Vì sao nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình bị đề nghị xem xét kỷ luật?
Cùng với đề nghị kỷ luật nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kiến nghị khai trừ ra khỏi Đảng nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trong loạt sai phạm liên quan cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa họp Kỳ họp thứ 49 dưới sự chủ trì của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú trong đó có việc đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo thông cáo mới nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình đã có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc.
Cụ thể, trong thông cáo báo chí phát đi về nội dung Kỳ họp thứ 49, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, sau khi xem xét kết quả thẩm tra, xác minh nội dung phản ánh liên quan đến ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy có một số sai phạm đáng chú ý.
Cụ thể, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc”.
Ông Bình cũng được xác định thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục.
Do đó, có nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.
“Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước và cá nhân đồng chí”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ.
Theo đó, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Bình.
Nguyễn Văn Bình sinh ngày 4 tháng 3 năm 1961, tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, Phú Thọ. Ông Bình từng là cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ban đầu ở Vụ Kinh tế đối ngoại (nay là Vụ Hợp tác quốc tế).
Ông Nguyễn Văn Bình kinh qua các chức vụ Phó Trưởng phòng các tổ chức Tài chính quốc tế, Trưởng phòng Ngân hàng Thế giới, Phó Vụ trưởng- Trưởng ban Quản lý các Dự án Quốc tế- Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ trưởng- Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, rồi làm Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội.
Ngày 3 tháng 8 năm 2011 Nguyễn Văn Bình trở thành Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước. Đầu năm 2016 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Bình được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Đến ngày 11/4/2016, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và sau đó được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư.
Đề nghị khai trừ Đảng nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa
Cũng trong thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nội dung đề nghị khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương dưới thời ông Vũ Huy Hoàng.
Theo đó, sau khi xem xét trách nhiệm liên quan đến các sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương.
Riêng đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, thời gian qua, các nhà chức trách Việt Nam cũng đã xác định, trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công thương đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, đến mức phải khai trừ ra khỏi Đảng.
“Tuy nhiên, do đồng chí đang mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định”, thông cáo nêu rõ.
Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 10/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bà Hồ Thị Kim Thoa để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ngày 13/7/2020 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương do có hành vi sai phạm trong thời gian dài, cố ý làm trái quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước.
Cùng với thông báo của Bộ Công an, ngày 10/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953), nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa (sinh năm 1960) và nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng (sinh năm 1957).
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam cho biết, đến nay bị can Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa, khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, liên quan đến những sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa, tháng 10/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách về mặt Đảng với bà Hồ Thị Kim Thoa do vi phạm liên quan công tác cán bộ của Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Đến ngày 24/1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có quyết định kỷ luật khiển trách bà Hồ Thị Kim Thoa. Ngày 28/7/2017, đích thân bà Hồ Thị Kim Thoa có đơn xin nghỉ công tác với lý do cá nhân gửi đến lãnh đạo Bộ Công thương.
Sau nửa tháng, Thủ tướng ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Đến ngày 29/8/2017, Bộ Công thương chính thức ban hành quyết định cho bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/9.
Đến ngày 10/7/2020, bà Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố và có lệnh bắt tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cứ trù và lệnh khám xét về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tuy nhiên, trong tháng 7 vừa qua, trong khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can Hồ Thị Kim Thoa thì cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam được xác định đang ở Pháp.
Một số nội dung quan trọng khác được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét
Cũng trong Kỳ họp thứ 49 này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét một số nội dung đáng chú ý khác.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát nêu trên phát huy ưu điểm, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra.
Đồng thời, tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo đối với một số trường hợp và quyết định một số nội dung quan trọng khác.