WHO kêu gọi tăng cường ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Chiều 9/1, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông tin về một trường hợp mắc Covid-19.
Cụ thể, ca bệnh 1.513 là nam, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Ngày 29/12/2020, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN311, được cách ly ngay tại tỉnh Hải Dương. Kết quả xét nghiệm ngày 8/1/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương.
Trước đó, trên chuyến bay này đã ghi nhận 4 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại tỉnh Hải Dương.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.513 ca, trong đó có 693 ca lây nhiễm trong nước.
Về tình hình cách ly người nhập cảnh, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.634, trong đó có 146 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 15.875 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị hiện có 2 ca diễn biến nặng tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Trước tình trạng đáng báo động về sự lây lan của biến thể virus SARS- CoV 2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu kêu gọi cần phải hành động nhiều hơn để giải quyết.
Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 7/1, ông Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Âu nhấn mạnh, nếu không tăng cường kiểm soát nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh, thì sẽ gây thêm áp lức đối với các cơ sở y tế vốn đã căng thẳng và quá tải.
Ông Kluge cũng đưa các biện pháp, phòng dịch quen thuộc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, như đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, duy trì khoảng cách và rửa tay. Theo ông Kluge, các biện pháp này cùng với việc kiểm tra, cách ly và tiêm chủng đầy đủ sẽ hiệu quả nếu tất cả mọi người cùng tham gia.
Thế giới ghi nhận hơn 89,3 triệu ca mắc Covid-19
Theo số liệu thống kê của trang Worldometers, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 722.125 trường hợp mắc Covid-19 và 13.180 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 89,2 triệu người. Dịch bệnh này đã xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 378.057 ca tử vong trong tổng số 22.443.286 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 150.835 ca tử vong trong số 10.432.525 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 201.542 ca tử vong trong số 8.015.920 bệnh nhân.
Tại châu Âu, số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tại nhiều nước tăng vọt, thậm chí lên mức cao nhất trong vòng một ngày.
Viện dịch tễ Robert Koch của Đức cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.188 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 8/1, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Trong khi đó, số ca mắc mới tại nước này cũng tăng 31.849 ca, một trong những mốc cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Cùng ngày, Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) thông báo riêng tuần trước, xứ England có hơn 1,1 triệu ca mắc Covid-19. Vương quốc Anh ghi nhận 2.957.472 ca nhiễm và 79.833 ca tử vong, tăng lần lượt 68.053 và 1.325 trường hợp. Tình hình dịch bệnh tại nước này diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng SARS-CoV-2 mới.
Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng thông báo trong 48 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 42.360 ca nhiễm và 245 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 2.024.904 người và 51.675 người.
Bên cạnh đó, Pháp ghi nhận thêm 19.814 ca nhiễm và 381 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.747.135 và 67.431.
Tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến hết sức phức tạp tại châu Á, đặc biệt là tại một số nước được coi là “tâm dịch” của khu vực.
Trung Quốc đã phải phong tỏa 2 thành phố thuộc tỉnh Hà Bắc, bước vào “trạng thái thời chiến” do xuất hiện các ca Covid-19 lây lan trong cộng đồng và không có triệu chứng. Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây cũng phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn nguy cơ dịch lây lan rộng.
Tại Nhật Bản, chính quyền Osaka, Hyogo và Kyoto đang cân nhắc khả năng kiến nghị chính phủ mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra 3 tỉnh này trong bối cảnh dịch Covid-19 tại đây đang diễn biến phức tạp.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh (808.340 ca) cũng như tử vong cao nhất khu vực (23.753 ca).