Tuần trước, ông đã đến Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines, nơi ông cam kết giúp đỡ việc cung cấp vắc-xin phòng chống Covid-19, đồng thời đàm phán các dự án thương mại và cơ sở hạ tầng để giúp các quốc gia đó phục hồi sau đại dịch. Trước đó ba tháng, người đứng đầu Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa cũng đã đến thăm Campuchia, Malaysia, Lào, Singapore và Thái Lan với cùng mục tiêu. Trong số mười quốc gia thành viên ASEAN, chỉ có Việt Nam là "không nằm trong" lộ trình các chuyến thăm viếng của Vương Nghị. Và điều này, theo ấn phẩm nổi tiếng Hong Kong South China Morning Post, đã khiến các chuyên gia quốc tế chú ý và lo lắng.
Cách xa Bắc Kinh, gần gũi Washington hơn
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, trên bối cảnh vai trò ASEAN ngày càng gia tăng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, sự phớt lờ Việt Nam trong các chuyến thăm của Ngoại trưởng CHND Trung Hoa cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội do tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và sự tích cực tái thiết quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Nhưng cùng lúc đó, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc cũng cho thấy sự phát triển tích cực, và Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách các đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, thay chỗ vị trí của Đức.
Tuy nhiên, Hà Nội đang cố gắng bằng mọi cách có thể để đa dạng hóa các mối quan hệ của mình trên nhiều lĩnh vực, và làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh tại đây, từ việc từ chối hợp tác với tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei Technologies và kết thúc bằng việc mua vắc-xin chống coronavirus không phải của Trung Quốc, mà của Anh, Mỹ và Nga. Một bài báo trên tờ South China Morning Post lưu ý căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những tháng gần đây cũng đã nổi lên trong một số cuộc đàm phán cấp cao hạn chế, đặc biệt là các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các quan chức chính phủ và lãnh đạo đảng, vốn có truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quan hệ.
Trong bối cảnh đó, sự quan tâm ngày càng tăng của các quan chức Hoa Kỳ đối với Việt Nam là đặc biệt đáng chú ý, nơi họ đã trở thành khách mời thường xuyên trong thời gian gần đây bất chấp đại dịch. Hà Nội đang tăng cường quan hệ với các tay chơi quan trọng trong khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản, nâng tầm quan trọng về địa chính trị và trở thành đối thủ chính trong chính sách Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Các chuyên gia được South China Morning Post phỏng vấn lưu ý giới lãnh đạo Trung Quốc đang chờ đợi chính sách nào mà chính quyền Biden sẽ theo đuổi, cũng như lựa chọn đường lối của ban lãnh đạo mới của Việt Nam, sẽ được bầu tại Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam, khai mạc sau một tuần nữa.
Quan hệ Việt - Trung còn nhiều khó khăn
Mikhail Terskikh, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, phó tiến sỹ Khoa học Chính trị, không coi sự vắng mặt của Việt Nam trong lịch trình Đông Nam Á của Vương Nghị là bằng chứng cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
“Tôi cho rằng quan hệ giữa hai quốc gia này luôn khó khăn, nhưng họ đã quen cùng tồn tại trong một môi trường như vậy, các nhà lãnh đạo học cách đàm phán, và không có vấn đề lớn nào tồn tại, ngoại trừ biển Đông, điều mà họ không thể thảo luận và giải quyết trong tương lai gần. Vì những lý do địa lý, lịch sử, sự khác biệt về tiềm lực của hai nước, Hà Nội sẽ cố gắng tránh xa sức ép của Bắc Kinh, để tự bảo vệ mình bằng cách giảm bớt hoặc đa dạng hóa sự phụ thuộc.
Trong bối cảnh của cuộc đối đầu đang diễn ra, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có vẻ khá hợp lý. Hơn nữa, các mục tiêu của Washington và Hà Nội trùng khớp, bất kể ai hiện đang nắm quyền trong Nhà Trắng. Sự xuất hiện của Biden sẽ không gây ra những thay đổi trong chính sách châu Á của Hoa Kỳ, vì nhiệm vụ chính của Washington ở khu vực này, như Kissinger đã viết ở một trong những cuốn sách của mình, là ngăn chặn sự xuất hiện của một thế lực bá chủ ở châu Á. Hoa Kỳ đã tuân thủ chính sách này hơn 100 năm kể từ khi nước này trở thành một cường quốc ở Thái Bình Dương. Lúc đầu, họ lo sợ Nhật Bản có thể trở thành bá chủ như vậy; trong những năm gần đây, có cơ sở cho những lo ngại như vậy và được hướng vào Trung Quốc.
Việt Nam được coi là quốc gia có thể giúp ngăn chặn Trung Quốc trở thành bá chủ, thành một đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ, cân bằng về quyền lực và ảnh hưởng. Vì vậy, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển dần dần, có lẽ tiếng nói về chủ đề nhân quyền, mà chính quyền đảng dân chủ rất yêu thích, sẽ có âm thanh lớn hơn một chút. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều không muốn xung đột nghiêm trọng sử dụng vũ lực quân sự và Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tự tay mình chiến đấu với Trung Quốc”, Mikhail Terskikh nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Tốt nhất là đừng đến, để không tạo ra sự đồn đoán
Chuyên gia Nga cho rằng sự vắng mặt của Việt Nam trong lịch trình chuyến thăm Đông Nam Á của Vương Nghị cũng có thể gắn với Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam sắp tới. Trung Quốc quyết định không gặp gỡ trước các lãnh đạo đảng và nhà nước, để không kích động những đồn đoán tập thể về thiện cảm của Trung Quốc đối với một số người trong ban lãnh đạo tương lai Việt Nam, như trong những đại hội kỳ trước, khi bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với phái đoàn Trung Quốc hay Mỹ đều được coi là việc “xem mặt trước”. Việc Ngoại trưởng Trung Quốc không đến Hà Nội hoàn toàn không ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Trung, vì Việt Nam và Trung Quốc có mạng lưới quan hệ rộng rãi nhất ở các cấp và cơ hội trao đổi thông tin rộng lớn.