Theo đó, bước vào cuộc đua vaccine chống coronavirus toàn thế giới, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen sự kiến sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên người vaccine Covid-19 “Made in Vietnam” ngay trong tháng 11/2020.
Việt Nam chuẩn bị thử vaccine Covid-19 “Made in Vietnam” trên người
Theo dự kiến, ngay trong tháng 11 này, các chuyên gia thử nghiệm và kiểm định vaccine Covid-19 sẽ thử nghiệm chế phẩm ngừa coronavirus trên người bằng vaccine Covid-19 “Made in Vietnam”.
Cụ thể, hôm 2/11, lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) và các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực kiểm định, nghiên cứu, thử nghiệm vaccine đã có buổi làm việc tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) để thảo luận bản bạc về công tác chuẩn bị triển khai thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine Covid-19 do trong nước tự nghiên cứu.
Theo đó, vaccine của đơn vị đầu tiên đang được Bộ Y tế xem xét phê duyệt hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (thử nghiệm trên người) là vaccine Covid-19 do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao, quận 9, TP HCM) nghiên cứu phát triển.
Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang cho biết Bộ Y tế đã hỗ trợ tối đa, thuận lợi nhất về công tác thẩm định, phê duyệt nhằm giúp việc thử nghiệm vaccine Covid-19 được triển khai sớm nhất, dự kiến trong tháng 11 này.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Ngô Quang cũng yêu cầu cơ quan chế tạo vaccine cũng như các bên kiểm nghiệm phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo an toàn cho người tình nguyện tham gia nghiệm vaccine Covid-19.
Trong suốt thời gian triển khai, đơn vị thực hiện nghiên cứu lâm sàng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế về các yếu tố kỹ thuật cũng như đạo đức trong nghiên cứu.
Vaccine thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là giai đoạn tiếp theo, sau khi đã được đánh giá an toàn, sinh miễn dịch trên động vật. Bộ Y tế sẽ đảm nhận việc thẩm định cơ sở nghiên cứu lâm sàng về chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, nhằm đảm bảo tối đa an toàn cho người tình nguyện.
Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen thông tin cho biết, tính đến lúc này đơn vị đã nghiên cứu sản xuất thành công 4 loại kháng thể dựa trên trình tự của 4 loại kháng thể được phân lập từ các bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi.
Trước đó, công ty đã gửi mẫu cho Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương nhằm xác định, đánh giá tính an toàn. Qua kiểm tra bước đầu, kết quả kiểm tra hoạt tính trung hòa trên virus của đơn vị đạt yêu cầu.
Theo đó, đơn vị cho biết nếu tất cả mọi quy trình hoàn thành và được phê duyệt, dựa trên công nghệ sẵn có, Nanogen có thể sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine/tháng.
Phải đến giữa năm 2020 Việt Nam mới có vaccine Covid-19?
Số liệu của Bộ Y tế cho biết, toàn thế giới có 187 công ty, nhóm đang phát triển vaccine Covid-19.
Hiện Việt Nam có 4 nhà sản xuất trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19. Cho đến lúc này, các kết quả nghiên cứu đều khả quan. Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) cũng dự kiến có lô thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã bắt đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine Covid-19 trên loại động vật thứ 2 là khỉ. Việc thử nghiệm được tiến hành đồng thời trên khỉ và chuột. Sau khi tiêm xong, khỉ sẽ được theo dõi khoảng 3 tháng, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu gửi về Hà Nội để làm xét nghiệm.
Trước đó, công ty đã thử nghiệm vaccine Covid-19 trên chuột. Để có đủ dữ liệu, việc thử nghiệm trên 2 loại động vật này được tiến hành song song. Nếu thúc đẩy tiến độ nhanh nhất thì cũng phải đầu năm 2021 VABIOTECH mới có lô vaccine để thử nghiệm lâm sàng.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu thuận lợi và các kết quả trong phòng thí nghiệm tốt, đạt yêu cầu cũng phải đến giữa năm 2022, Việt Nam mới có vaccine Covid-19.
Việt Nam chuẩn bị ứng phó với tình huống dịch Covid-19 trong mùa đông
Trước đó, chiều 2/11, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế báo cáo cho biết, đến nay thế giới đã ghi nhận gần 47 triệu ca nhiễm Covid-19, khiến 1,2 triệu người tử vong. Hoa Kỳ là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao nhất với 9,4 triệu người, hơn 236 ca tử vong. Đáng lưu ý, số lượng ca nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng nhanh, chỉ trong 2 tuần qua đã tăng 10% số ca mắc.
Tâm dịch mới của Covid-19 đang là Châu Âu với tốc độ lây lan nhanh khó kiểm soát, đặc biệt khi khu vực này bước vào mùa đông. Nhiều quốc gia châu Âu đã phải áp dụng biện pháp tái phong tỏa toàn quốc bao gồm lệnh giới nghiêm vào ban đêm và yêu cầu đóng cửa toàn bộ các quán cà phê, nhà hàng, quán bar.
Trong khi đó ở Việt Nam đã có 60 ngày liên tục không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát. Mặc dù vậy, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vẫn luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam, chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế) và số lượng ca mắc trên thế giới liên tục gia tăng.
Thêm vào đó, sắp tới là mùa đông, xuân, đây được xem điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.
Trước những diễn biến vừa qua của dịch, Bộ Y tế đã triển khai “Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19” (www.antoancovid.vn) nhằm kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn quốc. Bản đồ hiện được triển khai trong hệ thống các cơ sở y tế và giáo dục sử dụng ứng dụng, cập nhập các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống Covid-19.
Đã có 1.530 bệnh viện toàn quốc,145 trung tâm cách ly, 6.539 khách sạn từ 3 sao trở lên, 53.839 trường học đã được cập nhật lên bản đồ. Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác, nghiên cứu sản xuất vaccine, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống dịch.
Đồng thời, Bộ cũng có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận vaccine phòng Covid-19.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã cho thành lập 6 đoàn kiểm tra, giám sát công tác xét nghiệm SARS-CoV-2. Các đoàn này đã thực hiện giám sát tại Hà Nội (ngày 30/10).
Bộ Y tế dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện giám sát tại Nha Trang (3/11) và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/11.
Đồng thời, ngành y tế cũng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành rà soát lại toàn bộ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong công tác phòng chống dịch để cập nhật bổ sung; tập huấn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch tại các bộ ngành, địa phương; tăng cường công tác truyền thông; rà soát tất cả các kịch bản phòng chống dịch, chuẩn bị ứng phó với các tình huống dịch trong mùa đông…
Về việc mở đường bay và quy định về đeo khẩu trang bắt buộc
Cũng trong cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất một số giải pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện nghiêm trong thời gian tới.
Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia khẳng định yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang theo đúng chỉ thị của Thủ tướng. Đây được xem là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác phòng, chống Covid-19.
Hiện nay, tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội đã yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm.
Sắp tới, các tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định đeo khẩu trang, đặc biệt tại cơ sở y tế; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; trên các phương tiện giao thông công cộng; cơ sở lưu trú, khách sạn; các cơ sở thực hiện cách ly; bến xe, cảng hàng không, ga tàu; nhà máy, xí nghiệp; các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người… Không chỉ ở những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại mà cả các những thị trấn, thị tứ… cũng cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang.
Quán triệt triệt để tinh thần “làm từng bước, chắc chắn, đảm bảo an toàn”, các chuyên gia đã thảo luận về việc giao cho các hãng hàng không Việt Nam lên phương án cụ thể nhằm tổ chức các chuyến bay an toàn, dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của cơ quan y tế, các ngành chức năng.
Cuộc họp cũng thảo luận rất kỹ phương án, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ về mở chuyến bay thương mại với một số nước để đón nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, phục vụ mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Yêu cầu là phải làm từng bước, chọn nơi an toàn, thận trọng, chắc chắn. Ban Chỉ đạo nhất trí quyết tâm phải giữ an toàn khi mùa đông đến, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng cao và đáng lo ngại hơn.
Đọc thêm: