Chuyển 8.000 tỷ đồng dư từ nguồn cải cách tiền lương để đầu tư phát triển
Chiều 14/11, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội, làm việc với Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội về định hướng đầu tư công và một số nội dung về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”.
Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy và lãnh đạo các sở, ngành liên quan của thành phố.
Trình bày báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết, trên cơ sở các chỉ đạo của Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố, đến nay việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã đạt được một số kết quả, thể hiện trên 8 nhóm nội dung.
Đáng chú ý, trên cơ sở rà soát, dự kiến khả năng thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố dự thảo Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có bố trí nguồn thu này để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố khoảng 18.000 tỷ đồng. Thành phố cũng dự kiến chuyển 8.000 tỷ đồng dư từ nguồn cải cách tiền lương bố trí đầu tư phát triển.
Báo cáo về đầu tư công và các nội dung liên quan, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thành phố đã lập 6 tổ công tác liên ngành kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 3 lần/tháng.
Theo thông tin từ Báo Hà Nội, tính đến ngày 10/11/2020, toàn thành phố đã giải ngân được 22.354,5 tỷ đồng, đạt 51,1% kế hoạch thành phố giao và bằng 57,5% kế hoạch trung ương giao.
Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển của cấp thành phố là 28.109 tỷ đồng (tăng 0,2% so với năm 2020), trong đó, bố trí vốn thực hiện các chương trình, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công là 23.909 tỷ đồng và cân đối bố trí cho các nhiệm vụ đầu tư phát triển khác là 4.200 tỷ đồng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Không để tồn tại cơ chế “xin – cho” trong tài chính, ngân sách”
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng các sở, ngành cần chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu tư công giai đoạn 5 năm trước, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, với quan điểm kế hoạch tài chính, ngân sách của thành phố trong giai đoạn 2021-2025 phải gắn với kế hoạch đầu tư công trung hạn, các quy hoạch, định hướng phát triển tổng thể của thành phố bảo đảm triển khai kịp thời, đầy đủ các công trình dự án theo thứ tự ưu tiên và thực hiện các nhiệm vụ củng cố, phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ lưu ý thành phố cần có một cơ quan có vai trò đầu mối trong quá trình triển khai, đồng thời huy động sự tham gia của các ngành.
Ngoài ra, đối với việc hỗ trợ các huyện trong xây dựng nông nông thôn mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu thành phố phải có vai trò điều tiết và hỗ trợ phải có mục tiêu, nhất là việc thực hiện giải quyết dứt điểm việc thiếu các nhà văn hóa thôn, đến năm 2021 phải giải quyết được 50% các chợ dân sinh.
Cùng với việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp để tăng nguồn thu, Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố phải kiểm soát chặt tổng mức đầu tư; rà soát để cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành nguồn lực cho cải cách tiền lương và chi đầu tư phát triển.
Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội và các cấp, các ngành liên quan phải tập trung vào các giải pháp tăng thu, đồng thời triệt để tiết kiệm, nhất là các khoản chi khánh tiết, chi cho các đoàn cán bộ đi nước ngoài.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc thực hiện các cơ chế liên quan đến tài chính – ngân sách phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, không được phép vi phạm nguyên tắc, không để tồn tại cơ chế “xin – cho” và phải nhất quán, rõ ràng, mạch lạc.
Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội chuẩn bị kỹ việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, qua đó tạo nguồn lực, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.