Người đầu tiên sử dụng máy in 3D trong việc tạo ra bộ sưu tập là nhà thiết kế người Hà Lan Iris van Herpen. Tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế ở Amsterdam, nhà thiết kế đã giới thiệu tác phẩm đầu tiên của mình được tạo ra hoàn toàn bằng công nghệ in 3D. Đó là mẫu thiết kế màu trắng Crystallization làm bằng polyamide. Sự kiện này đã xảy ra 10 năm trước.
“Lý do chính tại sao công nghệ này chưa trở thành xu hướng chủ đạo là bởi vì công nghệ in 3D thuộc về một trật tự công nghiệp mới, do đó, để đưa nó vào một ngành công nghiệp trưởng thành như ngành dệt may, cần phải tạo ra các cơ sở sản xuất mới, phải có các nhân viên với kỹ năng nhất định, phải có các công nghệ và vật liệu mới”, - ông Vladimir Bobrov, đại diện của cơ quan phân tích thị trường công nghệ 3D, nói với Sputnik.
Mặc dù đã có những ví dụ về việc sản xuất quần áo bằng cách sử dụng công nghệ in 3D, nhưng, cho đến nay đó là những mặt hàng độc quyền khiến những người yêu thích thời trang công nghệ cao phải trả giá đắt.
Đặc điểm thời trang được tạo ra từ công nghệ in 3D
Điểm cộng quan trọng nhất của thời trang như vậy là khả năng tạo ra những mẫu quần áo phù hợp với mỗi người.
Vladimir Bobrov giải thích: “Như thể bạn đang mặc quần áo được may riêng biệt cho từng khách hàng, được làm nên bởi thợ may giỏi nhất hành tinh”.
“Một tính năng thú vị khác là việc bổ sung chiều thứ ba. Vải thông thường là hai chiều, do đó, khi làm việc với nó, chúng tôi chỉ thao tác với chiều rộng và chiều dài. In 3D cho phép sử dụng thêm chiều thứ ba - chiều cao, điều đó cung cấp khả năng tạo ra quần áo có những chức năng mới: quần áo cách nhiệt hoặc bảo vệ khỏi chấn thương”, - ông Bobrov giải thích.
Điểm cộng quan trọng thứ hai là tính thân thiện với môi trường của thời trang in 3D.
“Công nghệ in 3D sử dụng vật liệu chỉ khi cần thiết để tạo nên những bộ quần áo vừa với kích cỡ từng người. Và các sản phẩm in 3D có thể được tái chế. Trong khi đó, theo báo cáo của McKinsey, tính trung bình, người tiêu dùng vứt bỏ 60% quần áo của họ trong năm đầu tiên sau khi sản xuất”, - chuyên gia lưu ý.
Một nhà thiết kế người Hà Lan khác, cô Anouk Wipprecht tạo ra những sản phẩm quần áo thời trang không chỉ mang tính cá nhân mà còn có những chức năng hữu ích. Chiếc váy Proximity của cô được thiết kế để cách ly giao tiếp xã hội. Chiếc váy sử dụng cảm biến tiệm cận và nhiệt để phát hiện sự xâm phạm không gian cá nhân, trong trường hợp này đường viền của chiếc váy mở rộng bằng cách sử dụng các thiết bị đặc biệt được in 3D.
Vào năm 2016, một bộ sưu tập váy biến hình đã được tạo ra ở Anh, dựa trên công nghệ Modeclix. Công nghệ này sử dụng loại vải có hình dáng như nhiều móc khóa ghép lại với nhau cho phép chúng có thể tách ra và hợp lại thành trang phục mới.
Cô Danit Peleg, một nhà thiết kế Israel, là người đầu tiên tạo ra bộ sưu tập quần áo mà không sử dụng bất cứ loại máy móc công nghiệp nào, chỉ dùng chiếc máy in. Các chi tiết của quần áo đã được in lên những tờ A4, sau đó được dán lại với nhau.
Gerard Rubio, người Tây Ban Nha, đã chế tạo máy in OpenKnit có thể đan một chiếc áo len chỉ trong một giờ. Nền tảng dệt kim và phần mềm đặc biệt cho phép bạn tạo ra quần áo tại nhà. Nhà thiết kế người Tây Ban Nha bán thiết bị của mình với giá 550 euro.
Nga cũng đang phát triển công nghệ in 3D
Gần đây, các chuyên gia Nga từ Trung tâm Kỹ thuật về Vật liệu Sáng tạo và Công nghệ Công nghiệp Nhẹ của Đại học Quốc gia Nga đã phát triển phương pháp khắc laser trên vải có sử dụng công nghệ in 3D. Kết quả là, "vải 3D" có một số thông số như vải dệt thông thường và cho phép tạo ra những mẫu quần áo quen thuộc hơn. Tuy nhiên, giá thành của các sản phẩm này có sự khác biệt đáng kể. Giá thành của một mẫu vải 10 × 10 cm được in FDM là 60–70 rúp (18.000-21.000 đồng), và nếu sử dụng công nghệ khắc laser - 5.000 rúp (1,5 triệu đồng).
Công nghệ in 3D trở nên rất phổ biến trong các nhà sản xuất giày
Ví dụ, dự án Native Shoes của Canada có thể tạo ra toàn bộ đôi giày trên máy in chứ không phải bằng các bộ phận riêng lẻ. Bản thân quy trình in 3D bao gồm việc nạp nhựa lỏng vào hộp chứa gel để sản xuất giày dần dần, từ đế đến phần trên.
Hầu hết các vật liệu để tạo giày dép in 3D được làm từ các nguyên tố tái chế.
Các thương hiệu nổi tiếng dùng công nghệ in 3D
Mẫu giày thể thao được sản xuất hàng loạt đầu tiên của Adidas với đế in 3D - Futurecraft 4D – đã được sản xuất vào cuối năm 2016. Vào tháng 10, công ty đã ra mắt nguyên mẫu đôi giày chạy bộ Futurecraft STRUNG với đế ngoài được in 3D và phần trên bằng vải dệt nhẹ.
Futurecraft STRUNG cũng có thể tối ưu hóa theo bàn chân của người dùng để từ đó giúp họ chạy nhanh, ổn định hơn. Mẫu đôi giày này sẽ được đưa vào sản xuất vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Vào tháng 11, công ty cũng đã giới thiệu bộ sưu tập Cyberpunk 2077 với thiết kế đế giữa tiên tiến. Và New Balance và Superfeet cũng bắt đầu sử dụng công nghệ in 3D để tạo lót giày.