Cách đây vài ngày, tờ báo Dushi Kuaibao ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã đăng tải câu chuyện của một người dùng Internet phàn nàn rằng, những chiếc đệm ngồi mà nhân viên công ty nhận được từ ban lãnh đạo để theo dõi sức khỏe thực ra dùng để giám sát liệu họ có đang ngồi ở bàn làm việc hay không. Những "chiếc đệm ngồi thông minh" theo dõi huyết áp, nhịp tim và nhịp thở cũng như sự mệt mỏi và tư thế ngồi. Ngoài ra chiếc đệm thông minh này cũng có chức năng nhắc nhở những ai ngồi quá lâu nên di chuyển một chút.
Lúc đầu, các nhân viên rất hào hứng khi nhận được món quà này, không ai nghi ngờ điều gì, nhưng sau đó bộ phận nhân sự bắt đầu chất vấn các nhân viên tại sao họ không có mặt ở bàn làm việc vào giờ này hay giờ khác. Điều này làm dấy lên nghi ngờ.
“Tôi cảm thấy như mình bị lột trần tại nơi làm việc. Cứ như thể họ gắn thiết bị theo dõi vào người tôi. Văn phòng biến thành nhà tù, bởi vì tình trạng của chúng tôi từng phút đều được kiểm tra và giám sát. Điều này không có nghĩa là tôi lười biếng và không muốn bỏ ra nhiều công sức vào việc làm, chỉ là ai có thể khẳng định rằng mỗi phút bạn ở trong văn phòng, bạn nhất định phải làm việc”, - tờ báo trích lời người dùng.
Nhiều người dùng Internet đã phản ứng vô cùng tiêu cực với phương pháp theo dõi như vậy:
“Tại sao tại một nước xã hội chủ nghĩa lại có nhiều trường hợp bóc lột người theo kiểu tư bản chủ nghĩa?"
“Ở đây có cả những người la mắng các nhân viên. Các bạn mất trí rồi à? Các bạn đã quen với việc bị lợi dụng chưa?”
Trả lời câu hỏi của Sputnik về phương pháp theo dõi như vậy có đạo đức hay không, giáo sư Sun Yurong tại Khoa Văn hóa và Luật của Đại học Công nghiệp Bắc Kinh cho biết:
“Thiết bị văn phòng thông minh công nghệ cao như vậy ghi lại rất nhiều thông số chức năng của cơ thể. Ví dụ như nhịp tim, nhịp thở và tư thế ngồi. Thông tin cá nhân nhạy cảm như vậy thuộc về loại dữ liệu được bảo vệ bởi quyền riêng tư. Ngay cả tại nơi làm việc, người sử dụng lao động không có quyền bắt buộc nhân viên sử dụng thiết bị đó để thu thập dữ liệu cá nhân. Cần phải có sự đồng ý tự nguyện của nhân viên”.
Trong quá trình phát triển khoa học công nghệ, các hình thức kiểm soát nhân viên ngày càng trở nên đa dạng hơn. Các nhà quản lý trên thế giới đều sử dụng những sản phẩm mới, công nghệ mới. Ví dụ, vào năm 2019, ở Hàn Quốc đã ghi nhận một số trường hợp quấy rối, và sau đó đã bùng nổ doanh số bán các sản phẩm “điệp viên 007” - bút, thắt lưng da, kính có tích hợp máy quay video và máy ghi âm.
Trong thời đại đại dịch, khi rất nhiều người trên thế giới bắt đầu làm việc từ xa, tại nhà, các ứng dụng và chương trình giám sát nhân viên đang có nhu cầu rất lớn. Ví dụ, theo CNBC, trong năm 2020, các công ty Mỹ như ActiveTrak, Hivedesk, Teramind, Time Doctor, WorkExaminer đã nhận được rất nhiều yêu cầu cài đặt chương trình của họ trên máy tính văn phòng để theo dõi nhân viên trong giờ làm việc – nhân viên mở liên kết nào, sử dụng ứng dụng nào, những tệp nào đang được tải, v.v.
Một số công ty thậm chí chuyển sang sử dụng Sneek với một tính năng khác biệt nổi bật. Cứ sau 1-5 phút, tùy theo cài đặt của host, ứng dụng này lại tự động chụp ảnh tất cả người dùng (từ chính camera, webcam của họ) rồi cập nhật lên màn hình chung. Bằng cách này, đội ngũ quản lý có thể dễ dàng kiểm soát các nhân viên. Business Insider đã viết về điều này vào tháng Ba.
Cần phải nói rằng, trong hầu hết các trường hợp, nhân viên của công ty nhận thức được sự hiện diện của các chương trình giám sát họ. Đâu là ranh giới giữa ý muốn kiểm soát nhân viên và hành vi xâm phạm quyền riêng tư của họ? Và điều này có thể được quy định như thế nào?
“Các công ty công nghệ sản xuất ngày càng nhiều ứng dụng theo dõi và thu thập dữ liệu về người dùng. Những ứng dụng như vậy đã nhiều lần khiến dư luận bất bình. Trung Quốc ngày càng chú trọng hơn đến việc bảo vệ thông tin cá nhân”, - bà Sun Yurong nói với Sputnik.
Tại Trung Quốc, luật bảo vệ quyền riêng tư vẫn đang bảo vệ các nhân viên bị giám sát bằng những ứng dụng khác nhau. Chuyên gia Sun Yurong nhắc nhở về điều này. Nhưng, hành động của các nhà quản lý sử dụng những ứng dụng như vậy vẫn chưa được quy định trong pháp luật.