Theo đó, Công an TP. HCM sẽ xác minh, xem xét xử lý hình sự sai phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm trong công tác phòng chống Covid-19. Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định, đây là vụ án rất đặc thù, hành vi thiếu ý thức dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm khắc.
Khởi tố vụ án hình sự lây lan dịch Covid-19 ở TP.HCM
Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống dịch Covid-19 làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng bị xem xét xử lý hình sự. Trước đó, đã hơn 88 ngày Việt Nam không hề ghi nhận ca lây nhiễm coronavirus trong cộng đồng.
Do đó, vụ việc của nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines làm lây lan cho 3 người trong những ngày qua vô cùng thu hút sự chú ý của dư luận.
Trưa 3/12, Công an TP. HCM đã tổ chức buổi họp báo công bố khởi tố vụ án Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS 2015.
Theo cơ quan điều tra, bước đầu nhận định, bệnh nhân 1342, nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, đã vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly, làm lây lan Covid-19 cho 3 người – hậu quả nghiêm trọng. Ngoài vi phạm quy định tại khu cách ly riêng của Vietnam Airlines, người này còn tiếp tục vi phạm quy định cách ly khi được cho về nhà.
Theo xác minh, bệnh nhân 1342 từ Nhật Bản nhập cảnh về Việt Nam ngày 14/11, được cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý ở số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, từ ngày 14 đến 18/11.
Theo quy định hiện hành, các thành viên thuộc từng tổ bay khi về nước phải cách ly, không được tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, nam tiếp viên này đã không chấp hành các quy định cách ly, tự ý đi sang khu cách ly khác, bị nhiễm bệnh từ một bệnh nhân thuộc một tổ bay về từ Rumani.
Sau hai lần có kết quả xét nghiệm âm tính, nam tiếp viên này được cho về cách ly tại nhà trọ ở đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình. Tại đây, người này đã không tuân thủ quy định, tiếp xúc gần với nam giáo viên 32 tuổi của trung tâm Anh ngữ Key English, gặp mẹ (ngụ huyện Hóc Môn), một phụ nữ (trú Bình Thạnh) và bạn nam (ở quận 6)...
Đến ngày 28/11, kết quả xét nghiệm của nam tiếp viên này cho dương tính với Covid-19. Ba người có tiếp xúc với bệnh nhân này được cách ly và xét nghiệm. Kết quả, giáo viên tiếng Anh dương tính Covid-19, trở thành bệnh nhân 1347.
Đến lượt mình, bệnh nhân 1347 cũng làm lây bệnh cho 2 trường hợp ở quận 6 gồm bé trai một tuổi (bệnh nhân 1348) và nữ học viên Trung tâm Anh ngữ Key English, 28 tuổi (bệnh nhân 1349).
Tính đến sáng 3/12, TP HCM không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19, ngoài 4 ca bệnh đã được công bố trước đó.
Hiện tại, ngành y tế đang tiếp tục điều tra truy vết, tìm kiếm tất cả những địa điểm đi lại và người có tiếp xúc với các bệnh nhân, tiến hành cách ly tập trung trường hợp tiếp xúc gần. Những địa bàn quận huyện có liên quan cũng đã được xác minh để triển khai phòng dịch.
Công an TP.HCM nói về việc khởi tố vụ án hình sự nam tiếp viên làm lây lan dịch Covid-19
Tại buổi họp báo, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho hay, trên cơ sở thông tin của Bộ Y tế về bệnh nhân 1342, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Công an TP.HCM đã tiến hành xác minh.
Đại tá Quang nhấn mạnh, trên cơ sở thực trạng vi phạm căn cứ quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Công an, lãnh đạo TP.HCM, Công an TP.HCM đã chỉ đạo cơ quan an ninh điều tra khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định pháp luật.
“Vụ việc vừa qua cho thấy sự chủ quan, thiếu ý thức, nhất là ý thức về mặt pháp luật và dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng nên cần phải xử lý rất nghiêm khắc”, Phó Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định.
“Khi nào khởi tố bị can, ai là bị can trong vụ án? Câu hỏi này sẽ được trả lời sau thời gian điều tra”, vị lãnh đạo nói.
Ông Quang cũng cho biết, sau khi khởi tố hình sự, cơ quan an ninh sẽ điều tra, toàn diện, khách quan để xác định tổ chức, cá nhân liên quan. Do đây là vụ án rất đặc thù, trong đó có một số người có liên quan đang cách ly nên cần phải tuân thủ quy định công tác phòng chống dịch.
“Sau một vụ án hình sự chúng ta sẽ rút ra nhiều vấn đề, cơ quan điều tra xác định, có thể phát hiện các lỗ hổng trong hành lang pháp lý thì sẽ đề xuất cơ quan chức năng. Vụ này cũng như thế, cơ quan điều tra thấy trong quá trình cách ly, quá trình phòng chống dịch có điều gì cần quan tâm điều chỉnh thì cơ quan điều tra sẽ kiến nghị cơ quan chức năng”, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhấn mạnh.
Cùng với đó, trả lời báo chí, Đại tá Quang cũng cho hay, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM không gặp bất kỳ áp lực nào khi khởi tố vụ án. Bởi chúng ta đều thấy, hành vi vi phạm tuy đơn giản nhưng gây hậu quả lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, đến nỗ lực phòng chống dịch của cả thành phố.
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định thế nào?
Theo điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015 của Việt Nam, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định như sau, người nào có một trong các hành vi sau đây làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Đó là các hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người hay có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Đối với hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
TP.HCM đã xét nghiệm 2.244 người liên quan 4 ca Covid-19
Sáng nay 3/12, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM thông tin cho biết, đến nay thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm 2.244 người liên quan đến 4 ca dương tính Covid-19.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Nên đưa ra tại Hội nghị cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết thành phố tổ chức hội nghị trong bối cảnh vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường trong điều kiện ‘’bình thường mới’’ theo chỉ đạo của các cơ quan trung ương.
Ông Nên cho hay, theo báo cáo, tính đến sáng 3/12, cơ quan chức năng thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm đối với 2.244 người có liên quan đến 4 ca bệnh dương tính với Covid-19 trên địa bàn (các bệnh nhân 1342, 1347, 1348, 1349). Trong số đó, có 1.632 người có kết quả âm tính, 612 người vẫn đang chờ kết quả (trong đó có 11 ca F1).
Theo ông Nên, việc quan trọng nhất lúc này là tập trung toàn lực khoanh vùng, truy vết và quyết liệt thực hiện các xét nghiệm để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan ra cộng đồng.
Tính đến thời điểm này, 4 ca mắc coronavirus ở TP.HCM gồm có: Bệnh nhân 1342, là nam, 28 tuổi, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, trú tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Bệnh nhân 1347, là nam, 32 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại trung tâm Anh ngữ Key English và là bạn của bệnh nhân 1342.
Bệnh nhân 1348, là nam, 1 tuổi, có địa chỉ tại quận 6, TP.HCM. Bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân 1347. Bệnh nhân 1349, là nữ, 28 tuổi, học viên tiếng Anh, trú tại quận 6, TP.HCM. Bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân 1347.
Trách nhiệm của các bên trong vụ việc làm lây lan Covid-19 ra cộng đồng ở TP.HCM
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chỉ vì không nghiêm túc thực hiện các quy định về cách ly phòng chống Covid-19, bệnh nhân 1342 đã làm lây bệnh cho chính mình và cho người khác. Vi phạm của bệnh nhân 1342 được đánh giá là rất nghiêm trọng.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng quy trình cách ly làm lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ra quyết định tạm đình chỉ công việc với ông D.T.H (bệnh nhân 1342) để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải. Quyết định nêu rõ rằng những vi phạm trong việc cách ly y tế phòng ngừa Covid-19 của tiếp viên này đã “gây hậu quả nghiêm trọng”.
Dựa theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản phòng chống Covid-19 hiện hành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân về phòng chống Covid-19 trước vụ việc làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng lần này.
Đầu tiên, bệnh nhân 1342 đã lây nhiễm Covid-19 trong khu cách ly tập trung do có tiếp xúc với một bệnh nhân khác. Điều này là trái với quy định, khi đang cách ly y tế các cá nhân không được tiếp xúc với người khác.
Trước đó, toàn bộ thành viên cùng chuyến bay và tổ bay với bệnh nhân 1342 trong khu cách ly không có ca nào dương tính. Tuy nhiên, khi đang cách ly tập trung, bệnh nhân này đã tự ý đi lại, tiếp xúc với bệnh nhân 1325 và bị lây bệnh. Đây là trường hợp đầu tiên lây trong khu cách ly.
Tiếp theo, khi được cho về cách ly tại nhà, bệnh nhân 1342 cũng không tuân thủ các quy định cách ly tại hộ gia đình, bao gồm không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, không tụ tập tại nơi cách ly, giữ khoảng cách 2m với người tiếp xúc và phải đeo khẩu trang. Từ đó, bệnh nhân 1342 đã làm lây bệnh cho bệnh nhân 1347. Vi phạm của bệnh nhân 1342 là rất nghiêm trọng.
Thứ hai là sai phạm tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý. Khu cách ly đã không đáp ứng việc tuân thủ các quy định tại khu cách ly y tế phòng chống Covid-19 tại cơ sở cách ly tập trung.
Theo hướng dẫn đã ban hành của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, khi phát hiện 1 trường hợp dương tính thì đối tượng tiếp xúc phải được cách ly tập trung 14 ngày.
Tuy nhiên, bệnh nhân 1342 sau khi tiếp xúc với bệnh nhân 1325 vẫn được cho về cách ly tại nhà. Đây cũng là vi phạm hết sức nghiêm trọng. Khu cách ly của Vietnam Airlines đã không thực hiện đúng các quy định về quản lý kiểm tra, giám sát cơ sở cách ly y tế tập trung dành cho tổ bay và các tiếp viên.
Thứ ba, người quản lý khu nhà trọ mà bệnh nhân 1342 sống trong thời gian cách ly (phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) đã không tuân thủ các quy định về giám sát thực hiện cách ly y tế tại nhà. Theo quy định, chủ cơ sở nhà trọ phải có trách nhiệm thông báo cho các hộ gia đình, người lưu trú tại nơi ở, nơi cư trú có người được cách ly về thông tin của người được cách ly, để mọi người biết, phối hợp thực hiện và tham gia giám sát...
Thứ tư là trách nhiệm của chính quyền địa phương, UBND quận Tân Bình, UBND phường 2, quận Tân Bình, do đã thực hiện chưa nghiêm túc trách nhiệm của mình theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống Covid-19. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng có trách nhiệm liên đới do đã buông lỏng việc kiểm tra giám sát này.
Từ các phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất với Chính phủ có hình thức xử lý phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của bệnh nhân 1342 và các trường hợp có liên quan, do đây là trường hợp cố tình vi phạm để lây nhiễm Covid-19 cho người khác.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các cấp các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 tại khu cách ly. Tất cả các văn bản liên quan hướng dẫn về cách ly phòng chống covid-19 hiện nay đều rất cụ thể và đầy đủ các trường hợp.
Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều qua ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trong vụ việc nghiêm trọng lần này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cá nhân khi người này đã không tuân thủ quy định về cách ly, chủ quan từ việc xét nghiệm âm tính 2 lần.
Với tư cách là cơ quan chủ quản chính, Vietnam Airlines và đơn vị quản lý tiếp viên đó cũng có trách nhiệm trong vụ việc. Hiện tại, Vietnam Airlines đã đình chỉ cơ sở cách ly và tiếp viên (bệnh nhân 1342). Hãng hàng không này đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức dựa trên mức độ sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Tôi cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của cả đất nước trong suốt thời gian vừa qua. Còn trách nhiệm về hành chính thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc này”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh dịch lây lan trở lại ra cộng đồng, đã có hàng nghìn sinh viên của nhiều trường Đại học trên địa bàn TPHCM được cho nghỉ học. Những quán cà phê, phòng tập gym, các địa điểm mà 2 bệnh nhân trên đi đến phải đóng cửa, nhiều hoạt động khác bị đình trệ.
Trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhiều lần cảnh báo, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào Việt Nam vẫn rất lớn, rất hiện hữu, đặc biệt là thời điểm Đông Xuân này.
Đáng nói, vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại TPHCM chỉ sau hơn một tuần Bộ Y tế phát đi cảnh báo đến tất cả các địa phương, yêu cầu nghiêm túc khi tiến hành thực hiện cách ly.
“Chúng tôi cũng đã xác định có thể sẽ có lây nhiễm từ người cách ly ra cộng đồng và chúng ta phải đối mặt với việc này, phải có phương án nhanh và thần tốc nhất. Cảnh báo đưa ra để tất cả người dân, cơ quan, tổ chức... phải nêu cao tinh thần không lơ là, không chủ quan, không mất cảnh giác với Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Vụ việc lần này bài học kinh nghiệm cho tất cả các cơ quan, cơ sở, cá nhân trong việc công tác phòng chống Covid-19. Tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới.