Từ hải chiến Trường Sa, thảm sát Gạc Ma, vụ hạ giàn khoan Hải Dương 981, cho đến thực tế quan hệ kinh tế với Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng chính điều đó lại mang đến cho Việt Nam nguồn lực mạnh mẽ để chống lại sự độc đoán, bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và khu vực.
Tuy vậy, có thể khẳng định, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất “hoà bình, tự vệ”, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hoà bình. Không đi với nước này chống nước khác. Không có nước nào có thể buộc Việt Nam phải chọn bên.
Quân đội của Việt Nam nỗ lực hiện đại hóa như thế nào?
Lực lượng vũ trang của Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài kể từ những năm sau Chiến tranh Việt Nam.
Hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam, vấn đề mang tính chiến lược nhằm bảo vệ an ninh, quốc phòng, Tổ quốc, là một trong những mục tiêu theo đuổi của Chính phủ Việt Nam trong thời đại mới.
Quá trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam được xem xét trên các mảng đổi mới phương thức huấn luyện, tăng cường quản lý chặt chẽ, mua sắm và chế tạo các loại vũ khí trang bị mới. Đáng chú ý, tinh hoa công nghiệp quốc phòng Việt Nam những năm qua đã ghi nhận nhiều thành tích đáng khích lệ.
Tạp chí The Diplomat vừa có bài bình luận gây chú ý về những nỗ lực hiện đại hóa Quân đội của Việt Nam xuyên suốt chiều dài giai đoạn cách mạng, giải phóng dân tộc, đối mặt với thế lực đe dọa an ninh quốc gia cho đến những thách thức “phi truyền thống” ngày nay.
Tác giả bài viết hiểu về những nỗ lực hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam là nhà nghiên cứu Bich T. Tran (Trần Thị Bích), nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Antwerp (Bỉ) và là nhà Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Toàn cầu, Kyoto, Nhật Bản.
Từ năm 2003 đến năm 2018, chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng khoảng 687%. Mặc dù vậy, theo The Diplomat, bản thân con số này, tuy ấn tượng, không phản ánh toàn bộ vấn đề việc Việt Nam đã biến quân đội từ một lực lượng thiện chiến nhưng còn thô sơ, thiếu kỹ thuật thời Chiến tranh Việt Nam thành một quân đội tương đối hiện đại và có năng lực chiến đấu mạnh mẽ như thế nào.
“Hạt giống” chương trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam đã được gieo trồng ngay sau khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập vào năm 1976, khi đất nước phải đối mặt với sự hung hăng, dã tâm xâm lược từ người láng giềng phương Bắc - Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Sự kiện lịch sử khó quên, theo tác giả Tran T. Bich của The Diplomat, vào tháng 2 năm 1979, Bắc Kinh đã điều hàng trăm nghìn quân đến biên giới phía bắc của Việt Nam, sau khi Hà Nội lật đổ chế độ Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn ở Campuchia một tháng trước đó. Cuộc chiến ngắn ngủi nhưng tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người, trong đó có vô số thường dân.
Khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới để cải cách và mở cửa nền kinh tế vào năm 1986, các nhà lãnh đạo của đất nước đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường an ninh biên giới và hiện đại hóa quân đội.
“Họ có nguyện vọng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thành lực lượng chính quy, tổ chức hợp lý, cân đối, tinh gọn, vững mạnh để bảo vệ chủ quyền quốc gia toàn dân, giữ vững an ninh biên giới, vùng trời, hải đảo và vùng biển xung quanh”, nhà phân tích của The Diplomat chỉ rõ.
Trên thực tế, Bộ Quốc phòng nước Việt Nam xác định Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, có nguồn gốc từ nhân dân, có mục tiêu là chiến đấu vì nhân dân sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Do đó, tất cả quá trình chiến đấu, làm việc phải thực sự gắn bó máu thịt với nhân dân.
Phương châm thực hiện được Bộ Quốc phòng Việt Nam xác định là xây dựng Quân đội là một lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng.
Việt Nam đặt mục tiêu hiện đại hóa quân đội trước mối đe dọa từ Trung Quốc?
Tuy nhiên, chi phí liên quan đến việc giải ngũ các lực lượng vũ trang Việt Nam và việc mất đi hỗ trợ quân sự từ Liên Xô vào cuối thời Chiến tranh Lạnh, đã khiến ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam bị cắt giảm đáng kể, từ 1,31 tỷ USD năm 1987 xuống còn 431 triệu USD năm 1994.
Vào thời điểm đó, tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm một số điểm ở quần đảo Trường Sa từ Việt Nam, và đỉnh điểm là cuộc đụng độ khiến 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh đầy đau thương.
Đó chính là sự kiện trận Gạc Ma khi phía Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa và binh lính tấn công, xâm chiếm cụm đá Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (quần đảo Trường Sa), bắn chìm 2 tàu vận tải HQ. 604, HQ. 605, thảm sát 64 chiến sĩ, chiếm trái phép bãi đá Gạc Ma của Việt Nam, theo tư liệu lịch sử ghi lại.
The Diplomat Năm 1991, các nhà lãnh đạo Việt Nam thừa nhận rằng năng lực chung của các lực lượng vũ trang chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình đất nước, cần phải được nâng cao và cải thiện nhiều hơn nữa. Chẳng hạn như sức mạnh chiến đấu của quân đội, trình độ, tinh thần sẵn sàng chiến đấu và chất lượng huấn luyện của một số đơn vị còn thấp.
“Một lần nữa, Việt Nam đặt mục tiêu hiện đại hóa quân đội với bảo vệ lợi ích quốc gia, đặc biệt là trước một Trung Quốc ngày càng giàu có và hùng mạnh”, bài viết nêu rõ.
Tất nhiên, mong muốn bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia dân tộc trước các mối đe dọa mang tính truyền thống như Trung Quốc là điều hoàn toàn dễ hiểu. Quốc phòng Việt Nam luôn mang tính “tự vệ”, tự chủ, tự cường. Việt Nam đủ thông minh và khôn khéo để lựa chọn chiến lược trung hòa các mối quan hệ quốc tế với lập trường kiên định “không đi với nước này chống nước kia”.
Vũ khí Nga vẫn là lựa chọn đáng tin cậy của Việt Nam
Nhấn mạnh chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, với chiến lược khôn khéo, Việt Nam lần đầu tiên đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc bằng cách bắt đầu một chương trình khiêm tốn nhằm cải thiện lực lượng hải quân và không quân vào giữa những năm 1990.
Từ năm 1995 đến 1999, Hà Nội đã đặt mua 6 máy bay chiến đấu, 6 máy bay chiến đấu /cường kích mặt đất và 40 tên lửa chống hạm.
Tuy nhiên, phải đến năm 2001, các nhà lãnh đạo Việt Nam mới quyết định đầu tư thích đáng vào ngành công nghiệp quốc phòng và trang bị công nghệ hiện đại cho quân đội.
Từ năm 2001 đến 2005, Việt Nam đã trang bị cho Quân đội nhân dân kho vũ khí bao gồm 2 hệ thống tên lửa đất đối không (SAM), 75 tên lửa SAM, 50 tên lửa SAM di động, 50 tên lửa không đối không tầm ngắn, 100 tên lửa đất đối không, 270 tên lửa chống hạm, hai tàu tuần tra, bốn máy bay chiến đấu/tấn công mặt đất và 8 tàu tấn công nhanh.
Điều đáng nói là tất cả những khí tài hiện đại này Việt Nam đều mua từ đối tác Nga, minh chứng cho sự gắn bó lâu dài giữa Hà Nội và Moskva trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ngoài ra, cũng theo The Diplomat, Việt Nam đã mua hai máy bay tuần tra hàng hải từ Ba Lan và 13 máy bay chiến đấu/tấn công mặt đất từ Cộng hòa Séc và Ukraina.
Báo cáo chính trị năm 2006 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 9 trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X của Đảng mong muốn đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực.
Quy hoạch kéo theo phát triển hệ thống cảng biển, giao thông vận tải biển, khai thác và chế biến các sản phẩm dầu khí, hải sản và dịch vụ biển. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần xây dựng và thực hiện một chiến lược toàn diện cả về phát triển kinh tế và đảm bảo kiểm soát các khu vực biển xung quanh.
Từ năm 2006 đến năm 2010, Việt Nam đã tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng từ 1,28 tỷ USD lên 2,67 tỷ USD. Khả năng phòng thủ cũng được củng cố bằng cách mua hai hệ thống phòng thủ bờ biển, 5 hệ thống SAM, 200 tên lửa chống hạm, 200 rocket và bom dẫn đường, 160 ngư lôi, 6 tàu tuần tra, 6 tàu ngầm và 20 máy bay chiến đấu/tấn công mặt đất.
Đáng chú ý, sau khi Trung Quốc công bố bản đồ thể hiện cái gọi là “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) vào công hàm gửi Liên hợp quốc vào tháng 5/2009, Hà Nội đã ký hợp đồng trị giá 2 tỷ USD với Liên Bang Nga để mua 6 tàu ngầm lớp Kilo.
Những tàu ngầm tối tân này, được cho là êm nhất thế giới, mang lại cho Việt Nam khả năng tiến hành loạt nhiệm vụ chống tàu ngầm, chống hạm và trinh sát tổng hợp cũng như các nhiệm vụ tuần tra biển phức tạp trong tình hình mới.
“Vào thời điểm đưa vào biên chế chiếc tàu ngầm cuối cùng trong số 6 tàu ngầm vào tháng 1/2017, Việt Nam là nước sở hữu hạm đội tàu ngầm hiện đại nhất Đông Nam Á. Hà Nội cũng trang bị cho các tàu Kilo của mình tên lửa hành trình siêu thanh 3M-14E Klub của Nga, có khả năng tấn công đất liền Trung Quốc”, The Diplomat cho biết.
Kể từ đó, sức mạnh hải quân là trọng tâm ưu tiên trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam.
Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng vào năm 2011, các nhà lãnh đạo đã cam kết đảm bảo các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, “trước hết là cho hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh và tình báo”.
Từ năm 2011 đến 2015, Hà Nội đã bổ sung vào kho vũ khí của mình 2 khinh hạm, 4 tàu tuần tiễu, 4 hệ thống tìm kiếm trên không, 30 radar tìm kiếm trên không, 12 máy bay FGA, 5 hệ thống SAM và 30 tên lửa chống hạm, cùng các hoạt động mua lại khác.
Giai đoạn này cũng đồng thời với sự gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo quy mô lớn và quân sự hóa một số khu vực ở quần đảo Trường Sa.
Bắc Kinh cũng đã triển khai nhiều loại tên lửa và khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo của mình, có thể được sử dụng để ngăn các nước khác tiếp cận các vùng hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hơn nữa, vào tháng 5 năm 2014, Bắc Kinh đã triển khai một giàn khoan dầu trong vùng biển tranh chấp cách bờ biển Việt Nam khoảng 222 km - vụ hạ giàn khoan Hải Dương- 981.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII năm 2016, các nhà lãnh đạo Việt Nam nêu rõ cần tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật cho Quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Sau sự cố giàn khoan dầu năm 2014, cũng có sự thay đổi trong chiến lược của Việt Nam. Bên cạnh các nỗ lực tự lực, tự cường, Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc phòng với các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước khác nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật và an ninh hàng hải.
Trong số các hạng mục lớn, có thể kể đến việc Hàn Quốc đã đồng ý chuyển giao một tàu hộ tống Pohang cho Việt Nam vào năm 2017, được bàn giao cho lực lượng Cảnh sát Biển vào năm sau.
Cảnh sát Biển Hoa Kỳ đã chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam vào tháng 5 năm 2017 và dự kiến giao chiếc thứ hai vào năm 2020.
Quan hệ kinh tế với Trung Quốc mang lại tiềm lực cho Quân đội Việt Nam
Tuy nhiên, theo The Diplomat, bất chấp những nỗ lực hiện đại hóa của Việt Nam, ngân sách quốc phòng của nước này vẫn chỉ bằng một phần nhỏ của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã chi 253,5 tỷ USD cho quân sự trong năm 2018, số tiền lớn gấp 44 lần so với con số 5,8 tỷ USD mà Việt Nam chi.
Mặc dù chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng gần 7 lần kể từ năm 2003, nhưng vẫn dao động khoảng 2,34% GDP và tương quan với GDP là 98,5%.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì theo Luật Ngân sách Nhà nước của Việt Nam, ngân sách quốc phòng được xác định trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội.
“Do sự phụ thuộc kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc, quá trình hiện đại hóa quân đội trong tương lai của Việt Nam nảy sinh một tình huống trớ trêu, khi mà quan hệ kinh tế với Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam – và chính điều đó lại mang đến cho Việt Nam nguồn lực để chống lại sự độc đoán, bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông”, chuyên gia của The Diplomat nhấn mạnh.
Không nước nào có thể bắt Việt Nam chọn phe
Trước đó, như đã đưa tin, năm 2019, Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố Sách Trắng Quốc phòng lần thứ tư mang tên “Quốc phòng Việt Nam 2019”.
Sách Trắng Quốc phòng khẳng định, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hoà bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hoà bình.
“Việt Nam chủ trương từng bước hiện đại hoá quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ”, Sách Trắng Quốc phòng nêu rõ.
Các nhà lãnh đạo đất nước khẳng định, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế theo phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn mở rộng quan hệ quốc phòng song phương với tất cả các quốc gia”.
Đặc biệt, Việt Nam chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Việt Nam kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố dưới mọi hình thức.
Với những chính sách nhất quán và rõ ràng nêu trong Sách Trắng Quốc phòng hay như khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam về nỗ lực hiện đại hóa quân đội, thực hiện chiến lược đối ngoại quốc phòng hợp lý, phát triển một Việt Nam hùng cường nhưng kiên quyết giữ vững nền độc lập của dân tộc.
Việt Nam đứng về phe chính nghĩa. Không đứng bên này để chống bên kia.
“Không ai và không nước nào có thể bắt Việt Nam phải chọn bên. Việt Nam vì thế giới. Việt Nam vì Việt Nam – vì Tổ quốc, dân tộc và nhân dân của mình”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.