Bản báo cáo viết rằng, nếu Trung Quốc chuẩn bị tốt mọi mặt cho quá trình chuyển đổi số, thì nước này sẽ trở thành hình mẫu để tái cơ cấu nền kinh tế ở các quốc gia khác. Liệu Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện các công việc này trong tương lai gần?
Tại sao cần phải thực hiện cuộc cách mạng kỹ năng?
Báo cáo lưu ý rằng, Trung Quốc có thể chiếm tới 1/3 thay đổi toàn cầu về nghề nghiệp và kỹ năng. Ví dụ, đến năm 2030, 220 triệu lao động Trung Quốc, tương đương 30% nguồn nhân lực, cần phải thay đổi ngành nghề do số hóa. Đây là khoảng 36% tất cả các chuyển nghề hay thay đổi công việc trên thế giới.
Báo cáo cho biết, Trung Quốc cần phải thực hiện cuộc cách mạng kỹ năng để tiếp tục cải thiện mức sống, để đến năm 2050, GDP bình quân đầu người đạt mức của các quốc gia phát triển.
Để thực hiện cuộc cách mạng trong hệ thống giáo dục, cần phải thực hiện những thay đổi quan trọng có liên quan đến những người trưởng thành đang làm việc.
Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng kỹ năng chưa?
Giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu hóa và Hiện đại hóa thuộc Đại học Kinh tế đối ngoại và thương mại Trung Quốc Wang Zhimin lưu ý, việc hiện đại hóa cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu hệ thống giáo dục đã được đề cập trong các dự án của chính phủ Trung Quốc. Nhưng, điều này vẫn chưa đủ để thực hiện sớm một bước nhảy vọt:
“Từ quan điểm của chiến lược nhà nước, chúng tôi đã bắt đầu thay đổi và hiện đại hóa cơ cấu kinh tế sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, quá trình này đang được thực hiện theo kế hoạch. Trên thực tế, đây là một dự án mang tính hệ thống hoạch định chiến lược chi tiết trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, mô hình của hệ thống giáo dục sẽ thay đổi từ thực nghiệm sang nghiên cứu và đổi mới. Ngoài ra, kế hoạch này chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực nghiên cứu, tài trợ doanh nghiệp và những vấn đề khác. Nói chung, chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi có kế hoạch, nhưng chúng tôi chưa có dự án trọng điểm, chưa quan tâm đúng mức đến khía cạnh này”.
Bình luận về báo cáo của McKinsey Global Institute, chuyên gia Wang Zhiyong từ Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học và Kinh tế học Lao động thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cũng lưu ý rằng, Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng thực hiện một cuộc cách mạng trong hệ thống giáo dục để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các ngành nghề mới:
“Thực ra, những thay đổi kiểu này diễn ra rất nhanh, nhưng, hệ thống giáo dục của chúng tôi không theo kịp. Điều này đặc biệt đúng đối với nông dân và công nhân ở nhà máy; nhà nước cần phải tập trung nỗ lực để giải quyết vấn đề đào tạo lại họ. Như chúng ta có thể thấy, trong những năm gần đây, số lượng việc làm trong ngành công nghiệp chế biến đã giảm đi. Bất chấp xu thế chung trên toàn thế giới, khu vực công nghiệp thứ cấp của chúng tôi vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều để phát triển. Ngoài ra, rất nhiều thành phố và huyện của Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ. Tất cả những điều này có thể dẫn đến thực tế là trong quá trình tái cơ cấu, nhiều người có thể bị mất việc làm và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm”, - ông Wang Zhiyong nói với Sputnik.
Nền kinh tế Trung Quốc có mức độ số hóa khá cao, các khoản đầu tư vào công nghệ giáo dục không ngừng tăng lên. Trong thời gian kéo dài đại dịch, nhiều cơ sở chuyển sang đào tạo từ xa, nhờ đó quá trình này đã tăng cường. Nhưng, quá trình này cũng có mặt trái.
Ai sẽ gặp khó khăn trong quá trình số hóa nền kinh tế?
Trung bình, khoảng 87 ngày làm việc của một công nhân sẽ được tự động hóa trong thập kỷ tới, các chuyên gia McKinsey nhận xét. 22-40% việc làm của 331 triệu lao động nhập cư sẽ gặp rủi ro. Đồng thời, việc phát triển các kỹ năng mới sẽ mang lại cho mỗi công nhân trung bình 40 ngày làm việc.
Chuyên gia Wang Zhiyong giải thích thêm:
“Theo tôi, những người làm công việc lao động chân tay đơn giản, chẳng hạn, lao động chân tay trong ngành công nghiệp chế biến, sẽ phải thay đổi nghề nghiệp. Điều này đặc biệt đúng đối với những công việc có khả năng sẽ được thay thế bằng robot và công nghệ AI. Ví dụ, một số nhân viên ngân hàng đã từng được thay thế bằng máy ATM hoặc ngân hàng di động. Kết quả là, nếu khách hàng có một câu hỏi đơn giản, anh ta không cần liên hệ với nhân viên ngân hàng nữa. Mặt khác, các công việc như giao hàng và chuyển phát nhanh lại có nhu cầu khá cao, hơn nữa, đây là công việc không đòi hỏi kỹ năng đặc biệt, nên tôi cho rằng, sắp tới sẽ có một lượng lớn lao động chuyển sang lĩnh vực này từ ngành công nghiệp. Những người trẻ ở nông thôn cũng không muốn làm nghề công nhân ở nhà máy để hàng ngày làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, họ muốn đến những nơi sẽ cho họ nhiều tự do hơn. Ngoài ra, ngày càng nhiều người đến làm việc trong lĩnh vực Internet - những người phát sóng trực tiếp, làm influencer, v.v.”
Theo ông Wang Zhimin, không thể từ bỏ hoàn toàn cấp trung và cấp thấp hơn trong ngành công nghiệp chế biến, vì ở Trung Quốc có rất nhiều người đang làm việc trong ngành này.
"Có một xu hướng mới của kinh tế thế giới - phương Đông đang tăng trưởng còn phương Tây đang chậm lại"
Vào cuối tháng 12 năm 2020, các chuyên gia từ Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) hợp tác cùng Mastercard đã phân tích mức độ số hóa của các nền kinh tế thế giới.
Theo kết quả phân tích trình độ phát triển kinh tế trong 90 quốc gia, Trung Quốc đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng số hóa nền kinh tế trong năm 2020. Về chỉ số này, Top 10 quốc gia chủ yếu bao gồm các nước phương Đông, kể cả Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Iran, Qatar và Nga – nước đứng cuối cùng trong danh sách này . Đồng thời, trong danh sách các nền kinh tế “nổi bật” về kinh tế kỹ thuật số có Singapore đang đứng đầu thế giới và Hong Kong đứng thứ 3.
“Trong thế giới hiện đại có xu hướng - phương Đông đang tăng trưởng còn phương Tây đang chậm lại. Các nước phương Đông rất chú trọng phát triển kinh tế. Và các quốc gia với hệ thống tương tự như Trung Quốc có lợi thế riêng, tâm lý phương Đông cho phép họ tổ chức hiệu quả hơn việc thực hiện các dự án khác nhau. Hiện nay ở các nước phương Tây có rất nhiều vấn đề, mâu thuẫn và xung đột xã hội đang có chiều hướng gia tăng, điều này được thấy rõ ở Mỹ và Châu Âu. Ngoài ra, hiện nay châu Á rất chú trọng đến hợp tác, còn các nước phương Tây phần lớn đều nỗ lực để tách ra”, - chuyên gia Wang Zhimin nói.
Các công nghệ AI đang dần đi vào cuộc sống của chúng ta trong nhiều lĩnh vực - dưới dạng máy bay không người lái bảo vệ an ninh trật tự, ô tô tự lái, ngành y tế kỹ thuật số và thậm chí cả robot phục vụ hoặc robot giao hàng. Điều này khiến nhiều người tự hỏi liệu những con robot có thể cướp hết công ăn việc làm của con người hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, các công nghệ chỉ cho phép máy móc thực hiện các công việc nhất định được gắn trong chúng, thực hiện các quy trình lặp đi lặp lại, khác với bộ não con người phức tạp và khó đoán.