Sáng 25/12, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới trên địa bàn TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết các cấp đang ra sức để đưa TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình; cho nên nhiệm vụ trọng yếu là phải giữ gìn TP thật sự bình yên, an toàn.
Cảnh sát mà thiếu bản lĩnh thì nên đi làm việc khác
Theo ông Nên, TP.HCM 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Tỉ lệ người dân phát hiện, trực tiếp truy bắt tội phạm ngày càng nhiều, khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân trong phòng chống tội phạm.
Tuy nhiên ông Nên cho rằng để đạt được yêu cầu toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, phải đảm bảo an toàn cho người dân, đừng để người dân ra tay bắt tội phạm một mình mà không có lực lượng chức năng. Khi người dân phát hiện dấu hiệu tội phạm, phải có hệ thống báo động, các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá dù đạt được nhiều kết quả nhưng công tác phòng chống tội phạm còn hạn chế. Công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền có nơi còn thiếu chủ động, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.
Các vụ việc vi phạm được kéo giảm nhưng con số tổng thể vẫn còn cao; tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp, đáng lo ngại.
"Số tội phạm truy nã bắt được khoảng 5.000, vẫn còn gần 3.000 đối tượng ngoài xã hội và còn bao nhiêu nữa thì chưa thể biết. Đó là câu hỏi mà lực lượng đấu tranh với tội phạm phải sớm có lời giải", ông Nên nói.
Ông Nên cũng cho biết, trong đánh giá chỉ nói đối tượng gây án, các hoạt động phạm tội ngày càng trẻ, trong khi chưa có số liệu thống kê cụ thể để theo dõi, uốn nắn… thì mục tiêu bảo vệ sự bình yên, an toàn cho TP vẫn đang là thách thức rất lớn.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, mặt trái của nền kinh tế thị trường, phát triển khoa học công nghệ, TP tiếp tục là địa bàn trọng điểm của di dân tự phát thì tội phạm sẽ ngày càng manh động, xuất hiện nhiều hơn các tổ chức tội phạm trong mà ngoài nước, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Ông Nên đề nghị tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Lực lượng chuyên trách cần có kế hoạch mở các đợt cao điểm phòng chống tội phạm khi cần thiết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ trong xây dựng lực lượng công an TP và các cấp.
Bên cạnh đó, lực lượng phòng chống tội phạm phải áp dụng khoa học công nghệ, tăng cường hệ thống camera giám sát tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời nắm bắt diễn biến các vụ việc.
Nghiêm khắc trừng trị nhưng phải song song với công tác cảm hóa, giáo dục tội phạm. Bởi theo ông Nên, tội phạm cũng là con người, họ cũng có ước mơ nhưng vì nhiều lý do họ trở thành tội phạm nên lực lượng chức năng phải thấu cảm, có lòng trắc ẩn, có những giải pháp để giúp họ thoát ra những hành vi sai trái.
Theo ông Nên, cảnh sát hình sự là lực lượng chủ công trong phòng chống tội phạm.
"Cảnh sát mà thiếu bản lĩnh, thiếu đam mê thì nên đi làm việc khác. Phòng chống tội phạm là phải máu. Nghe báo tội phạm đang gây án mà cứ chần chừ, sợ đến sớm, sợ đụng chạm thì không được. Phải máu lên, nghe thì phải có mặt, như vậy mới làm cho người dân tin tưởng", ông Nên nhấn mạnh.
"Trong lực lượng, nếu có ai chưa vượt qua chính mình, thấy chưa thật sự trong sạch thì phải rèn luyện, đừng để phát sinh tiêu cực, suy thoái về đạo đức tư tưởng, lối sống, phải kịp thời giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, kịp thời xử lý sai phạm", Bí thư Nên nhắc nhở.