Đại diện của tất cả 27 nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về quy mô ngân sách dài hạn của liên minh. Trong tiến trình đàm phán đã tính đến dự án lập quỹ 750 tỷ euro để kích thích nền kinh tế châu Âu trong bối cảnh đại dịch coronavirus.
Kế hoạch phục hồi kinh tế châu Âu
Kế hoạch phục hồi nền kinh tế châu lục dự kiến sẽ thúc đẩy chi tiêu ngân sách tổng thể lên mức chưa từng có là 1,8 nghìn tỷ euro. Đây là một quỹ đặc biệt được bổ sung bằng cách phát hành trái phiếu dưới danh nghĩa Ủy ban Châu Âu. 500 tỷ euro sẽ dành để cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại, 250 tỷ khác sẽ được giải ngân dưới dạng các khoản tín dụng cấp cho chính phủ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Dự kiến, sự hỗ trợ như vậy sẽ làm tăng lượng sản xuất ở EU thêm 2%, còn để đảm bảo nguồn thanh toán nợ, liên minh thống nhất sẽ áp một mức thuế chung trên toàn châu Âu.
Việc thông qua kế hoạch, cũng như thông qua ngân sách chung, cần có sự nhất trí của tất cả các thành viên EU. Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đe dọa sẽ ngăn chặn sáng kiến này nếu EU gắn việc phân bổ viện trợ và mức tiền viện trợ với việc tuân thủ nguyên tắc luật pháp tối thượng ở các quốc gia thành viên khác nhau.
Kế hoạch khôi phục nền kinh tế châu Âu đã gây ra nhiều tranh cãi. Những nước ít bị ảnh hưởng đại dịch hơn và các nước thịnh vượng hơn phản đối việc dùng kinh phí của họ tài trợ cho nền kinh tế nước khác. Ngoài ra, giới tài chính tỏ ý lo ngại rằng những đợt bơm tiền chưa từng có sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng mạnh lượng tiền lưu hành, kéo theo hậu quả lạm phát.
Song song với kế hoạch phục hồi kinh tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang thực hiện chương trình nới lỏng về lượng bằng cách mua lại trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng thương mại. Tổng quy mô của chương trình này lên tới 1,3 nghìn tỷ euro.
Đọc thêm: