyền do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát tán”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington lưu ý rằng, khi đàn áp các phương tiện truyền thông Trung Quốc và gây áp lực chính trị lên họ, Hoa Kỳ lại gây ra “cơn cuồng loạn”. Tổng biên tập Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) của tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đã đăng một dòng tweet nói rằng, những hạn chế mới của chính phủ Mỹ càng làm đầu độc bầu không khí của giới truyền thông hai nước hoạt động trên lãnh thổ của nhau. Ông thừa nhận rằng, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã bị thiệt hại và cảnh báo rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa. Theo lời ông, mục tiêu trả đũa có thể là các phương tiện truyền thông Mỹ ở Hồng Kông.
The US has gone too far. The move will further poison working environment of media outlets in each other’s country. As long as Chinese media outlets suffer actual harm, Beijing will definitely retaliate, and US media outlets' operation in HK could be included in retaliation list. pic.twitter.com/xTSDyRHpx6
— Hu Xijin 胡锡进 (@HuXijin_GT) October 21, 2020
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Wu Fei từ Viện Chính sách Thông tin và Truyền thông thuộc Đại học Tế Nam tại Quảng Châu, lưu ý rằng, các nhà chức trách Mỹ muốn kiểm soát luồng thông tin về các sự kiện ở Hoa Kỳ mà báo chí nước ngoài, đặc biệt là truyền thông Trung Quốc, cung cấp:
“Tất cả những điều này là sự tiếp nối của chính sách chống Trung Quốc mà Mỹ đã đưa ra. Nếu Trump tái đắc cử, ông ấy sẽ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc, sẽ theo đuổi chính sách đối đầu với Trung Quốc. Nếu Biden đắc cử, ông cũng hầu như không thể thay đổi mô hình chính trị đã được thiết lập. Quyết định liệt hoạt động của 15 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ là phái bộ nước ngoài khó có thể bị bãi bỏ. Đồng thời, tôi không nghĩ rằng quyết định này có liên quan đến cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Ở Mỹ, người dân trước hết quan tâm đến những vấn đề nội bộ, chính sách thuế, sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên truyền thông Trung Quốc bởi vì thông tin về chính sách của Mỹ trên báo chí Trung Quốc giống như tin tức từ nơi tuyến đầu. Tin tức từ Mỹ thu hút rất nhiều người xem ở Trung Quốc, rất nhiều nhà báo đang hiện diện ở Mỹ, vì thế Hoa Kỳ muốn kiểm soát tình trạng của các phương tiện truyền thông Trung Quốc và luồng thông tin từ Mỹ".
Về phần mình, ông Zheng Anguang, phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của trường Đại học Nam Kinh nói lên ý kiến rằng, cuộc tấn công vào quyền tự do của các cơ quan truyền thông Trung Quốc ở Hoa Kỳ liên quan đến chiến dịch tranh cử của Trump:
“Mỹ đang gia tăng áp lực lên các cơ quan truyền thông Trung Quốc. Lý do chính có thể liên quan đến cuộc bầu cử, chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa. Đối với Trump, chiến dịch tranh cử đang diễn ra không mấy suôn sẻ, theo các cuộc thăm dò, ông ấy tiếp tục tụt hậu so với đối thủ, vì vậy ông ấy cần phải làm chệch hướng sự chú ý khỏi chính trường trong nước. Các biểu hiện của chính sách này là thái độ thù địch của Pompeo và chính quyền Trump đối với Trung Quốc. Nếu Trump vẫn nắm quyền, áp lực lên truyền thông Trung Quốc có thể tiếp tục bởi vì sự thiên vị không thể biến mất trong một sớm một chiều. Nếu Biden lên nắm quyền, sự thù địch có thể giảm bớt, nhưng, các chính trị gia Mỹ vẫn có tâm lý chống Trung Quốc, vì thế không thể đảm bảo rằng tình hình sẽ thay đổi. Nhưng, Biden và ê kíp của ông sẽ hợp lý hơn trong vấn đề này".
Ê kíp của Trump đang cố gắng kiếm điểm chính trị bằng cách đả kích Trung Quốc và lan truyền thông tin giả. Chính Tổng thống Hoa Kỳ dẫn đắt chiến dịch chống Trung Quốc.
Vào tối thứ Tư, truyền hình Mỹ đã phát đoạn video về một buổi nhóm họp của ông Trump tại Nhà Trắng. Tại đó ông lặp lại cáo buộc rằng, do lỗi của Trung Quốc mà những người có mặt tại cuộc họp này phải đeo khẩu trang. Trump đã hứa sẽ thực hiện các hành động chống lại Trung Quốc vì ông tin rằng, chính nước này chịu trách nhiệm về sự lây lan của virus corona trên thế giới. Đồng thời, ông không nói rõ Washington đang lên kế hoạch thực hiện những bước đi nào.
Cùng ngày, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã gọi Trung Quốc là mối đe dọa thế kỷ 21. Ông cáo buộc Trung Quốc cố gắng đánh cắp thông tin về một vắc xin Covid-19 tại các phòng thí nghiệm ở phương Tây. Ông miêu tả Trung Quốc như một kẻ thù đang tìm cách độc chiếm tất cả các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế thế kỷ 21. Theo Reuters, Robert O'Brien đã đưa ra các tuyên bố này tại Diễn đàn Tương lai Đại Tây Dương trong buổi video call với tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Nhà ngoại giao Mỹ đã nói chuyện trong 20 phút với các quan chức quân sự và tình báo cấp cao của Anh và Mỹ.
Cơn cuồng loạn chống Trung Quốc trong xã hội Mỹ đã được thúc đẩy bởi những cáo buộc mới chống lại Trung Quốc về những "cuộc tấn công bằng vũ khí âm thanh" nhằm vào một nhân viên của Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Quảng Châu vào mùa xuân năm 2018. Trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao, Mike Pompeo đã bác bỏ cáo buộc rằng, chính quyền Trump đang ngăn chặn thông tin về những trường hợp như vậy. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, chính quyền Mỹ đang tìm cách làm sáng tỏ những gì đã xảy ra, nếu có những người có hành vi vi phạm thì họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.