Tối 29/10 theo giờ Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 29-30/10. Theo như Bộ ngoại giao và các cơ quan báo chí Việt Nam đưa tin thì ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và nhân kỷ niệm 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Vì sao Mike Pompeo thăm Hà Nội vào lúc này, chỉ mấy ngày trước bầu cử tổng thống Mỹ? Những vấn đề chính của đàm phán Washington - Hà Nội là gì? Phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhanh TS Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao Việt Nam về những vấn đề trên.
Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ là bất ngờ
Sputnik: Chào ông Đặng Hoàng Linh! Chuyến thăm Hà Nội lần này của ngoại trưởng Mỹ là hoàn toàn bất ngờ?
TS Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao Việt Nam: Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ là bất ngờ và nằm ngoài lịch trình của Bộ Ngoại giao Mỹ. Từ ngày 25-30/10, Ngoại trưởng Mỹ đã có chuyến công du 4 quốc gia khu vực châu Á theo lịch trình Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, bao gồm: Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia. Mục đích chính của chuyến đi là thúc đẩy đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Chiều ngày 29/10, Bộ Ngoại giao đã thông báo Ngoại trưởng Mỹ Michael Richard Pompeo sẽ đến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29-30/10/2020. Chuyến đi lần này của ông Pompeo nhằm đánh dấu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ. Thông cáo từ phía Mỹ khẳng định:“Ngoại trưởng Pompeo đến Việt Nam để tái khẳng định sức mạnh của quan hệ Đối tác Toàn diện, kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ và thảo luận về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.”
Mối quan tâm của Mỹ tới Việt Nam như là một đối tác hợp tác quan trọng trên cả phương diện chính trị lẫn an ninh
Sputnik: Vì sao Mike Pompeo thăm Việt Nam vào lúc này, chỉ mấy ngày trước bầu cử tổng thống tại Mỹ?
TS Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao Việt Nam: Việc Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ có chuyến thăm Việt Nam cũng như các nước khu vực châu Á vào thời điểm chỉ mấy ngày trước bầu cử Tổng thống một lần nữa khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc trên tất cả các mặt. Dù ai là tổng thống kế tiếp của Mỹ, cách xử lý “thách thức Trung Quốc” của Joe Biden hay Donald Trump sau khi đắc cử có thể khác nhau, nhưng phải khẳng định rằng châu Á - Thái Bình Dương sẽ luôn là trọng tâm chiến lược của Mỹ.
Đối với vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng trở thành một trong những quốc gia, đối tác đáng tin cậy, được khẳng định qua những thành tích mà Việt Nam gặt hái được trên trường quốc tế cả ở lĩnh vực kinh tế lẫn về ảnh hưởng chính trị.
Việt Nam đang và sẽ là một đối tác quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên mọi lĩnh vực, là một nền kinh tế năng động với môi trường đầu tư thân thiện và hệ thống chính trị ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác đối ngoại, đồng thời Việt Nam cũng là một mắt xích quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Trên phương diện chính trị - an ninh, với vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, Việt Nam nằm ở trung tâm của bán đảo Đông Dương, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế với dân số đông và đường bờ biển kéo dài. Kể từ sau thời điểm tiến hành bình thường hóa quan hệ, bỏ qua tất cả bất đồng trong quá khứ, để đến bây giờ, hai nước tiếp tục vun đắp cho quan hệ hợp tác Việt Nam đã và đang là một quốc gia được quan tâm trong các vấn đề quan trọng của khu vực cũng như trên toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam đang là có mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lực toàn diện với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, vị thế của Việt Nam trong các vấn đề an ninh chính trị ngày càng được gia tăng. Đối với Mỹ, chuyến thăm trên như là một sự kiện quan trọng nhằm khẳng định hơn nữa mối quan tâm của Mỹ tới Việt Nam như là một đối tác hợp tác quan trọng của Mỹ trên cả phương diện chính trị lẫn an ninh.
Việt Nam và Mỹ thảo luận về hợp tác thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Sputnik: Ông có thể cho ý kiến về những điểm nhấn của đàm phán Việt-Mỹ lần này?
TS Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao Việt Nam: Thứ nhất, thảo luận cách Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) mà Washington đang theo đuổi, cũng như Tầm nhìn của ASEAN về khu vực này. Ngoại trưởng Pompeo thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia đều nhằm vận động các nước này ủng hộ các nỗ lực phối hợp.
Vào ngày 28/10, tại Hà Nội cũng đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF). Diễn đàn là sáng kiến của Mỹ nhằm tạo nền tảng đối thoại chính sách và kết nối thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng phát biểu tại diễn đàn theo hình thức trực tuyến: “Nước Mỹ cam kết hỗ trợ tạo điều kiện cho các đồng minh và đối tác phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi luôn sát cánh cùng các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng, tự do và tình hữu nghị của các bên". Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ đánh giá cao Việt Nam trong vai trò chủ tịch đã lèo lái ASEAN đi qua những chặng đường khó khăn trong năm nay, và đặc biệt vẫn tổ chức được như IPBF 2020 trong bối cảnh này.
Sputnik: Cảm ơn tiến sĩ Đặng Hoàng Linh đã trả lời phỏng vấn của Sputnik.