Bộ Quốc phòng Nga đưa tin, các máy bay Il-76 của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã bay tới Karabakh hôm thứ Ba. Theo thông báo của Bộ, các binh sĩ gìn giữ hòa bình cùng các xe bọc thép và thiết bị đặc biệt đã tới khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga bao gồm 1.960 quân nhân, 90 xe bọc thép, 380 đơn vị xe và thiết bị đặc biệt đang được triển khai đến đây, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Thoả thuận ngừng bắn
Các nhà lãnh đạo của Nga, Azerbaijan và Armenia đã nhất trí về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh trong khuôn khổ thỏa thuận về chấm dứt giao tranh. Thỏa thận này đã được ký kết vào đêm ngày 10 tháng 11.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký một tuyên bố chung về việc chấm dứt hoàn toàn xung đột quân sự ở Nagorno-Karabakh.
Nga xuất phát từ quan điểm rằng, các thỏa thuận đạt được sẽ tạo ra điều kiện cần thiết để giải quyết lâu dài và toàn diện cuộc khủng hoảng xung quanh Nagorno-Karabakh vì lợi ích của nhân dân Armenia và Azerbaijan, ông Vladimir Putin tuyên bố.
Nỗ lực thứ tư
Văn kiện được ký vào đêm 10/11 là nỗ lực thứ tư nhằm chấm dứt xung đột và tìm kiếm một biện pháp giảm leo thang bền vững, ba nỗ lực trước đó đều không thành công. Thỏa thuận hòa bình này được công bố chỉ ít giờ sau khi một trực thăng Nga bị bắn rơi trên lãnh thổ Armenia ngoài khu vực chiến đấu.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu thuộc IMEMO RAN Vladimir Olenchenko bình luận về các thỏa thuận đã đạt được.
"Điều quan trọng nhất - thỏa thuận này đã chấm dứt giao tranh, chấm dứt các hành động thù địch và giết người. Đây chính là những gì mà phía Nga đã cố gắng đạt được: khuyến khích cả hai bên tham gia xung đột để ngừng bắn và chuyển sang đàm phán hòa bình. Điều này đã đạt được, và đây là một bước đột phá lớn. Đã diễn ra những thay đổi thực sự và đã thực hiện điều mà cả hai bên yêu cầu là việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga. Nếu làm theo đề xuất của Tổng thống Azerbaijan, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ hiện diện ở đó trong thời gian 5 năm. Những đề xuất như vậy có thể kiềm chế "những cái đầu nóng", những người chủ trương tiếp tục giải quyết vấn đề bằng vũ lực. Do đó, không nghi ngờ gì rằng, đây là một bước đột phá lớn. Bây giờ, cả hai bên cần phải tuân thủ các thỏa thuận được nêu trong tuyên bố chung. Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ thúc đẩy cả hai bên làm như vậy", - ông Vladimir Olenchenko nói.