Mặc dù đích thân Thẩm phán Trương Việt Toàn đã lên tiếng giải thích việc đi xuống bắt tay ông Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác là “thể hiện tình người”, tuy nhiên, theo các ĐBQH, cái bắt tay của ông Trương Việt Toàn với cựu Chủ tịch Hà Nội là “không hợp lệ và phản cảm”.
Cái bắt tay, vỗ vai gây tranh cãi của Thẩm phán Trương Việt Toàn với ông Nguyễn Đức Chung
Những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí truyền thông của Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP. Hà Nội, Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước của ông Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có hành vi gây tranh cãi khi xuống bắt tay và động viên các bị cáo.
Vụ án ông Nguyễn Đức Chung được xử kín, nên báo chí được phép vào tham dự và theo dõi phần công bố bản án.
Sau khi phiên xét xử kín kết thúc, Thẩm phán Trương Việt Toàn đã xuống khu vực của các bị cáo, vỗ vai, bắt tay, động viên ông Nguyễn Đức Chung và các đồng phạm trong vụ án này.
Hình ảnh “cái bắt tay, vỗ vai động viên” của Thẩm phán Trương Việt Toàn sau đó lan truyền rộng rãi trên Facebook, Youtube và các mạng xã hội của Việt Nam với rất nhiều luồng bình luận khác nhau.
Có người cho rằng, hành động “bắt tay, vỗ vai, động viên” của Thẩm phán Trương Việt Toàn là “điều bình thường”, thể hiện mối quan hệ giữa người với người – vì phạm nhân – cũng là con người – họ đã mắc sai lầm, nhận ra tội lỗi, và cần được sự cảm thông, thấu hiểu và thứ tha của cộng đồng. Do đó, sự động viên như Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP. Hà Nội thực hiện cũng là điều nhân văn, không có gì “to tát” cả.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, có nhiều bình luận gay gắt, cho rằng, hành động “nhạy cảm” của một Thẩm phán đối với ông Nguyễn Đức Chung – bị cáo trong vụ án này và ba đồng phạm còn lại làm mất đi ranh giới giữa người bảo vệ, thực hiện công lý và phạm nhân, làm giảm uy nghiêm nơi công đường xử án, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của những người làm tòa án hay công tác tố tụng. Đặc biệt, dễ gây hiểu nhầm chuyện công và tình cảm riêng tư.
Ông Trương Việt Toàn: Bị cáo hay thẩm phán cũng là con người
Trả lời báo chí về hành động bắt tay, vỗ vai “gây tranh cãi” dư luận, Thẩm phán Trương Việt Toàn đã lên tiếng lý giải cụ thể và khẳng định, điều này là hoàn toàn thể hiện tính nhân văn, đây cũng không phải lần đầu tiên ôn bắt tay, động viên các bị cáo.
Theo đó, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP. Hà Nội, trong cuộc chia sẻ với Vietnamnet lý giải vì sao ông bắt tay cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các bị cáo là vì “trên đường trở về văn phòng làm việc thì phải đi qua hàng của các bị cáo” và mọi việc diễn ra sau khi phiên xét xử đã kết thúc.
“Hôm đó, tuyên án xong, tôi đi về phòng làm việc của mình. Lúc đó, đương nhiên phải đi qua hàng bị cáo. Tôi xuống bắt tay các bị cáo khi phiên tòa đã kết thúc, HĐXX đã xong việc rồi, chứ có làm thế lúc đang xử đâu nên việc này có tính chất khác nhau, tùy thời điểm.”, Thẩm phán Trương Việt Toàn nêu rõ.
Phó Chánh Tòa Hình sự TAND Hà Nội khẳng định, khi đi qua bị cáo Nguyễn Đức Chung, ông Chung đưa tay ra bắt. Vì phép lịch sự, không lẽ không đáp lại cựu Chủ tịch Hà Nội? ông Toàn nêu vấn đề.
“Tuyên án xong là xong, ở góc độ nào đó, bị can, bị cáo cũng là con người, thẩm phán cũng là con người, không lẽ người ta giơ tay ra mình không bắt”, Thẩm phán Trương Việt Toàn nói.
“Thực ra, trong giây phút đó tôi cũng suy nghĩ rất nhanh. Sau khi chững lại một chút, cuối cùng, tôi quyết định bắt tay, vỗ vào vai bị cáo một cái và có lời động viên rằng, cố gắng cải tạo cho tốt. 5 năm mà anh cải tạo tốt thì cũng nhanh thôi”, vị Thẩm phán cho biết.
Chủ tọa phiên xét xử ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ chiếm đoạt tài liệu mật nhấn mạnh rằng, ở góc độ luật pháp, xét xử như vậy là nghiêm minh, xử đúng khung khoản, điều luật.
Đối với việc ông Nguyễn Đức Chung được cho là “giơ cao, đánh khẽ”, giảm nhẹ hình phạt xuống mức dưới khung, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đều được đánh giá đúng tính chất, mức độ của từng bị cáo và áp dụng mức án phù hợp.
Ông Toàn cũng khẳng định việc bắt tay, vỗ vai động viên, không chỉ với cựu Chủ tịch Hà Nội mà cả với những bị cáo khác trong vụ án.
Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.Hà Nội cũng cho biết, bản thân ông là một Thẩm phán, từng làm chủ tọa nhiều phiên tòa, đây không phải lần đầu tiên sau khi phiên xét xử kết thúc, ông xuống bắt tay, động viên các bị cáo.
Ông Toàn nói, trước đó, sau phiên xử Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank), thẩm phán Trương Việt Toàn cũng từng bắt tay, động viên bị cáo Thắm cải tạo tốt.
“Tôi nghĩ chuyện này diễn ra một cách bình thường. Thực ra điều đó đơn giản là thể hiện tình người với nhau thôi”, lời ông Toàn.
Thẩm phán Trương Việt Toàn cũng thông tin thêm rằng, tại tòa, sức khỏe ông Nguyễn Đức Chung bình thường, nhưng tinh thần tỏ ra hơi suy sụp.
Đồng thời, ông Chung khai báo thành khẩn, tỏ thái độ ăn năn hối cải. Ông cũng đã gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước và nhân dân.
ĐBQH nói gì về việc Thẩm phán Trương Việt Toàn bắt tay ông Chung?
Bàn về vấn đề này, ông Lê Thanh Vân, ĐBQH Đoàn Cà Mau có nhận định cho rằng, khi xét xử, Thẩm phán được nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì phải “vô tư khách quan”.
Theo đó, trong cuộc trao đổi với báo NLĐ, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh, trong vụ án hình sự này, thẩm phán và bị cáo, đương sự khi tiếp xúc cũng có quy định cụ thể theo nguyên tắc trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Vụ việc, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP. Hà Nội vỗ vai, bắt tay ông Nguyễn Đức Chung sau phiên xét xử, theo ông Lê Thanh Vân, nhiều người hiểu rằng phiên tòa xét xử kết thúc thì đây là “góc độ con người với con người”.
Bên cạnh đó, ĐBQH Lê Thanh Vân nói, là một người nắm công cụ pháp luật, ông Toàn đã chia sẻ, an ủi và tuyên truyền, giải thích thêm pháp luật trong việc xử lý đối với ông Nguyễn Đức Chung.
Mặc dù vậy, xét ở khía cạnh khác, dưới góc độ pháp lý tại Pháp đình, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, hành động của Thẩm phán Trương Việt Toàn là “không hợp lệ, không hợp pháp”.
“Bởi, vị trí của thẩm phán chủ tọa đang ngồi là phán quan khi đưa ra pháp luật cần xem xét tất cả các yếu tố của một vụ án dựa trên căn cứ pháp luật, chứ không dựa trên cảm xúc được”, Đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Lý giải thêm, ông Vân cho biết, một con người có rất nhiều vị thế trong xã hội, khi nào là bạn bè, người thân thì có thể ứng xử bằng tình cảm, đạo đức.
“Tuy nhiên, khi đang ngồi ở vị trí quan toà, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa thì đó là con người pháp lý. Phân ngôi rất rõ ràng, luật pháp bất vị thân, tuyệt đối không để tình cảm lấn át ý trí. Khi tòa án là nhân danh Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đưa ra bản án phải khách quan, vô tư không được chi phối tình cảm, cảm xúc cá nhân”, ĐBQH Lê Thanh Vân khẳng định.
Vị ĐB Đoàn Cà Mau cũng đánh giá, đây là bài học để các vị thẩm phán rút kinh nghiệm.
Đồng quan điểm với ông Lê Thanh Vân, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội), cho rằng hiện nay chưa có quy định nào về việc thẩm phán bắt tay với bị cáo, bị can.
Tuy nhiên việc chủ tọa quan tòa, vốn được coi là “cán cân” công lý, sau khi xét xử bị cáo thì cần phải công chính, nghiêm minh, vô tư, khách quan.
“Tôi cho rằng sau khi xét xử vụ án mà thẩm phán xuống bắt tay với bị cáo thì rất là phản cảm. Việc này chưa từng xảy ra tại một phiên toà”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Theo vị Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, nếu thẩm phán có tình cảm với một bị cáo thì có thể đến thăm tại trại giam để thể hiện tình cảm.
Tuy nhiên, việc này lại diễn ra giữa chốn “công đường” mà thể hiện thái độ niềm nở, thân mật với một bị cáo thì người dân có quyền nghi ngờ về tính công bằng, nghiêm minh, vô tư, khách quan của vụ án.
“Xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân”
Như đã thông tin trước đó, ngày 11/12, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung mức án 5 năm tù về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan vụ án Nhật Cường.
Bị cáo, Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, nguyên cán bộ Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an) bị Cơ quan An ninh Điều tra đề nghị truy tố về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” theo khoản 3, Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015 nhận mức án 4 năm 6 tháng tù.
Tài xế riêng của ông Nguyễn Đức Chung - Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, chuyên viên Phòng Thư ký biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Hà Nội) nhận mức án 24 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Anh Ngọc (thư ký riêng của ông Chung, sinh năm 1974, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP Hà Nội) nhận mức án 18 tháng tù. Cả hai bị cáo này cùng bị truy tố theo khoản 1, Điều 337 Bộ Luật Hình sự 2015.
Đại diện VKS nhận định bị cáo Nguyễn Đức Chung đã thành khẩn khai báo hành vi và ăn năn hối cải. Trong quá trình công tác, ông Chung đã nhiều lần được khen thưởng, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Thêm nữa, bị cáo Nguyên Đức Chung có tiền sử mắc bệnh ung thư, phạm tội lần đầu nên được xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ba bị cáo còn lại trong vụ án cũng được nhận định đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có nhiều thành tích trong công tác nên đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Tại phiên tòa, các bị cáo cũng đồng loạt gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước và nhân dân vì những hành vi phạm tội mà mình đã gây ra.