Bàn công tác nhân sự Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, khi bỏ phiếu biểu quyết, phải “đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc lên trên hết”, lựa chọn kỹ, thẳng thắn trách nhiệm và tạo được sự đoàn kết.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu các Ủy viên Trung ương Đảng góp ý để hoàn chỉnh dự thảo Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử Đại hội XIII của Đảng.
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14
Sáng 14/12, Hội nghị Trung ương lần thứ 14 vừa chính thức khai mạc tại Hà Nội. ciệc Ban Chấp hành Trung ương tiến hành Hội nghị lần thứ 14 lần này là nhằm để thảo luận những vấn đề cuối cùng liên quan đến việc tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội Đảng 13).
Theo chương trình dự kiến, Hội nghị Trung ương thứ 14 này sẽ diễn ra từ ngày 14 -20/12/2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.
Theo chương trình Nghị sự được công bố, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ bàn về các vấn đề như “Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”, “xem xét, thông qua nội dung các dự thảo văn kiện, hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng”.
Cùng với đó, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương của Việt Nam cũng sẽ giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới (Khóa XIII), thông qua Dự thảo Quy chế bầu cử, Quy chế làm việc tại Đại hội XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị sáng nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điểm lại, thời gian qua, trong không khí cả nước náo nức thi đua để tiến tới Đại hội XIII của Đảng, vừa qua, Việt Nam đã “tổ chức rất thành công” Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ khoá XII, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.
Ngoài ra, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số sự kiện chính trị quan trọng khác cũng đã thành công tốt đẹp, từ đó, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Hội nghị lần này có ý nghĩa “đặc biệt quan trọng”, bàn nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội 13 của Đảng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Trung ương lần thứ 14, người đứng đầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư khẳng định, đây là một trong những hội nghị cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XII bàn nhiều nội dung “cơ bản và hệ trọng”.
Cùng với đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề cập nhiều vấn đề cần tập trung thảo luận, xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 này.
Việt Nam giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới
Như thường lệ, một trong những vấn đề quan trọng và được quan tâm nhất của Hội nghị Trung ương 14 là bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Phát biểu khai mạc Hội nghị hôm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, thực hiện phương hướng công tác nhân sự, tại Hội nghị Trung ương 13 (tháng 10/2020), Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự tham gia ủy viên Trung ương chính thức, ủy viên Trung ương dự khuyết và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 13 kết thúc, căn cứ vào Kế hoạch xây dựng phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến phát hiện, giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, thẩm định của các cơ quan chức năng và đề xuất của Tiểu ban Nhân sự.
Đến ngày, ngày 20/11/2020, Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tham khảo công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số khóa gần đây về tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, số lượng, cơ cấu, cách làm và những hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm được rút ra, làm cơ sở để xây dựng Đề án về phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
“Căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới và thực tế đội ngũ cán bộ hiện có, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách dân chủ, khách quan, toàn diện, rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra”, lãnh đạo Đảng và Nhà nước nêu rõ.
Phát biểu sáng nay tại Hội nghị Trung ương 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Cụ thể là về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình phát hiện, giới thiệu và cách làm. Ngoài ra, Trung ương cũng sẽ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Đặc biệt, như trong nhiều bài phát biểu với những lời “gan ruột” trước đây yêu cầu chú trọng công tác nhân sự, phải chọn được người có tài, có đức, không tham quyền tiếc vị, không có chủ nghĩa cá nhân, không để bị thoái hóa, tự “chuyển hóa”, “tự diễn biến”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị từng đại biểu “có trách nhiệm” và nghiêm túc với phiếu bầu nhân sự của mình.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu từng đồng chí Trung ương phải tập trung nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan, suy nghĩ cân nhắc thận trọng. Điều quan trọng nhất là phải “đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc lên trên hết”.
Để thực hiện tốt công tác nhân sự, trước hết, tất cả đều phải thảo luận thật kỹ, cho ý kiến một cách dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm – “không chịu sức ép từ một ai” - tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu quyết định giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Vấn đề hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam
Bên cạnh vấn đề nhân sự “quyết định sự sống còn của Đảng và chế độ”, thì vấn đề hoàn thiện các dự thảo văn kiện cũng được quan tâm hàng đầu. Vì như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “Văn kiện là văn bia, lưu lại mãi lịch sử về sau”, kết tinh tinh hoa, trí tuệ và sự sáng tạo của cả dân tộc, các tầng lớp nhân dân.
Về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, tính đến ngày 20/11 vừa qua, 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ các cấp. Trong đó, bao gồm cả đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cấp huyện, đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giai đoạn sau đó, từ ngày 20/10 đến ngày 10/11, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và gửi về Trung ương hàng trăm bản tổng hợp ý kiến góp ý – quý báu và tâm huyết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã nhiệt tình tham gia góp ý kiến, gửi thư, tài liệu cho các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thêm vào đó, ngay tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội.
Kết quả, theo người đứng đầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan chức năng của Trung ương đã tập hợp, tổng hợp, phân loại các ý kiến đóng góp từ hơn 1400 trang và xây dựng Báo cáo tổng hợp chung với gần 200 trang.
“Việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần thật sự cầu thị, dân chủ ngày càng cao trong Đảng, trong nhân dân và xã hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đồng thời, quá trình lấy ý kiến sâu rộng của các tầng lớp trong xã hội cũng giúp phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, hầu hết các ý kiến đánh giá, Dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, có sự đổi mới, bảo đảm chất lượng.
Các Tiểu ban Văn kiện và Ban Biên tập đã nỗ lực để các dự thảo văn kiên gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII cũng được nhận xét là có nhiều điểm mới, thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng, phản ánh khách quan, toàn diện, sát với tình hình thực tế những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Dự thảo cũng đồng thời đưa ra nhiều dự báo được tình hình, xu hướng phát triển của Việt Nam và thế giới trong thời gian tới, từ đó xác định đúng và trúng những định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, khá cụ thể để phát triển đất nước nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng, hướng tới các mục tiêu phát triển chiến lược dài lâu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, thông qua việc tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các ý kiến đóng góp, cập nhật tình hình trong nước, khu vực và thế giới năm 2020, dự báo tình hình thời gian tới, các Tiểu ban đã xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của toàn hệ thống chính trị và nhân dân để hoàn thiện dự thảo các văn kiện, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo hoàn chỉnh, trình Hội nghị Trung ương lần thứ 14 này.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào báo cáo tiếp thu, giải trình và toàn văn các dự thảo với tinh thần “thật sự cầu thị”, trân trọng các ý kiến đóng góp của toàn Đảng, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cùng với đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng yêu cầu tập trung cho ý kiến đối với các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và toàn văn Dự thảo các văn kiện, nhất là những vấn đề còn có ý kiến hoặc phương án lựa chọn khác nhau để tìm được giải pháp tối ưu.
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần tỏ rõ chính kiến và có lập luận sắc bén, xác đáng để phản bác những ý kiến sai trái, đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng.
Điều này, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, từ đó xem xét, thông qua nội dung các dự thảo văn kiện để hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng.
Về dự thảo Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử trình Đại hội XIII của Đảng
Một trong những vấn đề khác cần ưu tiên, thảo luận tại Hội nghị Trung ương 14 lần này liên quan đến vấn đề dự thảo Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử trình Đại hội 13.
Tổng Bí thư nhắc lại, theo quy định của Điều lệ Đảng, mỗi kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng đều phải xây dựng Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử.
“Việc ban hành và tổ chức thực hiện tốt các quy chế này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo đảm thành công của Đại hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Theo đó, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban và cơ quan của Trung ương Đảng nghiên cứu, rà soát lại Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử tại các kỳ Đại hội trước (từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng).
Từ đó, có tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế làm việc và Quy định về sinh hoạt của Đại biểu tại Đại hội (ở các Đại hội XI và XII) và đánh giá việc thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành, đã được thực hiện có kết quả tốt đẹp tại đại hội đảng bộ các cấp như vừa qua.
Dựa trên cơ sở này, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị xây dựng dự thảo Quy chế làm việc và dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội lần này và trình Trung ương xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh, trình Đại hội XIII xem xét, quyết định.
Đáng chú ý, phát biểu với các đại biểu, ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần chung là phải phát huy “dân chủ, trí tuệ, tâm huyết của mỗi đại biểu”.
Đồng thời phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc, các quy định, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, trách nhiệm của cá nhân mỗi đại biểu dự Đại hội, đặc biệt là vai trò nêu gương của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII và các đồng chí trưởng đoàn trong vai trò người đứng đầu.
Cùng với đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị các đồng chí Trung ương, trên cơ sở nắm chắc các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và thực tiễn chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp vừa qua, đặc biệt là kết quả thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử trình Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm thực hiện đúng Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Một điểm đáng chú ý nữa chính là tại Hội nghị lần này, Trung ương thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ khóa XII.
Ngoài ra, còn xem xét và cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, Báo cáo tổng kết thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII, và Báo cáo các công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 13 đến Hội nghị Trung ương 14.