"Chúng tôi không có thay đổi nào trong chính sách coi trọng quan hệ với Nga. Chúng tôi dự định phát triển quan hệ với Nga nói chung trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc ký kết hiệp ước hòa bình. Đối với vấn đề liên quan đến vùng lãnh thổ phía Bắc (Nhật Bản gọi khu vực có các đảo Kunashir, Shikotan, Iturup và Habomai như vậy - chú thích biên tập), thì chúng tôi không muốn gác lại việc giải quyết vấn đề này cho các thế hệ tiếp sau, và không có thay đổi nào khác với chủ trương sau khi giải quyết được vấn đề lãnh thổ thì sẽ ký kết hiệp ước hòa bình", - ông Suga trình bày trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản.
Ông nhấn mạnh rằng trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9, ông cũng đã khẳng định lại ý định tuân thủ các thỏa thuận đạt được dưới thời Thủ tướng Nhật Bản tiền nhiệm.
"Trong một cuộc điện đàm cấp cao vào tháng 9, Tổng thống Putin bày tỏ mong muốn tiếp tục đối thoại về các vấn đề song phương khác nhau, bao gồm cả việc tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình. Về phần mình, tôi cũng bày tỏ mong muốn cùng nhau giải quyết những vấn đề này. Chúng tôi một lần nữa khẳng định rằng lãnh đạo hai bên tại cuộc gặp ở Singapore hai năm trước đã đạt được sự nhất trí cần phải thúc đẩy việc đàm phán về hiệp ước hòa bình trên cơ sở tuyên bố chung năm 1956. Tôi dự định sẽ tiếp tục đàm phán trên cơ sở những thỏa thuận hai bên đã đạt được ”, - ông Suga nhấn mạnh.
Quan hệ Nga-Nhật
Trong nhiều năm nay quan hệ giữa Nga và Nhật Bản khá ảm đạm do giữa hai bên không có hiệp ước hòa bình. Năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản ký Tuyên bố chung, trong đó Moskva đồng ý xem xét khả năng chuyển giao Habomai và Shikotan cho Nhật Bản sau khi ký kết hiệp ước hòa bình, tuy nhiên không đả động gì về số phận hai đảo khác là Kunashir và Iturup. Liên Xô hy vọng rằng bản tuyên bố chung này sẽ chấm dứt được tình trạng tranh chấp, nhưng phía Nhật Bản chỉ coi văn kiện này là một phần biện pháp để giải quyết vấn đề, chứ không từ bỏ yêu sách đối với tất cả bốn hòn đảo nói trên.
Các cuộc đàm phán sau đó không mang lại kết quả nào, hiệp ước hòa bình giữa hai nước cứ như vậy từ cuối Chiến tranh thế giới II đến nay vẫn chưa được ký kết. Có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ đã tỏ ý chống đối quyết liệt, đe dọa rằng ngay cả nếu Nhật Bản đồng ý chuyển giao hai trong số bốn hòn đảo nói trên cho Nga, thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao trả chủ quyền Okinawa cho Nhật Bản (Hiệp định trao trả Okinawa cho Nhật Bản có hiệu lực vào năm 1972 - chú thích biên tập). Lập trường của Moskva là quần đảo này đã trở thành một phần lãnh thổ Liên Xô sau Chiến tranh thế giới II, và chủ quyền của Liên bang Nga đối với chúng là không thể bàn cãi.
Năm 2018 tại Singapore, sau hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản cho biết các bên nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán về hiệp ước hòa bình dựa trên Tuyên bố chung Xô-Nhật năm 1956. Đây là một sự nhượng bộ nghiêm túc của phía Nhật Bản, bởi vì cho đến nay quan điểm chính thức của nước này là trước hết đòi lại bốn hòn đảo nói trên, và chỉ sau đó mới ký kết hiệp ước hòa bình.