Khoảng 150 người chết và mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập, nhiều vùng diện tích đất trồng trọt bị phá hủy, khoảng 700 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết. Đây là một trong những thiên tai nghiêm trọng nhất ở Việt Nam trong mấy thập kỷ gần đây, mang lại những khó khăn to lớn cho người dân vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các cơn bão cũng ảnh hưởng đến hai nước láng giềng Lào và Campuchia.
“Những trận bão ngày càng gia tăng ở khu vực này trên thế giới là hệ quả của việc nhiệt độ bề mặt nước biển đang tăng lên, – ông Vladimir Semyonov, trưởng phòng thí nghiệm khí hậu học tại Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết. - Nước biển nóng lên, bốc hơi và năng lượng tiềm ẩn tăng lên, dẫn đến việc hình thành các cơn bão mạnh và thường xuyên hơn. Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến băng tan nhanh chóng và mực nước biển dâng cao, điều này cũng gây ra mối đe dọa rất lớn đối với các nước ven biển, một trong số đó là Việt Nam. Trong hơn 100 năm qua, do các hoạt động của con người gây phát thải khí nhà kính, nhiệt độ không khí đã tăng 1,2 °C. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), các tảng băng tan chảy đã đóng góp thêm 15 cm cho mực nước biển kể từ đầu thế kỷ 20 và hiện nay mực nước biển đang dâng với tốc độ 3,6 mm/năm, và tốc độ này đang gia tăng do các tảng băng tan chảy ở Greenland và Nam Cực, cùng với dòng nước tan chảy từ các sông băng và do sự mở rộng các vùng nước biển ấm hơn".
Theo báo cáo gần đây nhất của IPCC, ngay cả nếu lượng phát thải khí nhà kính giảm mạnh và hiện tượng ấm lên toàn cầu được hạn chế ở mức dưới 2 °C, mực nước biển vẫn sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt khoảng 30-60 cm vào năm 2100, và nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng thì ngay cả 110 cm. Mực nước biển dâng sẽ dẫn đến các cơn bão khủng khiếp hơn, lượng mưa gia tăng kết hợp với các xoáy thuận nhiệt đới sẽ mang lại rủi ro bổ sung cho nhiều thành phố nằm trong các vùng ven biển có cao độ thấp và các đảo nhỏ.
Ngoài ra, báo cáo của IPCC chỉ ra rằng, khả năng tồn tại của các loài đang bị gián đoạn trên khắp mạng lưới thức ăn đại dương do những thay đổi trong hóa học đại dương. Khi đại dương ấm lên, sự hòa trộn giữa các lớp nước giảm đi, dẫn đến lượng oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho sinh vật biển ít hơn. Hiện nay, đại dương hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa được lưu trữ trên trái đất. Đến năm 2100, đại dương sẽ hấp thụ lượng nhiệt nhiều hơn gấp 2-4 lần so với trong 50 năm qua nếu tình trạng ấm lên toàn cầu được hạn chế ở mức 2 °C và sẽ phải hấp thụ lượng nhiệt nhiều hơn gấp 5-7 lần nếu lượng khí thải vẫn ở mức như hiện nay. Điều đó gây ra hiện tượng axít hóa đại dương, tức là giảm nồng độ pH liên tục trong các đại dương trên trái đất. Sự ấm lên và axit hóa đại dương, mất oxy và thay đổi nguồn dinh dưỡng đang ảnh hưởng đến sự phân bố và sự phong phú của sinh vật biển ở các vùng ven biển, đại dương và dưới đáy biển. Các cộng đồng phụ thuộc nhiều vào hải sản có thể đối mặt với những rủi ro về dinh dưỡng và an ninh lương thực.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rõ hậu quả nguy hại của việc phát thải khí nhà kính do các hoạt động của con người. Giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, quản lý cẩn thận việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp bảo tồn các đại dương và sông băng, hạn chế rủi ro cho sinh kế ven biển và thích ứng biến đổi khí hậu.
Nhiệm vụ hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 °C so với mức tiền công nghiệp chỉ có thể đạt được nhờ việc thực hiện các quy trình nghiêm túc nhất trong mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội, bao gồm năng lượng, sử dụng đất và hệ sinh thái, các vấn đề đô thị và cơ sở hạ tầng, cũng như công nghiệp, - đây là kết luận của các nhà khoa học IPCC.
Nhân loại bằng các hoạt động của mình làm thay đổi tự nhiên, và bây giờ phải đối mặt hệ lụy của điều đó. Con người đã gây ra một quá trình nguy hiểm như sự nóng lên toàn cầu, và bây giờ số phận của nhân loại nằm ở trong tay mỗi người.