Như vậy, một quyết định đã từng gây ngạc nhiên ngay cả với các đồng minh châu Âu của Washington và không nhận được sự ủng hộ đầy đủ của họ, cuối cùng có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 11 năm nay.
Nga đã gọi quyết định này là một bước phá hoại hệ thống kiểm soát vũ khí hiện đại, nhưng, các hành động tiếp theo của Nga sẽ được xác định tùy thuộc cách hành xử trong tương lai của các quốc gia khác ký kết hiệp ước.
Các câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu người châu Âu có truyền dữ liệu từ các chuyến bay giám sát của họ đến Mỹ hay không, và liệu Nga có thể thực hiện các chuyến bay giám sát trên các căn cứ của Mỹ ở châu Âu hay không.
Theo dõi Trump
Lý do Mỹ rút khỏi hiệp ước là những cáo buộc Nga vi phạm điều khoản.
Washington không hài lòng với việc Nga không cho phép thực hiện các chuyến bay giám sát trên hành lang dài 10 km dọc biên giới với Abkhazia và Nam Osetia. Đáp trả cáo buộc này, Matxcơva nhắc nhở rằng, Nga đã công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Osetia, và theo các điều khoản của hiệp ước, các chuyến bay giám sát có thể được thực hiện trên không phận không quá 10 km tính từ biên giới của một quốc gia không phải là thành viên của hiệp ước. Ngoài ra, nhờ kỹ thuật hiện đại, các chuyên gia có thể thu được hình ảnh của các khu vực này mà không cần bay vào hành lang này.
Mỹ cũng không hài lòng với việc Nga hạn chế phạm vi bay trên khu vực Kaliningrad ở mức 500 km. Đồng thời, Matxcơva lưu ý rằng, một chế độ như vậy hoàn toàn giống với chế độ mà Hoa Kỳ đã thiết lập cho Alaska. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã lưu ý rằng, ngay cả với những hạn chế như vậy, các đối tác phương Tây có thể bao phủ 90% lãnh thổ của khu vực Kaliningrad.
Có cả những cáo buộc khác, chẳng hạn, như các chuyến bay trên Crưm, mà phương Tây không coi bán đảo này là lãnh thổ của Nga. Mỹ cũng cáo buộc Matxcơva đang sử dụng những hình ảnh được chụp trong các chuyến bay giám sát để chọn mục tiêu, hơn nữa dường như trong các chuyến bay trên bầu trời Mỹ, Nga đã theo dõi vị trí của Trump.
Đường vòng quanh co
Trong khi rời khỏi một hiệp ước cơ bản tiếp theo về kiểm soát vũ khí, Hoa Kỳ đang cố gắng không để mất những lợi ích mà văn kiện này đã mang lại cho họ và có ý định sử dụng các đồng minh để đạt được mục tiêu này.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Mỹ đang tích cực "làm việc" với các đồng minh và yêu cầu họ đảm bảo bằng văn bản về việc cung cấp hình ảnh chụp được từ các chuyến bay giám sát của họ trên lãnh thổ Nga. Trong khi đó, Hiệp ước Bầu trời mở quy định rằng, không được cung cấp thông tin cho nước thứ 3 không tham gia hiệp ước. Ông Lavrov nói rằng, đây không phải là cách hành xử của người đàng hoàng.
Tất nhiên, Matxcơva không hài lòng với tình hình khi Hoa Kỳ có thể giám sát lãnh thổ của Liên bang Nga theo cách này mà Nga không có cơ hội như vậy.
Ngoài ra, Hoa Kỳ yêu cầu các nước đồng minh cấm máy bay Nga trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở bay qua các căn cứ của họ ở châu Âu, mà đây là các căn cứ quân sự lớn, bao gồm cả những căn cứ với vũ khí hạt nhân công suất thấp. Theo ông Lavrov, điều này cũng vi phạm nội dung của hiệp ước, và Nga sẽ yêu cầu các thành viên khác nên chứng nhận rằng họ sẽ không chuyển giao dữ liệu và sẽ không tuân thủ các yêu cầu của Mỹ về cấm các chuyến bay của Nga.
Trước đây, nhiều nước đồng minh của Hoa Kỳ đã không ủng hộ việc Mỹ rút khỏi hiệp ước Bầu trời mở. Chỉ có Ba Lan và Gruzia bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định này, còn Anh đã nói rằng, họ hiểu ý định của Mỹ. Và bây giờ các nước đồng minh cũng không vội vàng đưa ra các cam kết bổ sung. Như Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã nói trước đó, "cuộc trò chuyện về chủ đề này vẫn chưa kết thúc".
"Chúng tôi tiếp tục phân tích tình hình để suy nghĩ về những bước trả đũa có thể xảy ra", ông nói thêm.
Đồng thời, Matxcơva không giấu giếm rằng, Nga cũng có những lo ngại về cách các nước khác thực hiện hiệp ước, mặc dù Matxcơva tin rằng, tất cả các yêu sách lẫn nhau có thể và cần phải được giải quyết thông qua đối thoại trong khuôn khổ một cơ quan đặc biệt - ủy ban cố vấn. Ngoài các yêu sách phi pháp của Hoa Kỳ liên quan đến hạn chế phạm vi các chuyến bay trên quần đảo Aleutian và Hawaii, các hạn chế về độ cao bay của máy bay quan sát và việc hủy bỏ các điểm dừng chân của phi hành đoàn trên lãnh thổ Mỹ, Matxcơva còn có một số câu hỏi với các bên khác tham gia Hiệp ước.
Liên bang Nga nhấn mạnh rằng kể từ năm 2002, Pháp vẫn chưa cung cấp thông tin về quy trình quan sát các vùng lãnh thổ xa xôi, đó là lý do tại sao các chuyến bay giám sát trong các khu vực này không thể thực hiện được. Vương quốc Anh cũng không khuyến khích các chuyến bay trên các khu vực xa xôi, áp đặt các hạn chế về độ cao không được quy định trong hiệp ước. Những hạn chế như vậy không cho phép sử dụng các loại máy bay quan sát của Nga đã được các bên chứng nhận, tức là các thiết bị hiện đại được lắp đặt trên chúng.
Matxcơva có thể đưa ra những yêu sách tương tự với Ottawa vì Canada không tuân thủ các thời hạn và thủ tục được thiết lập để cấp thị thực cho nhân viên, còn Ba Lan đã áp đặt các lệnh cấm hoặc hạn chế đối với các chuyến bay trên một số khu vực, mà điều đó vi phạm các quy định của Hiệp ước và khuyến nghị của ICAO.
Tại sao Biden không thể cứu vãn Hiệp ước?
Theo các chuyên gia, ứng cử viên tổng thống Joe Biden, mà xét theo quá trình kiểm phiếu người này sẽ trở thành tân Tổng thổng thống Mỹ, sẽ không quay lại chủ đề về Hiệp ước Bầu trời mở.
Một mặt, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử sẽ diễn ra vào ngày 20-1 của năm tiếp theo, tức là sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước, và nếu ai đó muốn quay trở lại thỏa thuận này thì cần phải bắt đầu toàn bộ quá trình đàm phán từ đầu. Mặt khác, Mỹ không bao giờ quay trở lại sau khi rời khỏi các cơ chế như vậy.
"Việc Hoa Kỳ quay trở lại Hiệp ước Bầu trời mở là cực kỳ khó xảy ra, bởi vì để làm như vậy phải yêu cầu Thượng viện phê chuẩn một lần nữa, mà Thượng viện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa, vì thế điều này không thể xảy ra. Nói chung, trong mấy thập kỷ gần đây, thực tiễn đã cho thấy rõ rằng, nếu Mỹ rút khỏi một hiệp ước nào đó về kiểm soát vũ khí thì họ không bao giờ quay trở lại”, - chuyên gia Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Châu Âu và Quốc tế thuộc Học viện Kinh tế Cao đẳng Nga, nói với Sputnik.
Trong khi đó, Hiệp ước Bầu trời mở vẫn tiếp tục hoạt động. Sau thời gian gián đoạn do đại dịch coronavirus, các quốc gia đang nối lại các chuyến bay. Kể từ tháng 7, Nga đã thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của Đan Mạch, Pháp, Cộng hòa Séc, Hungary, Phần Lan, Đức, đặc biệt là Berlin đã cho phép Nga bay qua căn cứ Ramstein, căn cứ lớn nhất của Mỹ ở châu Âu. Về phần mình, Pháp, Đức và Romania đã thực hiện các chuyến bay giám sát trên lãnh thổ Nga.
Ông Andrei Baklitsky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Euro-Đại Tây Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại MGIMO, nhận xét rằng, bất chấp những rủi ro và bất ổn do việc Mỹ rời khỏi Hiệp ước, Matxcơva vẫn có lợi hơn nếu duy trì thỏa thuận này. Thứ nhất, các căn cứ quân sự trên lãnh thổ châu Âu gần biên giới của Liên bang Nga là một nguyên nhân gây sự lo ngại lớn. Thứ hai, hiệp ước này cho phép giải quyết một số vấn đề an ninh của châu Âu qua đường liên lạc với các nước thành viên NATO, trong khi đối thoại và hợp tác với liên minh này đã giảm mạnh gần như bằng không, ông Baklitsky giải thích.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết vào năm 1992 đã trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước có hiệu lực từ năm 2002 cho phép các quốc gia tham gia ký kết thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau để thu thập dữ liệu về lực lượng và hoạt động quân sự của nhau. Cho đến gần đây đã có 34 quốc gia là thành viên của Hiệp ước.