Động lực kích thích giá giao dịch dầu tăng lên chính là tin vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và BioNTech thử nghiệm thành công, cho thấy loại thuốc này đạt hiệu quả hơn 90%.
Ngoài ra, sự lạc quan của thị trường dầu mỏ còn được tiếp sức nhờ hy vọng vào chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Người ta tin rằng dưới sự lãnh đạo của ông, sản lượng khai thác dầu trong nước sẽ giảm, cũng như sẽ kết thúc cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hiện đang gây tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên lúc này vẫn chưa có thông tin gì về tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu và các sản phẩm dầu mỏ trên thế giới. Bộ Năng lượng Mỹ hạ mức dự báo giá dầu thô Brent trung bình cho năm 2020 từ 41,19 USD/thùng xuống còn 40,61 USD. Kỳ vọng giảm sản lượng khai thác dầu trung bình của Mỹ chỉ đạt ở mức 100 nghìn thùng, cụ thể là từ 11,5 triệu thùng/ngày xuống 11,4 triệu thùng/ngày vào năm 2020, và xuống 11,1 triệu thùng/ngày vào năm 2021. Năm 2019, Mỹ khai thác trung bình 12,2 triệu thùng/ngày.
Giá dầu có thể thực sự được hỗ trợ nhờ vào thỏa thuận của nhóm OPEC+ gia hạn hạn ngạch cắt giảm sản lượng hiện tại thêm một thời gian nữa trong năm 2021. Hiện các nước tham gia thỏa thuận đang cắt giảm tổng sản lượng ở mức 7,7 triệu thùng/ngày. Để có được tăng trưởng trong việc tiêu thụ dầu và các sản phẩm dầu mỏ, trước hết cần có bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch, triển khai tiêm chủng đại trà và bãi bỏ các hạn chế kiểm dịch.