Năm 2015, tại Washington, Biden, khi đó còn là Phó Tổng thống, nhớ lại cuộc gặp trước đó với lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản, đã nói đùa: "Ông ấy đã trở thành tổng thống, còn tôi thì không".
Bài báo lưu ý rằng chưa bao giờ các tổng thống Mỹ và Trung Quốc lại duy trì quan hệ hữu nghị như Tập và Biden, trong khi căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm chưa từng có trong nửa thế kỷ.
"Trận đấu của thế kỷ"
Sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tổng thống có thể là một lợi thế để ngăn chặn một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng hai phe đang chuẩn bị cho một cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai cường quốc trong "trận đấu thế kỷ" này.
Như tờ báo Pháp nhắc nhớ, các cuộc gặp của Joe Biden với Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama nhắm tới mục đích tìm hiểu kỹ hơn về người sẽ trở thành lãnh đạo của CHND Trung Hoa. Trong nhiều cuộc trò chuyện giao hảo, Biden đã đánh giá nhân vật chính trị mới nổi của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản tương lai. Vào thời điểm đó, các đảng viên Dân chủ vẫn tin rằng sự hợp tác giữa hai cường quốc sẽ tránh được một cuộc đối đầu quy mô lớn. Ông Tập đã lắng nghe những bài phát biểu thân mật của phó tổng thống Mỹ, nhưng ngay khi lên nắm quyền ông đã thể hiện sự không khoan nhượng của mình. Chính sách đối nội hoàn toàn nằm trong tay ông, còn trên trường quốc tế, ông bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình, thay đổi hiện trạng Biển Đông dưới cái nhìn bất lực của chính quyền Obama.
"Như thể Biden đã không lường trước được điều gì", - tờ báo lưu ý.
Một thập kỷ sau, ứng cử viên Đảng Dân chủ thay đổi giọng điệu trong chiến dịch tranh cử và tăng cường công kích ông Tập, như thể cố gắng xóa ký ức về thất bại đáng xấu hổ của ông. Biden đã gia nhập đường lối cứng rắn của Washington chống lại Trung Quốc, và Bắc Kinh giờ đây đã từ bỏ những ảo tưởng, tập hợp lại lực lượng để giành chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt.
Nhà nghiên cứu Chen Qi của Đại học Thanh Hoa cho biết: "Hầu hết các nhà quan sát Trung Quốc không mong đợi sự cải thiện trong quan hệ với Biden".
Các chuyên gia hy vọng rằng sau những chính sách khó lường của Trump, sự trở lại của đảng Dân chủ sẽ mang lại một khoảng thời gian nghỉ ngơi, nhưng lo ngại rằng điều này sẽ giúp các đồng minh châu Âu và châu Á của Mỹ bao vây cường quốc đang trỗi dậy chặt hơn. Trong khi đó, Bắc Kinh lo lắng về sự chuyển giao quyền lực hỗn loạn ở Washington: việc mất quyền lực của chính quyền Trump có thể đốt cháy những cây cầu cuối cùng với Trung Quốc và đưa ra các biện pháp thù địch triệt để chống lại Đài Loan hoặc các lĩnh vực công nghệ của nền kinh tế, Le Figaro lưu ý.