Thu ngân sách năm 2020 vượt dự toán Quốc hội giao
Chiều 5/1, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2020 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2021.
Tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thu Vân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo cán bộ, công chức ngành Thuế cả nước.
Báo cáo tại hội nghị, ông Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2020, Tổng cục Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vị toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã chủ động đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh đến số thu NSNN theo các kịch bản tăng trưởng; tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính về các phương án để chủ động cân đối NSNN năm 2020.
Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu NSNN, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời, tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế, góp phần tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý đạt 1.278.649 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán (vượt 24.349 tỷ đồng), vượt 175.849 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội (trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 562.093 tỷ đồng, bằng 94,7% dự toán). Trong đó, thu từ dầu thô đạt 34.576 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán. Thu nội địa đạt 1.244.073 tỷ đồng, bằng 102% dự toán (vượt 24.973 tỷ đồng), vượt 173.773 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội.
Ngoài ra, có 55/63 địa phương hoàn thành và vượt mức dự toán, trong đó có một số địa phương vượt trên 10% như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thừa Thiến – Huế, Lào Cai; 41/63 địa phương có tăng trưởng thu.
Cũng trong năm 2020, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 83.979 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; kiểm tra được 804.590 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 71.876 tỷ đồng, bằng 114,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: tổng số thuế tăng thu vào ngân sách là 19.867 tỷ đồng, tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 12.435 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2020, tổng số tiền nợ thuế mà ngành thuế quản lý đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2020 ở mức 4%.
Quyết tâm chống “virus trì trệ” và “trên nóng, dưới lạnh”
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đã rất nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của đất nước, đặc biệt là công tác thu và quản lý thu NSNN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu ngành Thuế phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thuế tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách về thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Chính phủ, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý. Phó Thủ tướng đề nghị ngành Thuế tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng; không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, quyết tâm phòng, chống “virus trì trệ”.
“Ngành Thuế cần lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam như chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ để chống thất thu ngân sách”, lãnh đạo Chính phủ nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra làm giảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh liên quan đến sử dụng công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam. Vì vậy, ngành Thuế cần phải tiếp tục hướng tới hoàn thiện chính sách thuế, mô hình quản lý thuế hiện đại theo hướng mở rộng cơ sở thuế, không bỏ sót người nộp thuế, thu nhập, tài sản và hoạt động chịu thuế.