Những người tham gia dự án giáo dục “Khoa học trong những chuyến lữ hành. PriMorye” đã thông báo trên trang Facebook của dự án rằng trong khi thám hiểm đảo Russky, họ đã tìm thấy dấu vết hóa thạch của xương sườn và xương động vật trong một phiến đá bị lở sau cơn bão Maysak. Người phụ trách mảng cổ sinh vật học của dự án đã nhờ đến các nhà khoa học, và được xác nhận rằng đó là xương của loài ngư long (ichthyosaur).
Bolotsky đã từ Blagoveschensk đến ngay Vladivostok để tiến hành nghiên cứu tại chỗ mẫu hóa thạch mới được phát hiện này.
"Đúng vậy, rất có thể đây là xương sườn của loài ngư long ichthyosaur. Ichthyosaurs trước kia sống ở mọi vùng biển. Trên đảo Russky đây là phát hiện thứ hai như vậy. Từ Magadan đến vùng phía nam Primorye đều tìm thấy hóa thạch các bộ phận (của loài động vật cổ đại này) - nhưng phần nhiều là những vật rời rạc. Nhưng ở đây hóa thạch có phần hoàn chỉnh hơn. Bên cạnh đó, một phần vẫn còn nằm trong đá. Còn phải xẻ đá ra mới khai quật được, có lẽ phần quan trọng nhất của bộ xương là hộp sọ vẫn còn nằm trong đó. Nhưng biết đâu con vật bị mất đầu từ 220 triệu năm trước thì sao", - nhà khoa học nói.
Ông cũng không loại trừ trường hợp đầu con vật vẫn còn nằm trong tảng đá.
Nhà khoa học cho biết, hóa thạch của ngư long đầu tiên được tìm thấy vào năm 2014 trên hòn đảo của Nga cho thấy nó không phải là động vật săn mồi tích cực, nó nghiền nát động vật thân mềm hai mảnh vỏ nhờ hàm răng có cấu tạo đặc biệt - không phải là dùng để cắn thủng mà là nghiền nát con mồi.
“Đây là phát hiện hoàn chỉnh thứ hai. Tuy nhiên từ xương sườn và xương sống vẫn khó có thể xác định được hàm răng của nó như thế nào”, - nhà khoa học nói thêm.
Bolotsky lưu ý rằng một phần tảng đá được tìm thấy đã được đào lên và chuyển về Viện Hải dương học Primorye để nghiên cứu thêm.
Ichthyosaurs là một bộ bò sát biển đã tuyệt chủng, có hình dạng giống cá và cá heo.