Trong khi đó, Điều phối viên Thường trú Liên Hiệp Quốc cũng với các đơn vị phối hợp liên quan tính toán cho biết, Việt Nam cần huy động tới 40 triệu USD để hỗ trợ 177.000 người dân dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề do mữa bão tại các tỉnh miền Trung.
Tổng Thư ký LHQ gửi điện thăm hỏi Việt Nam về tình hình lũ lụt ở miền Trung
Ngày 6/11, cổng thông tin Chính phủ Việt Nam dẫn tin từ Bộ Ngoại giao đưa tin cho biết, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã gửi điện thăm hỏi tình hình lũ lụt ở miền Trung Việt Nam.
Theo đó, nhận được tin Việt Nam chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do cơn bão Molave trong lúc vẫn tiếp tục phải giải quyết các hậu quả thiên tai lũ lụt tại miền Trung, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã gửi điện thăm hỏi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Trong bức điện thăm hỏi này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nhân dân Việt Nam.
Lãnh đạo Liên Hợp Quốc đồng thời cũng đánh giá cao những nỗ lực khắc phục thiên tai của Chính phủ Việt Nam.
“Liên Hợp Quốc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ nhân đạo để giúp Việt Nam vượt qua khó khăn này”, ông António Guterres khẳng định trong điện thăm hỏi.
Những ngày qua, cùng chia sẻ với Việt Nam về những thiệt hại do các trận bão và mưa lớn gây lũ lụt, lở đất khiến nhiều dân thường và quân nhân thiệt mạng tại các tỉnh miền trung Việt Nam trong những tuần vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Dinesh Gunawardena đã gửi thư thăm hỏi tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trước đó, cũng theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thủ tướng Triều Tiên Kim Tok-hun ngày 3/11 gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Son-gwon đã gửi điện thăm hỏi tới Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Bão lũ gây thiệt hại 28.800 tỷ đồng tại miền Trung Việt Nam
Ngày 5/11, tại cuộc họp bàn tái thiết sản xuất sau mưa lũ cho các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết trước mắt, cần hỗ trợ khẩn cấp cho 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để khắc phục hậu quả thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất.
Trong đó, các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum cần hỗ trợ với tổng kinh phí gần 9.500 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện cũng đang tổng hợp trình Thủ tướng về công tác hỗ trợ các tỉnh miền Trung. Theo đề xuất ban đầu, để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần 20.500 tấn gạo hỗ trợ cứu đói; hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống.
Trong đó đã cấp phát hỗ trợ 18 tấn giống ngô, 10,8 tấn hạt rau giống. Về vaccine và hóa chất khử trùng, tổng nhu cầu các địa phương là 560.000 liều vaccine, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng, khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Đồng thời, theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ cuối tháng 9, đặc biệt trong tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã phải chịu ảnh hưởng liên tiếp của 5 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới. Cùng với đó, bão số 10 (Atsani) vẫn đang tiến vào Biển Đông.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo nhận định, cơn bão số 9 mạnh nhất gần 20 năm qua đổ bộ vào đất liền (tâm bão tại Quảng Ngãi) với sức gió cấp 11-12 giật cấp 14-15. Mưa lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng, lúc cao điểm tới 1,2 triệu người bị ảnh hưởng ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam.
“Đây là đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt, khi bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ, vượt lịch sử”, thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Đến nay, bão, mưa lũ, sạt lở đất trong tháng 9, 10/2020 đã làm 242 người chết và mất tích, trên 200.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng, phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực mới phục hồi, tái thiết lại được. Tổng thiệt hại kinh tế do bão lũ trong thời gian qua gần 28.800 tỷ đồng.
Việt Nam cần ít nhất 40 triệu USD hỗ trợ người dân thiệt hại do lũ lụt
Cũng liên quan đến các vấn đề cứu trợ, ứng phó với hậu quả sau mưa lũ lịch sử ở miền Trung Việt Nam, vừa qua, điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc cùng với các đơn vị phối hợp liên quan đã tính toán Kế hoạch Ứng phó với lũ lụt ở Việt Nam năm 2020 nhằm tìm kiếm huy động 40 triệu USD để hỗ trợ cho 177.000 người dân thuộc nhóm những người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Cụ thể, theo Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, ước tính đã có khoảng 1,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn xối xả, lũ lụt trên diện rộng và sạt lở đất do 5 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung Việt Nam trong tháng qua.
Cùng với sự tham vấn chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc cùng với Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, thay mặt Nhóm Quản lý Thiên tai (Disaster Management Group) đã đưa ra Kế hoạch Ứng phó với lũ lụt ở Việt Nam năm 2020, nhằm tìm kiếm huy động 40 triệu USD để hỗ trợ 177.000 người dân thuộc nhóm những người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Kế hoạch này được thiết kế cho khoảng thời gian 6 tháng giải quyết nhu cầu tức thời và thực hiện một số hoạt động phục hồi sớm.
Theo đó, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú LHQ cho biết, LHQ và các đối tác cứu trợ nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ đang tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
“Họ cần được hỗ trợ để được cứu sống ngay lập tức, cũng như những hỗ trợ phục hồi để giúp họ xây dựng lại cuộc sống và sinh kế”, Điều phối viên Thường trú LHQ nhấn mạnh.
Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi sự hỗ trợ và cứu trợ khẩn cấp của quốc tế. Đã có một đánh giá chung của các cơ quan Chính phủ-LHQ-NGO được thực hiện tại 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi và xác định phải cung cấp các hỗ trợ đa ngành cho 177.000 người dễ bị tổn thương nhất ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Có khoảng 153.000 trẻ em cũng có nguy cơ phải nghỉ học do trường học bị hư hại và các em khẩn cấp cần được hỗ trợ các đồ dùng giáo dục, bao gồm đồ dùng cho vệ sinh và các thiết bị cho việc học trực tuyến.
Chính phủ cũng đã yêu cầu tất cả các hoạt động cứu trợ hướng đến những người dễ bị tổn thương nhất bao gồm phụ nữ, phụ nữ là chủ hộ gia đình, trẻ em.
Tại Việt Nam, nhiều người đã đang phải chịu áp lực kinh tế do đợt Covid-19 thứ hai, lại thêm những trận lũ lụt này đã khiến nhiều người dân lâm vào cảnh điêu đứng.
“Một khi nhu cầu cứu sống ngay lập tức đã được giải quyết, hơn bao giờ hết, chúng ta phải ưu tiên mối quan hệ nhân đạo-phát triển để giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất phục hồi, đồng thời hỗ trợ tất cả các cộng đồng ở Việt Nam, giúp họ tăng khả năng chống chịu, thích ứng với khí hậu và có khả năng phục hồi tốt hơn”, ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.