“Đi trên đường cứ 3 xe thì lại có 1 xe chở hàng hóa cứu trợ”
Sáng 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vào Quảng Bình để trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lụt và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện một số bộ, ngành.
Ngay khi đến Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Sau chuyến thị sát, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và Hà Tĩnh về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu không tập trung quá nhiều vào tình hình, “phải rút ra được bài học nào trong phòng chống lũ lụt ở khu vực này”. Trong đó, phải xác định rõ những việc nào cần làm ngay để bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân như xử lý vấn đề môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, thời gian qua, miền Trung liên tục gặp bão lũ, lũ chồng lũ, bão chồng bão, tai nạn nối tiếp tai nạn.
Chia sẻ câu chuyện vừa đi thăm một trường mẫu giáo ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và thăm hỏi các hộ gia đình ở thôn Đồng Tứ, xã Hiền Ninh, Thủ tướng cho rằng có “nhiều gia đình trắng tay, thiệt hại của bà con rất lớn”. Nhiều xã hiện nay còn bị ngập, nhiều người dân mất nhà cửa, đi lại gặp khó khăn. Nhiều trường học chưa thể mở cửa, môi trường bị đe dọa.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác đến miền Trung, thăm các địa điểm khó khăn nhất. Các bộ, ngành đã xử lý kịp thời vấn đề lương thực, thuốc men, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Các tỉnh đã nêu cao trách nhiệm phòng chống bão lũ.
Người đứng đầu Chình phủ cũng đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh đã gồng mình chống thiên tai với nhiều biện pháp sáng tạo; biểu dương tinh thần “tương thân, tương ái” của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã dành nguồn lực hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ khi mà “đi trên đường cứ 3 xe thì lại có 1 xe chở hàng hóa cứu trợ”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong gần một tháng qua, tại 6 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam) liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão (số 5, 6, 7) và 2 áp thấp nhiệt đới đã gây ra 2 đợt mưa lớn kéo dài; tổng lượng mưa phổ biến trên 1.000mm.
Thống kê nhiều năm cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Lũ lớn và đặc biệt lớn đã xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính gây ngập lụt trên phạm vi rộng, làm 317.597 hộ/1.200.916 người bị ngập tại 427 xã thuộc 6 tỉnh.
Thống kê bước đầu ở các địa phương cũng cho thấy, mưa lũ đã làm 119 người chết và 21 người mất tích; 37.524 ngôi nhà bị hư hỏng; 1.325 ha lúa và 12.479 ha hoa màu bị hư hại; 6.824 gia súc, 937.823 gia cầm bị chết, cuốn trôi; 20,2 km đê, kè; 116 kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 43 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, 16 tuyến quốc lộ/163,15 km và 161,88 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng.
Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ cho 5 tỉnh miền Trung
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào ngày 19/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm cấp 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 5 tỉnh miền Trung để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước.
Các tỉnh được bổ sung kinh phí gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh. Mỗi tỉnh được hỗ trợ 100 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu UBND 5 tỉnh miền Trung căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, có trách nhiệm sử dụng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để kịp thời thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Cùng với đó là việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước, bảo đảm đúng đối tượng, chế độ quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ – quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan.
Người đứng đầu Chính phủ giao UBND các địa phương trên khi kết thúc đợt thiên tai do mưa lũ, cần tổng hợp số liệu thiệt hại do thiên tai. Đồng thời, báo cáo kết quả chi thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ quy định.
Các địa phương cũng cần báo cáo nhu cầu kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để trình Thủ tướng xem xét, quyết định mức hỗ trợ chính thức từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng địa phương.