Chiều ngày 05/01, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội – Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết:
"Việc này sẽ góp phần cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch. Trên tuyến dẫn nước đề xuất có một số công trình đã được xây dựng theo các quy hoạch chuyên ngành. Do đó, nếu thành phố chọn phương án bổ cập nước qua cống Liên Mạc sẽ phù hợp với quy hoạch, không phải lập thêm dự án mới”.
Hiện tại Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Vương Đình Huệ đã yêu cầu TP xem xét vấn đề sau khi xử lý nước cần có một phần bổ cập cho sông Tô Lịch, cũng như rà soát lựa chọn các phương án phù hợp. Trước đó, cũng đã có ý kiến nêu phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Tuy nhiên qua khảo sát thực địa theo tuyến, các đơn vị liên quan quyết định đề xuất thành phố nên bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc là phương án hợp lý hơn.
Ngoài ra, Ban quản lý sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ để thực hiện thêm một số hạng mục để bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Cụ thể như dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đại diện Ban quản lý cho hay gói thầu số 1 về xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành. Các hạng mục khác cũng đang gấp rút được triển khai như xây dựng bể phản ứng bùn hoạt tính, bể lắng thứ cấp, trạm bơm nước thải đầu vào và máy thổi khí...
Liệu Sông Tô Lịch có được hồi sinh?
Được khởi công năm 2016, Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá bao gồm nhà máy xử lý nước thải và tuyến cống thu gom dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài trên 52 km. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 16.000 tỷ đồng. Sau khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành, toàn bộ nước thải sinh hoạt xả xuống sông Tô Lịch sẽ được xử lý. Ngoà ra, nhà máy cũng sẽ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt từ các quận Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân...Ban đầu dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019, nhưng sau đó tiếp tục lùi đến 2022.
Từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, Sông Tô Lịch được thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường. Với chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Từ nhiều năm nay, đã có nhiều cơ quan đứng ra thực hiện cứu dòng sông này khỏi ô nhiễm nhưng chưa thực sự hiệu quả. Khi nói về dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường, đồng thời triển khai động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch, GS sử học Lê Văn Lan từng chia sẻ:
"Tin rằng sông Tô Lịch sẽ trở về trong lành như vốn có, thậm chí còn đẹp hơn, đảm bảo các yếu tố môi trường và khơi dậy lại các giá trị lịch sử"
Với ông, sông Tô lịch đã hình thành cách đây hàng nghìn năm, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử Thăng Long. So với các dự án giải cứu sông Tô Lịch đã triển khai trước đây, ở dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá trước đó, Việt Nam và Nhật Bản đã thực hiện rất bài bản, áp dụng công nghệ hiện đại, đúng nguyên lý xử lý nước thải. Liệu những giải pháp được đề xuất lần này có hiệu quả và Sông Hồng có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch hay không?