Vào tháng 12 năm 2020, Nga đã tiến hành vụ phóng thử lần thứ ba loại tên lửa hành trình siêu thanh Zircon, đạt vận tốc Mach 8. Hồi mùa hè, Trung Quốc đã phóng hai tên lửa đạn đạo, mà theo các chuyên gia trong nước đã bắn trúng mục tiêu giả định là một con tàu di chuyển ở Biển Đông. Tác giả nhắc lại rằng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh trình diễn loại tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa.
“Các cuộc thử nghiệm chỉ là bằng chứng mới nhất cho thấy tàu sân bay của Mỹ, từ lâu đã được coi là chúa tể đại dương, có thể sẽ sớm phải đối mặt với nguy cơ thật sự đe dọa sự tồn tại của chúng”, - tác giả viết.
Như bài báo lưu ý, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô, vị thế thống trị của các tàu sân bay Mỹ dường như đã được đảm bảo nhiều hơn, với các nhóm tàu sân bay đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc xung đột mà Mỹ can dự từ thập niên 1990. Tuy nhiên, theo tác giả, "trật tự" được thiết lập sau khi kết thúc xung đột bắt đầu dần bị thách thức.
Ông lưu ý rằng tên lửa siêu thanh là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hàng không mẫu hạm, vì chúng có tốc độ quá nhanh khiến hệ thống phòng thủ tên lửa khó ứng phó một cách hiệu quả, đồng thời khả năng thay đổi đường bay của tên lửa khiến chúng hầu như không thể bị đánh chặn.
“Khả năng thực sự của các loại vũ khí chống hạm mới của Nga và Trung Quốc vẫn chưa được biết đến, nhưng các cuộc thử nghiệm gần đây cho thấy rằng các tàu sân bay của Hải quân Mỹ có thể sớm mất vị thế bá chủ hiển nhiên từ trước tới nay”, - tác giả bài báo kết luận.