Ngày 28/12, doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tổ chức buổi kiểm tra, chạy thực nghiệm thông tuyến dự án cao tốc này, đồng thời cho biết dự án sẽ ‘mở cửa’ phục vụ phương tiện đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận
Doanh nghiệp dự án cho biết, tuyến cao tốc này khởi công tháng 11/2009, sau 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng. Đến tháng 3/2019 dự án được tái khởi động, hiện đã đạt 75% khối lượng và sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Ông Nguyễn Tấn Đông – Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 275/TB-VPCP ngày 6/8/2020, ngày 28/10, đơn vị đã báo cáo Thủ tướng về phương án thông tuyến và phân luồng giao thông tạm thời.
Ngày 5/11, UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT đánh giá nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2021 và ngày 18/12, Sở GTVT Tiền Giang đã có văn bản thống nhất.
Theo đó, trên tuyến cao tốc này sẽ tổ chức giao thông cho các loại phương tiện ô tô dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn, tốc độ tối đa cho phép là 40km/h, thời gian được phép lưu thông từ 06h00 đến 17h00 trong ngày, lưu thông một chiều và không được rẽ ra đường nhánh hoặc từ đường nhánh nhập làn vào đường cao tốc.
Về thời gian, sẽ cho lưu thông 5 ngày trước Tết là từ ngày 07/02 đến 11/02/2021 (nhằm ngày 26/12 đến 30/12/2020 Âm lịch) cho các phương tiện lưu thông theo hướng từ Trung Lương đến Mỹ Thuận.
Còn 5 ngày sau Tết là từ 15/02 đến 19/02/2021 (nhằm Mùng 4 đến Mùng 8 Tết Tân Sửu) cho các phương tiện lưu thông theo hướng từ Mỹ Thuận đến Trung Lương.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1 được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc – Công ty CP Đầu tư B.M.T – Công ty CP Đầu tư cầu đường CII. Quản trị điều hành dự án là Tập đoàn Đèo Cả.
Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT năm 2014, dự án có tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng. Đến năm 2017 điều chỉnh còn 9.668 tỷ đồng và đến năm 2019 điều chỉnh lần thứ 3 với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 7.946 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí khác 2.730 tỷ đồng, lãi vay và dự phòng là 1.992 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu là 2.787 tỷ đồng, vốn vay thương mại 7.694 tỷ đồng (ngân hàng tài trợ vốn gồm có Vietinbank, BIDV, VPbank, Agribank) và vốn ngân sách nhà nước 2.186 tỷ đồng.
Dự án có chiều dài 51,1km, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Thời gian hoàn vốn 14 năm 8 tháng.