Theo các nhà phát triển, việc sử dụng bộ thu phát mới rất nhỏ gọn và đơn giản sẽ thúc đẩy sự ra đời của các phương tiện giao thông an toàn tự hành hoàn toàn. Dịch vụ báo chí của trường đại học MEPhI đưa tin.
Theo các nhà khoa học, các hệ thống thị giác máy tính phân tích tín hiệu vô tuyến và quang học cho phép các phương tiện lái tự động và các hệ thống tự hành khác thu nhận và xử lý thông tin từ môi trường xung quanh y như hệ thống thị giác của con người. Bộ phận thu phát quan trọng nhất của các hệ thống như vậy là cái gọi là thiết bị đường dẫn vô tuyến - bộ thu phát hoặc bộ cảm biến cho phép truyền, thu và khuếch đại tín hiệu. Hệ thống bao gồm một số máy thu phát loại này tạo thành "tầm nhìn" của hệ thống lái tự động.
Các nhà khoa học của đại học NRNU MEPhI đã phát triển bộ thu phát hiện đại kiểu này đầu tiên trong nước. Theo họ, bộ thu phát mới kết hợp nhiều thành phần trên một tinh thể, điều này giúp đơn giản hóa và giảm chi phí tạo ra hệ thống thị giác mới. Các nhà khoa học chắc chắn rằng, việc sử dụng thiết bị mới sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai những phương tiện tự hành hoàn toàn.
"Bộ thu phát mới được phát triển trong trường đại học chúng tôi dành cho các hệ thống radar có tầm nhìn kỹ thuật trong phạm vi 24-25 GHz với điều chế tần số. Thiết bị bao gồm bộ thu phát, bộ phát và bộ thu vô tuyến. Bộ thu phát của chúng tôi giúp giảm kích thước của radar, nhờ đó có thể tăng số lượng cảm biến, nâng cao chất lượng tầm nhìn kỹ thuật. Kết quả là có thể tạo ra các hệ thống hỗ trợ lái xe thế hệ mới với tầm nhìn 360 độ”, - chuyên gia Vladimir Klokov, trưởng bộ phận phát triển của Trung tâm Kỹ thuật thuộc NRNU MEPhI giải thích.
Theo các nhà khoa học, ưu điểm chính của bộ thu phát mới là việc gia tăng mức độ tích hợp của các thành phần radar bằng cách kết hợp bộ phát, bộ thu và bộ phận vô tuyến trên một tinh thể. Theo các nhà phát triển, các đặc tính kỹ thuật chính của mẫu thử nghiệm không thua kém các mẫu hiện có trên thị trường. Bộ thu phát được chế tạo trên nền tảng công nghệ của trung tâm khoa học "Công nghệ nano" thuộc NRNU MEPhI có áp dụng công nghệ nano GaAs 150nm.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu dự định tạo ra bộ thu phát ở tần số 75-80 GHz, giúp tăng đáng kể độ phân giải của radar, cũng như phát triển các thành phần vi điện tử mới có sử dụng công nghệ quang tử tích hợp, cho phép kết hợp phân tích tín hiệu vô tuyến và quang học trong tầm nhìn kỹ thuật.