Từ đầu năm nay, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm tra báo cáo tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai). Đồng thời, Hội đồng này sẽ do Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư làm Chủ tịch, các ủy viên thuộc các bộ ngành Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải.
Giữa năm 2020, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, diện tích 371 ha. Tổng mức đầu tư dự án là 4.194 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương tham gia 1.195 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, vốn nhà đầu tư kết hợp với vốn vay thương mại là 2.999 tỷ đồng sẽ dùng để xây dựng đường cất hạ cánh và nhà ga hàng không. Dự kiến thời gian xây dựng 4 năm, thời gian thu phí hoàn vốn, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư 46 năm.
Cảng hàng không Sa Pa được dùng chung dân dụng và quân sự
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án. Theo nghiên cứu tiền khả thi, cảng hàng không Sa Pa là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách mỗi năm với một đường cất hạ cánh, đường giao thông kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai quy mô 2 làn xe.
Theo quy hoạch phê duyệt trước đó, Cảng hàng không nội địa Sapa có công suất 3 triệu khách mỗi năm, với 9 chỗ đỗ máy bay và đón được các máy bay tương đương Airbus A320, Boeing 737. Đây là cảng hàng không nội địa, sân bay cấp 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO và sân bay quân sự cấp II. Như vậy, sân bay này có thể đón các loại máy bay Airbus A320, Boeing 737 và tương đương. Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Sapa giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, sân bay này sẽ được đặt tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Sân bay Sa Pa sẽ là cảng hàng không nội địa dùng chung dân dụng và quân sự, có một nhà ga hành khách 2 cao trình. Phía nam có đất dự trữ để có thể xây thêm một nhà ga hành khách giai đoạn sau năm 2030.