Ngày 29-10-2020, một bài viết của nhà báo Aleksey Syunnerberg được đăng trên Sputnik (phiên bản tiếng Việt) có nêu ý kiến của chuyên gia người Nga Vadim Larin, nghiên cứu viên tại Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga). Trong bài báo, ông Vadim Larin có phát biểu:
“Tôi cho rằng tính chất cơ bản của các sự kiện ở Việt Nam trong giai đoạn 1945-1975 vẫn nên được đánh giá như là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng thuật ngữ “nội chiến” dù sao vẫn có thể kết cấu vào tính chất của giai đoạn này, đặc biệt là sau khi người Mỹ chuyển sang “Việt Nam hóa” cuộc chiến ở địa bàn miền Nam Việt Nam. Xác nhận điều này là những tổn thất đáng kể mà các bên tham chiến ở Việt Nam gây ra cho nhau khi đó. Theo tôi thấy, nội dung này đáng được nghiên cứu nghiêm túc và cần có đánh giá của tập thể chuyên gia. Tôi nghĩ rằng các đồng nghiệp Việt Nam cũng sẽ quan tâm xem xét vấn đề này”.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa – Học viện Chính trị CAND Việt Nam đã có bài viết về phát biểu của ông Vadim Larin. Sputnik xin giới thiệu với các bạn đọc.
Bản chất chính trị của một số cuộc cách mạng và nội chiến lớn
Trước hết, ông Vadim Larin đã tự mâu thuẫn với mình khi vừa cho rằng “tính chất cơ bản của các sự kiện ở Việt Nam trong giai đoạn 1945-1975 vẫn nên được đánh giá như là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc” lại vừa cho rằng “thuật ngữ “nội chiến” dù sao vẫn có thể kết cấu vào tính chất của giai đoạn này, đặc biệt là sau khi người Mỹ chuyển sang “Việt Nam hóa” cuộc chiến ở địa bàn miền Nam Việt Nam”.
Có một điều cốt lõi mà chính ông Vadim Larin phải thừa nhận rằng toàn bộ giai đoạn 1945-1975 trong lịch sử Việt nam là giai đoạn người Việt nam tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Điều có nghĩa là đối tượng tác chiến của họ là các thế lực nước ngoài đang tiến hành xâm lược Việt Nam. Và chính điều này cũng làm cho Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam có rất nhiều sự khác biệt với Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Mỹ 1774, Cách mạng Trung Quốc 1911 và Cách mạng Tháng Mười 1917 ở nước Nga.
Cách mạng Mỹ 1774 thực chất là cuộc cách mạng ly khai của những người Châu Âu định cư ở Mỹ. Họ ly khai khỏi Vương quốc Anh để lập một quốc gia riêng chứ không phải là giành lại nền độc lập vốn có như những dân tộc bản địa khác. Bởi ở Mỹ, chủ nhân đích thực của xứ sở này trước khi người Châu Âu tiến hành các cuộc chiến âm lược Châu Mỹ là các bộ tộc da đỏ như Apache, Commanche, Iroquoir, Pueblo, Mandan, Hidatsa .v.v… Họ được gọi chung là người Indian (nay còn dấu tính tên gọi bang Indiana) cũng như các bộ tộc Olnec, Teotihuacan, Maia, Zapotec, Toltec, Aztec… ở Trung Mỹ hay Inca, Chico, Quechua, Aymara, Quinbaya… ở Nam Mỹ. Các cuộc xâm lược của người Châu Âu thời kỳ hậu Colombo đã tước đi quyền độc lập của các bộ tộc này và đặt họ dưới sự cai trị của mình. Ở nước Mỹ cũng vậy. Vì vậy, cuộc cách mạng 1774 của người Mỹ không thể gọi là một cuộc cách mạng giành lại quyền độc lập theo đúng nghĩa của một dân tộc gốc đã từng độc lập mà chỉ là cuộc cách mạng ly khai giữa người da trắng ở Bắc Mỹ với người da trắng ở nước Anh.
Còn Nội chiến Mỹ (1861-1865) thực chất là cuộc chiến giữa hai thế lực chủ nô dựa trên sản xuất nông nghiệp ở miền Nam và tư sản dựa trên sản xuất công nghiệp ở miền Bắc. Về bản chất, cuộc nội chiến này phản ảnh đầy đủ sự xung đột giữa hai phương thức sản xuất, trong đó, phương thực sản xuất tư bản công nghiệp đã chiến thắng nhờ sự ưu việt của nó đối với việc giải phóng sức lao động.
Cách mạng 1978 ở Pháp là cuộc cách mạng mang tính giai cấp điển hình. Theo đó, giai cấp tư sản Pháp sử dụng bạo lực vũ trang để lật đổ vương triều phong kiến Bourbon, lập nên chế độ Cộng hòa tư sản. Cuộc cách mạng ấy cũng đã mất tới gần 100 năm với 3 cuộc cách mạng (1789, 1830 và 1870) để tới năm 1870 mới xác lập được nền Cộng hòa thứ ba, vĩnh viễn chấm dứt chế độ phong kiến ỏ Pháp. Những cuộc xung đột giữa các thế lực bảo hoàng (đế chế) và các thế lực tư sản Pháp (cộng hòa) từ năm 1789 đến năm 1870 có thể xem là nội chiến bởi nó xuất phát từ sự tranh chấp lợi ích kinh tế-chính trị trong nội bộ dân tộc Pháp mà ít có sự can thiệp của bằng vũ lực của nước ngoài (trừ cuộc chiến tranh của Napoleon Bonaparte).
Tương tự như Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Tân Hợi 1911 (Trung Quốc) là cuộc cách mạng của giai cấp tư sản Trung Hoa lật đổ chế độ phong kiến Mãn Thanh để lập nên nền Cộng hòa tư sản đầu tiên ở nước này. Từ năm 1911, Trung Quốc cũng trải qua một số cuộc nội chiến phức tạp để giải quyết tranh chấp giữa các thế lực chính trị trong nước mà nổi bật là hai lần Nội chiến Quốc-Cộng (1927-1937 và 1946-1950). Trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945), Đế quốc Nhật Bản đã không hỗ trợ cho phía Đảng Cộng sản cũng như Quốc dân Đảng.
Cách mạng tháng Mười Nga 1917 là cuộc cách mạng giải phóng giai cấp nhưng không theo xu hướng tư sản và theo xu hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, những người Cộng sản Nga lật đổ chính quyền tư sản mới được thiết lập sau khi giai cấp tư sản Nga lật đổ chế độ Sa hoàng Nikolai II. Còn Nội chiến Nga sau Cách mạng tháng Mười là cuộc xung đột vũ trang giữa những người Cộng sản Nga đã nắm chính quyền với các thế lực tư sản và bảo hoàng Nga được nước ngoài hỗ trợ. Có thể kể ra đây những trường hợp các nước phương Tây đã hỗ trợ cho các thế lực phản cách mạng Nga như Đức hỗ trợ cho tập đoàn quân phiệt Petlyura ở Bắc Ukraina, Krasnov và Mamontov ở Kavkaz; Anh hỗ trợ cho Denikin ở vùng Sông Đông và đánh chiếm Baku, Pháp hỗ trợ cho Vranghen ở Krym đồng thời đánh chiến Murmansk và Arkhanghel, Nhật và Mỹ hỗ trợ cho nhóm Quân đoàn Tiệp Khắc ở Siberia. Đến cuối năm 1918, trên lãnh thổ Đế quốc Nga (cũ) đã có tới 14 vạn quân của các nước đế quốc Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Nhật và chư hầu phối hợp với hơn 1 triệu quân Bạch vệ tấn công Hồng quân và Chính quyền Xô viết trên 3/4 lãnh thổ nước Nga. Vì vậy, gọi là Nội chiến Nga cũng chưa hẳn đúng vì đó thực chất là một cuộc xâm lược hay ít nhất cũng là can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Cũng như vậy, Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) thực chất là “màn dạo đầu” cho Chiến tranh thế giới thứ hai, một cuộc thử nghiệm vũ khí của các nước phát xít Đức và Ý nhằm hỗ trợ cho nhà độc tài Francisco Franco tiêu diệt những người Cộng sản và những người cánh tả ở nước này. Đó là cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” điển hình vì nguồn gốc của cuộc xung đột đó là xung đột giữa những người Cộng sản và cánh tả với những người theo chủ nghĩa quốc gia và cánh hữu ở Tây Ban Nha.
Ở Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 không có nội chiến chỉ có Chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc
Khác với cuộc Cách mạng ly khai ở Mỹ, Cách mạng tư sản ở Pháp, Cách mạng tư sản Trung Quốc, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, Cách mạng tháng Tám của Việt Nam là CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC. Theo đó, tất cả dân tộc Việt Nam, không kể thuộc thành phần xã hội nào, tư sản, địa chủ, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, thợ thủ công…, bất kể người già, người trẻ, phụ nữ hay đàn ông…, hễ là người Việt Nam thì đều phải nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946 đã nêu rõ điều đó. Và bản chất của điều đó có nghĩa là mâu thuẫn cơ bản trong cuộc Kháng chiến chống Pháp của người Việt Nam là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Những mâu thuẫn khác đều không thể có cơ hội để phát triển thành xung đột vũ trang.
Còn chính phủ bù nhìn của cựu hoàng Bảo Đại và thủ tướng Nguyễn Văn Xuân được Pháp dựng lên năm 1948 thực chất không thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam mà chỉ là một con bài chính trị trong tay thực dân Pháp. Chính phủ đó phục vụ cho lợi ích của Pháp ở Đông Dương và hoàn toàn phụ thuộc vào thực dân Pháp về chính trị, quân sự, ngoai giao, kinh tế, tài chính. Thực chất đó là một thứ “pupet government” (Chính quyền con rối) do người Pháp dựng lên và giật dây. Vì vậy, không thể coi hoạt động của chính quyền bù nhìn này có bất cứ một giá trị thực tế nào để có thể đại diện cho một lực lượng chính trị có tư cách pháp lý ở Việt Nam.
Kế thừa chính quyền bù nhìn “Quốc gia Việt Nam”, cái gọi là chính thể “Việt nam Cộng hòa” do Ngô Đình Diệm (và sau này đến lượt Dương Văn Minh, nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương cầm đầu) cũng là một kiểu chính quyền bù nhìn, chính quyền con rối trong tay người Mỹ, do người Mỹ dựng lên, nuôi dưỡng và điều khiển để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Vì vậy, những thứ chính quyền đệ nhất Việt nam Cộng hòa, đệ nhị Việt nam Cộng hòa, hoàn toàn không đủ tư cách pháp lý để đại diện cho bất kỳ một quyền lợi nào của dân tộc Việt Nam mà chỉ phục vụ lợi ích của ngoại bang, lại càng không thể đại diện cho ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Thực chất, đó là các lực lượng của đế quốc Mỹ, do Mỹ gây dựng, nuôi dưỡng, đào tạo, chỉ huy và thao túng nhằm chiến đấu cho quyền lợi của nước Mỹ, phản bội lại nền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Ngay cả sau năm 1973, khi quân đội Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam Việt Nam thì mục tiêu chiến đấu phục vụ cho quyền lợi của người Mỹ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn ở miền Nam vẫn không thay đổi.
Bởi mâu thuẫn căn bản của Chiến tranh Việt Nam là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ. Nguồn gốc xung đột trong Chiến tranh Việt Nam là chính sách và hành động xâm lược Việt Nam của chính giới Mỹ chứ không phải xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc Việt Nam. Người Mỹ có thể lợi dụng một số kẻ vong bản, bán nước ở Việt Nam để làm bình phong che đậy cho âm mưu xâm lược của họ nhưng bản chất của cuộc chiến không vì thế mà thay đổi.
Vì tất cả các lý do trên, không thể có bất cứ một thứ nào gọi là “nội chiến” hay “chiến tranh ủy nhiệm” ở Việt Nam. Toàn bộ ba mươi năm từ 1945 đến 1975 là 30 năm chiến tranh cách mạng để giành độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Những thế lực tự coi mình là một bên thứ ba trong cuộc chiến để “minh họa” cho cái gọi là “Nội chiến ở Việt Nam” là một sự mạo nhận. Còn những ai cho rằng trong cuộc trường chinh 30 năm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ ở Việt Nam có yếu tố nội chiến, thì thực chất đó chỉ là sự đánh tráo khái niệm, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong nhận thức lịch sử và cuối cùng,đó là sự xuyên tạc lịch sử Việt Nam!