Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 12, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn mong các bên sẽ tìm biện pháp thu hẹp bất đồng, kiểm soát hòa bình các tranh chấp hiện nay ở Biển Đông thông qua đàm phán và các cơ chế khác phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm giải quyết khác biệt và tranh chấp căng thẳng ở vùng biển này.
Biển Đông là phép thử trong quan hệ quốc tế
Sáng 16/11, tại Hà Nội khai mạc Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 mang chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) cùng phối hợp tổ chức.
Hội thảo năm nay ghi nhận số lượng diễn giả và người tham dự kỷ lục khi có sự tham gia của hơn 300 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến từ 30 quốc gia trên toàn thế giới. Đáng chú ý, trong số này, có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ các nước ở khác châu lục khác nhau.
Ngoài ra, theo Ban Tổ chức, tham dự Hội thảo còn có 12 Đại sứ và đại diện của trên 20 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước đã đăng ký tham gia đưa tin về Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộ trong đời sống quốc tế, làm bộc lộ nhiều mâu thuẫn âm ỉ trong lòng xã hội các nước, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, tác động đến môi trường hòa bình, ổn định chung giữa các nước, khu vực trên thế giới.
Đối với sự kiện ngày hôm nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, chuỗi hội thảo khoa học quốc tế này là nơi gặp gỡ quan trọng hàng đầu để thảo luận về hòa bình và hợp tác ở Biển Đông.
Vốn là một quốc gia ven Biển Đông, từ bao đời nay, mọi thế hệ người Việt Nam luôn khát vọng về hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Chính vì vậy, Việt Nam đã, đang và sẽ luôn thúc đẩy để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và phồn thịnh.
Hà Nội mong muốn Biển Đông là nơi gắn kết hài hòa lợi ích của các quốc gia trong và ngoài khu vực, là nơi các quốc gia thúc đẩy hợp tác và chung sống hòa bình trên cơ sở chuẩn mực của quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế như đã thể hiện trong quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong suốt thời gian qua.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam tin tưởng rằng đây không chỉ là khát vọng riêng của mình mà còn là của các dân tộc, của nhân dân các quốc gia khác ở trong và ngoài khu vực.
“Khát vọng này ngày càng lớn hơn bao giờ hết vào thời điểm hiện nay, khi thế giới đang bị xáo động cùng với những biến chuyển sâu rộng, phức tạp, Biển Đông tiếp tục là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế”, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, vấn đề Biển Đông chính là “phép thử” đối với khả năng duy trì đối thoại, hợp tác vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế, phép thử với sự minh bạch và phù hợp của chính sách cũng như hành động trên thực tế của các nước, theo chuẩn mực quốc tế.
“Biển Đông cũng chính là phép thử trong chuẩn mực ứng xử giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn với nhau và tác động của nó đối với cục diện thế giới trong những năm tới, phép thử với thượng tôn pháp luật và khả năng định hướng hành xử của các quốc gia theo luật pháp quốc tế”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Cạnh tranh địa chính trị và quân sự hóa làm phức tạp tình hình Biển Đông
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, thông qua các cơ chế hợp tác, Hà Nội luôn thúc đẩy tinh thần đối thoại, đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và tìm kiếm giải pháp hòa bình một cách công bằng, hợp lý cho các xung đột quốc tế.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn thừa nhận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn thách thức khó lường đối với hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
“Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế đã làm suy giảm ý nghĩa sự toàn vẹn giá trị thống nhất và phổ quát của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam thẳng thắn.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, điều này không chỉ tác động đến nền móng của hòa bình, ổn định ở Biển Đông mà còn là mầm mống có thể tác động đến sự xói mòn trật tự biển cũng như hòa bình, ổn định toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác nhằm đối phó với các thách thức đang đòi hỏi hơn bao giờ hết.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chỉ ra thực tế cạnh tranh địa chính trị và quân sự hóa ở Biển Đông đã làm thay đổi nguyên trạng trên biển, làm tình hình trên thực địa thêm phần diễn biến phức tạp, cản trở tiến trình ngoại giao cùng nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác.
Cùng với đó là hàng loạt thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, ô nhiễm môi trường biển, tội phạm xuyên quốc gia trên biển, nước biển dâng tiếp tục thách thức cuộc sống bình yên của hàng triệu người mưu sinh dựa vào biển ở khu vực hiện nay.
5 vấn đề quan trọng giúp giải quyết khác biệt và tranh chấp ở Biển Đông
Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 12, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh 5 vấn đề quan trọng nhằm giúp giải quyết khác biệt và tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, để vượt qua hàng loạt thách thức, các nước trong và ngoài khu vực hơn lúc nào hết cần cùng nhau nỗ lực tìm kiếm, thực hiện các biện pháp hiệu quả, cần làm sâu sắc hơn nữa đối thoại, thúc đẩy hợp tác cùng phạt triển và cùng tìm giải pháp hòa bình cho các khác biệt, tranh chấp.
Vấn đề thứ nhất, theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam đó là cần xây dựng và duy trì một môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác.
Ông Bùi Thanh Sơn lý giải sâu sắc hơn, để làm được điều này, đầu tiên cần phải củng cố lòng tin chiến lược giữa các nước. Có nhiều biện pháp để tạo dựng lòng tin, song quan trọng nhất là sự minh bạch trong chính sách, sự tuân thủ nghiêm túc các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế và “hành xử có trách nhiệm” vì lợi ích chung của cộng đồng trên thực tế.
Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, đi cùng với đó là sự gia tăng quan hệ hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp, quản lý biển của các quốc gia có liên quan.
Vấn đề thứ hai, theo đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, đó là cần chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ không mong muốn trên biển.
“Việc xây dựng quy tắc ứng xử và chuẩn mực hành vi cho các hoạt động trên biển, bao gồm các lực lượng quân sự, dân sự và thực thi pháp luật trên biển cần là ưu tiên cao, không chỉ giữa các nước ven Biển Đông mà cả các nước ở ngoài khu vực đang thực thi các quyền hợp pháp của mình ở Biển Đông”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ.
Điều quan trọng thứ ba, theo đồng chí Bùi Thanh Sơn đó là cần thúc đẩy hợp tác nhằm phục hồi kinh tế và cùng phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều trì trệ, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần là một đầu tàu hỗ trợ kinh tế thế giới phục hồi. Trong đó, Biển Đông cần là không gian kết nối lợi ích của các nước, thúc đẩy giao thương toàn cầu, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.
Vấn đề thứ tư, đồng chí Bùi Thanh Sơn nhắc tới đó chính là cần hợp tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nghiên cứu khoa học biển và phát triển bền vững ở Biển Đông.
“Hợp tác bảo vệ, bảo tồn tài nguyên biển, nghiên cứu khoa học biển và thực thi pháp luật trên biển, nhất là trong khuôn khổ đa phương là cần thiết nhằm góp phần duy trì trật tự trên Biển Đông”, nhà ngoại giao bày tỏ.
Vấn đề thứ năm được Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhắc đến đó chính là không ngừng hướng tới giải quyết hòa bình các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông.
“Theo đó, các bên có liên quan cần tăng cường đối thoại thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, hòa giải, bao dung để thu hẹp các khác biệt, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Việt Nam sẵn sàng cùng các bên liên quan sử dụng khuôn khổ hợp tác song phương hoặc đa phương như ASEAN, Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), nhằm thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam hy vọng các bên sẽ tích cực, sáng tạo tìm biện pháp thu hẹp bất đồng, kiểm soát hòa bình các tranh chấp hiện nay thông qua đàm phán và các cơ chế khác phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn nhất mạnh, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn thành đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), không tiến hành các hoạt động đơn phương, cả quân sự và dân sự nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.
“Tiếp tục đề cao, tôn trọng sự toàn vẹn và giá trị thống nhất, phổ quát của UNCLOS 1982, coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, đồng thời cần tôn trọng quyền lợi hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế của các bên liên quan ở Biển Đông”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng với uy tín là diễn đàn hàng đầu khu vực về Biển Đông đã được gây dựng hơn 10 năm qua, với sự quy tụ của các chuyên gia, học giả hàng đầu của khu vực, với sự ủng hộ chân thành của cộng đồng quốc tế, Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 sẽ là dịp tốt để thể hiện tinh thần đối thoại, hợp tác ở Biển Đông.
Ông mong muốn các đại biểu tham gia Hội thảo Biển Đông lần thứ 12 sẽ đóng góp thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến mới cho việc tăng cường đối thoại và hợp tác ở Biển Đông trong thời gian tới.
Ngày càng nhiều quốc gia thẳng thắn bày tỏ lập trường về Biển Đông
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo hôm nay, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, Hội thảo về Biển Đông lần này thu hút sự quan tâm chú ý hơn các năm trước.
Bà Dung cho hay, Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến để phù hợp với bối cảnh hạn chế đi lại quốc tế. Cách làm này đã giúp Hội thảo mời được số lượng kỷ lục các diễn giả tham gia.
Điểm đặc biệt tiếp theo ở Hội thảo lần này chính là các phiên thảo luận bám sát thực tiễn hơn, các chủ đề cấp bách hơn với sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách.
“Hội thảo lần này sẽ đóng vai trò cầu nối tốt hơn giữa kênh chính thức và kênh bán chính thức thứ hai, nhằm góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất, đóng góp cho hợp tác và hòa bình ở Biển Đông”, TS. Phạm Lan Dung nhấn mạnh.
Cùng với đó, tại Hội thảo năm nay có thêm nhiều thành phần mới tham gia. Lần đầu tiên một số nhà báo quốc tế được mời tham gia Hội thảo với tư cách người trong cuộc chứ không phải với tư cách người đưa tin về hội thảo.
Bên cạnh đó, theo TS. Phạm Lan Dung cho biết, Hội thảo năm nay còn có một phiên đặc biệt với sự tham gia của các nhà lãnh đạo trẻ. Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá, sự tham gia của các nhà lãnh đạo trẻ là cần thiết nhằm tạo dựng một thế hệ trẻ mới hiểu biết về các vấn đề khu vực, nhạy bén về lợi ích của các bên, đồng thời cung cấp thêm các ý tưởng mới để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực, không chỉ cho thế hệ
TS. Phạm Lan Dũng cũng nhấn mạnh, năm 2020 chứng kiến nhiều quốc gia ven Biển Đông làm rõ hơn lập trường pháp lý về Biển Đông thông qua các công hàm được trình lên Liên Hợp Quốc. Cùng với đó, ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm, gắn kết khu vực trong bối cảnh nhiều thách thức.
Sau 10 năm tổ chức, Hội thảo về Biển Đông thu hút được hơn 500 tham luận và hơn 2.000 đại biểu tham dự đã góp phần nâng cao hiểu biết của khu vực và quốc tế về các khía cạnh khác nhau của Biển Đông.
Cụ thể như vấn đề lịch sử, chính trị, kinh tế, pháp lý, văn hóa, môi trường, góp phần thiết thực cho việc hoạch định chính sách nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy họp tác biển tại Biển Đông và hợp tác khu vực.