Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của WB cho rằng, Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với Việt Nam, đồng thời khuyến nghị, Việt Nam không nên quá tập trung đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà phải tận dụng thật tốt hiệu quả của FDI chứ không chỉ tập trung tăng trưởng dựa trên một số ngành nghề và thị trường trọng điểm.
Khai mạc Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF 2020)
Một sự kiện quan trọng vừa diễn ra liên quan chặt chẽ đến nền kinh tế Việt Nam chính là VRDF 2020 – Diễn đàn thường niên cải cách và phát triển Việt Nam. Hội tụ và ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận các vấn đề cải cách và phát triển của Việt Nam trong bối mới của ‘kỷ nguyên Covid-19’, hậu khủng hoảng do coronavirus gây ra.
Theo đó, trong sáng nay, 29/9 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tổ chức Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 (VRDF 2020) với chủ đề: “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Được biết, vì ảnh hưởng của dịch bệnh do coronavirus nên lần đầu tiên, Diễn đàn VRDF được tổ chức kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 (VRDF 2020) gồm có hai phiên thảo luận với chủ đề “Covid-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu” và “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững”.
Trong xu thế chung, không chỉ riêng Việt Nam mà trên khắp thế giới đều có chung nhận thức rằng, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc. Do đó, muốn nhanh chóng tạo sức bật cho nền kinh tế, xây dựng cheién lược phát triển 10 năm, kế hoạch cho 5 năm tới hay cụ thể là năm sau 2021, tất cả đều phải đặt chung trong bối cảnh dịch bệnh còn hiện hữu.
Trước đó, khi nhận định về việc thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cùng các chuyên gia cho rằng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững.
Theo đó, “Hành động để phục hồi tăng trưởng theo hướng bao trùm và bền vững trong kỷ nguyên Covid-19” được cho là vấn đề đại sự của kinh tế Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII, đang xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2026, hướng tới khát vọng thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Tham dự Diễn đàn hôm nay và là đồng chủ tọa có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie.
Việt Nam phải có tư duy vượt lên trước để bắt kịp thế giới
Phát biểu khai mạc Diễn đàn hôm nay, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, VRDF 2020 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt.
Điều “đặc biệt” mà ông Dũng đề cập tới, thứ nhất là Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Việt Nam phấn đấu tới năm 2030 sẽ trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao trên toàn cầu.
Toàn Đảng, toàn dân đang mong chờ Đại hội Đảng XIII với niềm tin mãnh liệt và hy vọng lớn vào một giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng đặt ra những trọng trách to lớn đối với những người làm chính sách trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội và mọi mặt ở Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, điều đặc biệt thứ hai là đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ và đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển đất nước trong ‘kỷ nguyên Covid-19’ và thời đại ‘bình thường mới’.
“Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Chí Dũng, cũng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định trước đó, từ một quốc gia kém phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, tỷ lệ đói nghèo cao, Việt Nam đã vươn lên mãnh liệt. Đến nay, quy mô nền kinh tế đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, những thành tựu trên đang bị đe dọa bởi thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ trưởng chỉ rõ, với tốc độ lây lan nhanh của coronavirus, dịch bệnh diễn biến khó lường, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới tất cả các ngành lĩnh vực, đặc biệt tới ngành dịch vụ, vận tải, du lịch, ăn uống, lưu trú, đến từng khía cạnh của đời sống nhân dân ở cả thành thị lẫn nông thôn.
Trước tình hình này, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Kinh tế vĩ mô cũng được duy trì ổn định, GDP đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới.
Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, để tăng cường ứng phó, vượt qua, để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tận dụng tối đa những lợi thế, nhận diện rõ ràng các cơ hội đang có.
Theo Bộ trưởng, tiềm năng đất nước, bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh ‘hậu Covid-19’ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cơ hội thuận lợi để tái cơ cấu, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.
“Đặc biệt, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội, Việt Nam nhất thiết cần có được tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm, phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
“Từ góc độ của Việt Nam cũng như đánh giá của giới phân tích quốc tế, chúng tôi nhận thấy, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững”, ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Ngược lại, theo Bộ trưởng, nếu không nhanh chóng tận dụng thời cơ và đổi mới tư duy, thì nguy cơ tụt hậu, khoảng cách phát triển của Việt Nam với các quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn.
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, Việt Nam cũng đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi số cũng đang rộng mở, các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, trong bối cảnh phải thực hiện mục tiêu kép là vừa khống chế có hiệu quả dịch Covid-19 vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại là 12 tỷ USD, GDP vẫn đạt mức tăng trưởng dương (2,12% theo số liệu của Tổng cục Thống kê) và thu hút được 21 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ông Dũng cũng chỉ ra vấn đề bất lợi còn tiềm ẩn đối với Việt Nam như căng thẳng thương mại giữa các đối tác lớn trên toàn cầu (xung đột thương mại Mỹ - Trung, các nước EU) và những hạn chế nội tại của nền kinh tế khiến tốc độ tăng trưởng giảm và bị phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ.
Với những phân tích này, tại Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2020, đồng chí Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, học hỏi những bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe ý kiến tư vấn, khuyến nghị sâu sắc của các chuyên gia, học giả về kinh tế - chính sách hàng đầu trong nước và quốc tế, nhất là đại diện Ngân hàng Thế giới, Cộng hòa Liên bang Đức, Australia, Estonia, đối với hai trọng tâm chính của Diễn đàn lần này.
Không nhất thiết thu nhiều vốn đầu tư nước ngoài mà phải tối ưu hóa sử dụng FDI
Tại Diễn đàn hôm nay, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk bày tỏ sự kiện này là dịp để đánh giá lại những bước tiến của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới thay đổi, Việt Nam cũng thay đổi.
Nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với cú sốc lớn nhất từ sau Thế chiến Thứ II, theo lãnh đạo WB tại Việt Nam, trong khi nhiều quốc gia đang chật vật với Covid-19 thì Việt Nam đã thành công bước nào trong ngăn chặn Covid-19.
Bà Turk cho biết, những tuần gần đây, Chính phủ Việt Nam hành động hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch tại Đà Nẵng.
“Dù chúng ta khống chế dịch hiệu quả nhưng điều đáng lo ngại là các biện pháp hạn chế phục vụ công tác phòng chống dịch lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế, đi lại”, lãnh đạo WB tại Việt Nam bày tỏ.
Tuy nhiên, bà Carolyn Turk cũng cho rằng, luôn có cơ hội từ các cuộc khủng hoảng, đó là thương mại và đầu tư toàn cầu và cơ hội từ nền kinh tế không tiếp xúc. Đây cũng là những vấn đề được trao đổi tại Diễn đàn lần này.
Đặc biệt, người đứng đầu Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu rõ, thách thức đối với Việt Nam là không nhất thiết thu nhiều vốn FDI mà phải tối ưu hóa sử dụng FDI, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực.
Bà Carolyn Turk cho hay, Việt Nam đã bắt tay vào chuyển đổi số và có thể cần làm nhiều việc hơn thế nữa. Theo lãnh đạo WB, cần hiểu rằng, ngày mai con em mỗi chúng ta sống trong thế giới với ngập tràn dịch vụ giáo dục, y tế qua mạng.
“Do vậy, Chính phủ phải đẩy mạnh quá trình này thông qua đề án dịch vụ công quốc gia, xây dựng cở sở dữ liệu, xây dựng hệ sinh thái bao trùm”, bà Carolyn Turk nêu rõ.
Theo đại diện WB, trên cơ sở những thành công đã đạt được trong quá trình khống chế dịch Covid-19, Việt Nam cần tận dụng cơ hội, thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ, dành sự quan tâm thỏa đáng tới y tế, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Việt Nam cần xác định rõ những mục tiêu ưu tiên, thay đổi cách làm việc để tìm ra những giá trị mới trên tinh thần đổi mới sáng tạo nhằm định hình và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng khả năng chống chịu, thích nghi của nền kinh tế trong bối cảnh mới.
Australia cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế
Đồng chủ trì và có bài phát biểu tại Diễn đàn VRDF 2020, Đại sứ Australia tại Việt Nam bà Robyn Mudie nhìn nhận, hiện nay, đang có 2 xu hướng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
“Hiện, thế giới đang trông đợi Việt Nam có thể hưởng lợi từ các xu hướng đó ra sao, đặc biệt 2 xu hướng đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp thế nào”, Đại sứ Robyn Mudie nói.
Theo Đại sứ Australia, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao từ những năm 1990, đặc biệt trong 1/4 thế kỷ vừa qua.
“Chúng tôi kỳ vọng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, bà Mudie nêu rõ.
Đồng thời, Đại sứ khẳng định, thời gian tới, Australia cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hồi phục kinh tế, hỗ trợ phát triển kỹ năng cần thiết cho các ngành công nghiệp để Việt Nam có thể khôi phục lại chuỗi cung ứng và khắc phục được sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Phiên 2 với chủ đề “Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm và bền vững”, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số như cơ hội và thách thức, hành động của Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số với vai trò động lực cho phát triển bao trùm và bền vững, hành động của khu vực doanh nghiệp: Mang số hóa đến cho tất cả mọi người, bảo đảm tính bao trùm của chuyển đổi số.
Việt Nam đang quá tập trung vào một số ngành nghề và thị trường trọng điểm
Tại Diễn đàn VRDF 2020 lần này, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam TS. Jacques Morisset trình bày thông điệp “Đừng nhầm lẫn - Covid-19 là một cơ hội cho Việt Nam” trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Với nội dung này, ông Morisset cho rằng, đại dịch do coronavirus mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam và đất nước này cũng đang làm rất tốt, tận dụng được nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển.
“Việt Nam cần thực hiện nhanh chóng nhiều biện pháp trong cuộc chiến hiện tại. Việt Nam đã kiểm soát rất tốt đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng đang phát triển kinh tế tốt. Tuy nhiên chưa làm nhanh chóng việc chuyển đổi số, vì vậy cần nỗ lực hơn nữa”, TS. Jacques Morisset nhận xét.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam thuộc nhóm một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới về thương mại hàng hóa. Độ mở của kinh tế Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan và 5 lần so với Trung Quốc.
Chuyên gia của WB cũng cho hay, dòng vốn FDI vào Việt Nam tính trong tương quan với nền kinh tế cao hơn nhiều nếu so với con số 2% tại Malaysia và Thái Lan. Các chuỗi giá trị toàn cầu chiếm 66% trong các giao dịch thương mại.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng, thương mại toàn cầu rồi sẽ thay đổi. Ông Morisset cho biết, sau này khi đến thăm các nhà máy, người ta sẽ không còn nhìn thấy nhiều công nhân như trước mà chủ yếu các máy móc tự động hóa.
“Việt Nam cần tăng hàm lượng nội địa, đa dạng hóa và cải tiến công nghệ mạnh mẽ”, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, Việt Nam hiện có chiến lược FDI và sản xuất quá tập trung vào một số ngành nghề.
“Mức độ nội địa hóa các sản phẩm của Việt Nam còn thấp và thậm chí đang giảm dần theo thời gian, mức độ nội địa hóa trong sản phẩm của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với Trung Quốc. Việt Nam cần làm tốt hơn nữa để thu hút FDI và tích hợp mạnh hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam tập trung quá nhiều vào một số trọng điểm, ngành nghề, thị trường”, ông Morisset thẳng thắn.
4 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại chiếm hơn 2/3 kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu. 4 thị trường lớn nhất (Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ) chiếm 60% kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra 4 tập đoàn hàng đầu bao gồm Samsung, Foxconn, Intel và Panasonic chiếm 70% kim ngạch thương mại trong chuỗi giá trị chế tạo toàn cầu.
Theo ông Morisset, cho đến nay, hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu là chiến lược tạo việc làm có thu nhập cho lực lượng lao động đang tăng nhanh. Cho biết các ngành xuất khẩu tạo ra trên 20 triệu việc làm (trực tiếp và gián tiếp), chiếm khoảng 40% lực lượng lao động hiện nay, TS. Jacques Morisset cho rằng Việt Nam đã “rất thành công”.
Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ về việc các đột phá công nghệ đã, đang và sẽ làm giảm nhu cầu về lao động kỹ năng thấp trong ngành chế biến chế tạo. Ông dẫn chứng về câu chuyện một nhà đầu tư tại Việt Nam trong vòng 10 năm có sản lượng tăng gấp đôi nhưng nhân công giảm 40%. Đối với quốc tế, từ đầu những năm 1990 đến nay, thâm dụng lao động trong ngành điện tử đã giảm một nửa.
Kinh tế trưởng WB: Việt Nam nên tập trung vào 5 ưu tiên dài hạn
Kinh tế Việt Nam trong thời gian tới nên như thế nào? Đất nước cần đầu tư vào đâu, chính sách cụ thể như thế nào? Đây là những nội dung quan trọng được Kinh tế trưởng WB nêu cụ thể trong thông điệp của mình tại Diễn đàn.
TS. Jacques Morisset đồng thời cũng khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào 5 giải pháp dài hạn, gồm thúc đẩy giáo dục và đào tạo sau trung học, do Việt Nam cần có một lực lượng lao động với năng lực tốt hơn.
Thứ hai, tập trụng vào công nghệ mới, R&D (nghiên cứu và phát triển), nhưng trên hết là bắt kịp về công nghệ thông qua nắm bắt công nghệ mới từ các nhà đổi mới sáng tạo toàn cầu bởi nhiều doanh nghiệp trong nước hiện đang tụt hậu trong đổi mới sáng tạo và cải thiện chất lượng. Thứ ba, cần kết nối Việt Nam với các thị trường toàn cầu nhưng cũng cần cải thiện liên kết giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thứ tư, theo vị chuyên gia, Việt Nam cần xoá bỏ các rào cản gia nhập và sự thiên vị dành cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ nâng cao cạnh tranh và giúp dần cải thiện năng suất cũng như thương mại hàng hoá (các dịch vụ như logistics và tài chính có ảnh hưởng khá lớn) vì theo thời gian ranh giới giữa sản phẩm và dịch vụ ngày càng bị xóa mờ. Thứ năm, quan tâm đến khả năng chống chịu của môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện điều kiện sống.
Trình bày thông điệp, TS. Jacques Morisset nhìn nhận, Việt Nam đã thúc đẩy thương mại quốc tế nhiều hơn và hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu trong các thập niên vừa qua, tạo ra hàng triệu việc làm có năng suất cao hơn - phù hợp với tư duy thông thường.
“Tuy nhiên, cuộc đua phát triển kinh tế đang đòi hỏi các ý tưởng mới. Thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay không chỉ là số lượng mà chất lượng của hoạt động thương mại quốc tế, như P. Krugman 40 năm trước đã chỉ ra - cần dịch chuyển theo hướng có các sản phẩm phức tạp hơn, bao gồm cả dịch vụ và mức độ nội địa hoá”, ông Morisset cho biết.
“Covid-19 đã nâng cao nhận thức về mức độ cấp thiết, Chính phủ Việt Nam cần hành động dứt khoát với việc triển khai các giải pháp trong ngắn hạn - mà tôi gọi là các xúc tác cho thay đổi”, ông Morisset nói.
Đọc thêm: